Trước thềm Đại hội Đại biểu MTTQ TP HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2019-2024, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM Tô Thị Bích Châu đã trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về công tác mặt trận trong nhiệm kỳ qua cũng như định hướng trong thời gian tới.
Người dân chăm sóc cây cho công trình “phủ xanh tuyến hẻm” - một trong những công trình của quận 3 đăng ký tham gia để hưởng ứng cuộc vận động “Người dân TP không xả rác ra đường và kênh rạch vì TP sạch và giảm ngập nước” Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Phóng viên: Cùng với cả nước, TP HCM đã tích cực chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu MTTQ TP lần thứ XI, nhiệm kỳ 2019-2024. Công tác này được thực hiện như thế nào trong thời gian qua, thưa bà?
- Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM Tô Thị Bích Châu: Có thể khẳng định tới thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho Đại hội đã được bảo đảm. Đại hội Mặt trận các cấp đã tạo nên một đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp trong nhân dân, nhiều chỉ tiêu mới được thiết lập, nhiều mô hình, giải pháp hay được tiếp tục nhân rộng trên địa bàn.
Bà có thể nói cụ thể những kết quả nổi bật của MTTQ TP nhiệm kỳ qua?
- Điểm nổi bật đầu tiên là phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc TP trong tham gia vận động và triển khai thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh của TP. Hệ thống MTTQ TP luôn phát huy tính chủ động trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch, chương trình phối hợp thống nhất hành động định kỳ, chuyên đề nhằm cụ thể hóa chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, các văn bản hướng dẫn của Mặt trận Trung ương và chỉ đạo của Thành ủy TP HCM.
Công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện bằng nhiều nội dung cụ thể, hình thức đa dạng đã tạo sự đồng thuận xã hội cao. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được đồng bào các giới hưởng ứng theo tinh thần "tích cực học tập, nỗ lực làm theo". Nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, mang tính thiết thực ở cơ sở được đúc kết và nhân rộng. Nhiều điển hình trong các giới, các tôn giáo, dân tộc với những việc làm vì cộng đồng mang tính nhân văn.
Công tác giám sát và phản biện xã hội được xác định là một trong những nội dung trọng tâm, thường xuyên, tập trung đối với những lĩnh vực có liên quan đến quyền, lợi ích và đời sống của nhân dân. Phương thức hoạt động được mặt trận các cấp quan tâm đổi mới, hướng hoạt động về cơ sở, gắn với nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng nhân dân. Mối quan hệ phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP với Thường trực HĐND, UBND, các tổ chức thành viên được tăng cường, hỗ trợ lẫn nhau trong các hoạt động liên quan đến an sinh xã hội, xây dựng nhà nước pháp quyền ngày càng vững mạnh…
Vai trò giám sát, phản biện của MTTQ và các tổ chức thành viên luôn là nội dung quan trọng, rất được người dân quan tâm. Bà đánh giá như thế nào về vai trò này trong nhiệm kỳ qua?
- Trong thời gian qua, MTTQ TP đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức giám sát ở 15 nội dung, lĩnh vực mà người dân quan tâm hoặc còn bức xúc như việc thực hiện chế độ, chính sách bồi thường, giải tỏa; việc bố trí tái định cư và tạm cư cho người dân có nhà, đất bị thu hồi; việc thực hiện quy hoạch, dự án còn để kéo dài nhiều năm; quy trình giải quyết các thủ tục hành chính của UBND các cấp, đặc biệt là ở cấp cơ sở… Sau giám sát, có thông báo kết quả giám sát và các kiến nghị gửi đến các cơ quan có liên quan để xem xét giải quyết. Nhiều kiến nghị sau giám sát được tiếp thu và phản hồi, góp phần tạo niềm tin của nhân dân. Các đoàn thể chính trị - xã hội TP cũng chủ động xây dựng kế hoạch giám sát đạt được kết quả như LĐLĐ TP trong 5 năm đã tổ chức được 13.840 cuộc giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc; việc thực hiện chính sách BHXH cho người lao động; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công chức, viên chức và người lao động.
Vẫn có dư luận cho rằng chất lượng giám sát còn nhiều vấn đề phải bàn, bà nghĩ gì về nhận xét này?
- Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận hoạt động giám sát của MTTQ TP và các tổ chức chính trị - xã hội tuy có chuyển biến tích cực nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra của đời sống xã hội, kết quả giám sát ở các lĩnh vực tư pháp, cải cách hành chánh còn khiêm tốn…
Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng mà MTTQ TP và các tổ chức thành viên cần phải quan tâm, đầu tư thực hiện trong thời gian tới. Tôi cho rằng cần phải lựa chọn các nội dung, vấn đề giám sát, phù hợp với nhiệm vụ, điều kiện và năng lực của mỗi cấp, mỗi địa phương. Chú trọng giám sát việc thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, việc thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân, đặc biệt đối với các vấn đề "nóng" người dân quan tâm như lĩnh vực đất đai, quy hoạch, đền bù giải tỏa mặt bằng xây dựng các công trình, dự án; giám sát tinh thần trách nhiệm, thái độ giao tiếp, ứng xử của cán bộ… Theo dõi, đôn đốc, giám sát các cơ quan chức năng thực hiện các kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội.
Trong những mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình hành động nhiệm kỳ tới có điều gì cần lưu ý, thưa bà?
- Giai đoạn 2019-2024, bên cạnh những thời cơ thuận lợi và thách thức trong quá trình phát triển của TP, vấn đề hội nhập quốc tế cũng có tác động đến các tầng lớp nhân dân. Đó là các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình"; lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc hòng làm "tự chuyển hóa" trong nội bộ Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều vấn đề liên quan tới quyền lợi người dân, nhất là trong việc quy hoạch, giải tỏa, đền bù, tái định cư dễ phát sinh điểm nóng. Việc làm, học tập, đời sống, sức khỏe… vẫn đang là những vấn đề quan tâm, lo lắng, bức xúc của nhân dân.
Những vấn đề trên đòi hỏi MTTQ TP và các tổ chức thành viên phải đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức vận động, tập hợp nhân dân, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và chương trình hành động, củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn TP.
Trong nhiệm kỳ tới, sẽ diễn ra Đại hội Đảng các cấp và bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là 2 sự kiện chính trị rất quan trọng. Do đó, mặt trận phải tổ chức góp ý và tập hợp ý kiến của các tầng lớp nhân dân TP tham gia góp ý vào các dự thảo văn kiện và vận động nhân dân thực hiện đúng và đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm của mình.
Để thực hiện được những mục tiêu trên cần phải có những con người đủ đức đủ tài. Như vậy, công tác nhân sự nhiệm kỳ mới đã được chuẩn bị kỹ lưỡng như thế nào, thưa bà?
- Cán bộ là khâu then chốt, quyết định thành bại công việc, vì thế nơi nào người đứng đầu Ủy ban MTTQ các cấp gương mẫu, trách nhiệm, có uy tín và đội ngũ cán bộ chuyên trách mặt trận các cấp có năng lực, tâm huyết thì nơi đó hoạt động hiệu quả, vị thế và vai trò của mặt trận được nâng lên. Do đó, trong nhiệm kỳ 2019-2024 bên cạnh mời những vị đủ đức, đủ tài để tham gia, chúng tôi còn tìm kiếm những nhân tố trẻ, giỏi, năng động, bảo đảm tính đại diện, tiêu biểu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để cùng thực hiện chương trình thống nhất hành động nhiệm kỳ mới đạt hiệu quả cao nhất.
Tôi tin tưởng rằng với tinh thần, khí thế mới, MTTQ TP và các tổ chức thành viên sẽ phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để chung sức xây dựng TP HCM "có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình".
Đại hội Đại biểu MTTQ TP HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2019-2024, diễn ra trong 2 ngày 27 và 28-6. Dự kiến, nhân sự tham gia Ủy viên Ủy ban MTTQ TP HCM nhiệm kỳ 2019-2024 là 140 đại biểu.
Những con số ấn tượng
Trong nhiệm kỳ 2014 - 2019 , Ủy ban MTTQ TP HCM đã tổ chức 5.778 cuộc tuyên truyền để triển khai chỉ thị 05-CT/TW về "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; biểu dương 128.249 gương "Người tốt, việc tốt"; đăng ký 1.200 công trình/mô hình thực hiện Cuộc vận động "Người dân TP không xả rác ra đường và kênh rạch vì TP sạch và giảm ngập nước"; biểu dương hơn 6 triệu lượt gia đình văn hóa; vận động hơn 922 tỉ đồng cho Quỹ Vì người nghèo và hơn 209 tỉ đồng cho Quỹ "Vì biển đảo quê hương - vì tuyến đầu Tổ quốc".
Đặc biệt, tổ chức 5.768 hoạt động giám sát theo chức năng, nhiệm vụ; tổ chức 1.697 hoạt động phản biện xã hội; 32.736 lượt tiếp và lắng nghe ý kiến công dân…
Bình luận (0)