Vụ kẹt xe kéo dài từ trưa đến tối 23-12 trên đại lộ Phạm Văn Đồng đã thực sự ghi tên con đường này vào danh sách "điểm đen" ùn tắc ở TP HCM.
Ám ảnh 3 nút giao
Ở vụ kẹt xe trên, hướng lưu thông từ cầu Bình Lợi về khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, dòng xe xếp ken đặc mặt đường, "chôn chân" tại vòng xoay Phạm Văn Đồng - Phan Văn Trị. Cảnh tượng tương tự cũng xảy ra ở hướng ngược lại, tại vòng xoay Phạm Văn Đồng - Nguyễn Thái Sơn và Phạm Văn Đồng - Lê Quang Định. Theo đó, cả 2 hướng của đại lộ Phạm Văn Đồng, ô tô xếp hàng trên 5 làn đường, chậm chạp di chuyển, trong khi dòng xe máy cũng ken cứng, leo vỉa hè nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh ùn tắc. Nhiều cán bộ, chiến sĩ CSGT, thanh niên xung phong... chật vật đứng phân luồng, điều tiết nhưng cũng không làm giảm bớt tình trạng kẹt xe.
Đại lộ Phạm Văn Đồng - đẹp nhất nội đô TP HCM - thường xuyên rơi vào cảnh ùn tắc giao thông
Nếu quan sát kỹ sẽ thấy tình trạng ùn tắc tại những nút giao nêu trên xuất phát từ việc quy hoạch các tuyến đường chưa đồng bộ. Cụ thể, đường Phạm Văn Đồng thiết kế rộng với nhiều làn xe, trong khi các tuyến đường như Phan Văn Trị, Lê Quang Định, Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Kiệm... lại hẹp khiến các phương tiện liên tục bị dồn ứ tại đây. Kế đến, nút giao Phạm Văn Đồng - Phan Văn Trị và Phạm Văn Đồng - Lê Quang Định là 2 nút giao đồng mức nhưng lại có lượng phương tiện từ các hướng quận Gò Vấp, 12, Thủ Đức... dồn vào quá lớn khiến áp lực giao thông càng gia tăng. "Đáng nói, ở nút giao Phạm Văn Đồng - Phan Văn Trị có thêm siêu thị Emart Gò Vấp cùng một nhà hàng tiệc cưới "án ngữ" nên giao thông không ùn ứ, hỗn loạn mới lạ" - chị Loan, người dân ở khu vực trên, nói.
Theo chị Loan, chỉ tính lượng xe ra vào khu siêu thị Emart Gò Vấp và nhà hàng tiệc cưới ở kế bên lúc chiều tối hoặc ngày cuối tuần cũng khiến khu vực này bị dồn ứ và nhiều thời điểm "lây lan" qua hết con đường Phạm Văn Đồng. Trong khi đó, việc tổ chức giao thông tại đây lại bất hợp lý khi trước khu siêu thị và nhà hàng tiệc cưới bố trí 2 điểm cho xe quay đầu liền kề nhau, khiến các hướng lưu thông liên tục bị xung đột.
Tương tự, tại nút giao Phạm Văn Đồng - Lê Quang Định, thời gian chờ của đèn tín hiệu giao thông cũng chưa hợp lý. Vào giờ cao điểm, lượng xe ở cả 2 hướng trên đường Phạm Văn Đồng tăng cao nhưng đèn tín hiệu đỏ trên tuyến đường này lại khá dài, trung bình khoảng 55 giây và chênh lệch hơn nhiều so với các hướng lưu thông từ đường Lê Quang Định cùng Nguyên Hồng cắt ngang. Chưa kể, đèn tín hiệu xanh trên đường Phạm Văn Đồng tại nút giao này tổ chức chung cho cả làn đường ô tô và xe máy, dẫn đến việc xe 2 bánh khi rẽ trái qua Lê Quang Định hoặc Nguyên Hồng đều phải cắt ngang làn đường ô tô. Tình trạng trên ngoài việc làm các hướng đi bị xung đột còn khiến nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao.
Đang theo dõi
Theo ghi nhận, tại những vị trí gần nhiều nút giao trên đường Phạm Văn Đồng, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM đã mở thêm khoảng hở dải phân cách giữa làn ô tô và xe máy để các phương tiện chuyển hướng từ xa, không gây xung đột khi đến các nút giao. Riêng vòng xoay Phạm Văn Đồng - Phan Văn Trị, Sở GTVT vừa mở rộng thêm khoảng 3 m làn đường xe 2 bánh và một số biển báo giao thông cũng được điều chỉnh. Tuy nhiên, anh Phạm Hùng Chiến (ngụ đường Phan Văn Trị, phường 7, quận Gò Vấp) cho biết đường Phan Văn Trị đoạn qua cầu Hang Trong hiện vẫn là "nút thắt cổ chai", trong khi lượng xe lưu thông qua đây rất lớn nên để giải quyết kẹt xe tại đây thì cần mở rộng đoạn đường này.
Theo ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, đường Phạm Văn Đồng hiện đã cơ bản xây dựng đồng bộ các dự án theo quy hoạch. Trong đó, chỉ còn nhánh cuối của công trình cầu vượt thép tại nút giao với đường Nguyễn Thái Sơn đang trong quá trình giải phóng mặt bằng và chuẩn bị thi công. Trước vấn đề áp lực giao thông tăng cao ở một số nút giao thông nêu trên, ông Hưng cho biết Sở GTVT đang theo dõi và khảo sát lại từng khu vực cụ thể để lên phương án điều chỉnh. Biện pháp trước mắt là tổ chức phân luồng lại giao thông như bổ sung biển báo cấm rẽ trái, điều chỉnh thời gian chờ đèn đỏ, cải tạo các nút giao... "Trước mắt, thực hiện những biện pháp này rồi trên cơ sở đó nghiên cứu phương án tiếp theo mới có thể giải quyết triệt để" - ông Hưng chia sẻ.
TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng đường Phạm Văn Đồng chỉ là một vấn đề nhỏ trong bài toán chung về thực trạng giao thông của TP HCM. Ông Sơn nhìn nhận khi mở tuyến đường này, cơ quan quản lý chưa dự liệu hết nhu cầu đi lại khi có sự kết nối giữa tuyến đường này với cả một khu vực rộng lớn. Theo ông Sơn, để giải quyết tình trạng kẹt xe không chỉ riêng đường Phạm Văn Đồng mà nói chung của cả TP thì phải dựa trên cơ sở khoa học. Cụ thể là xác định nguyên nhân dẫn đến ùn tắc và từ đó thống kê số lượng phương tiện theo từng nhu cầu để phân loại và trên cơ sở đó mới đưa ra được giải pháp căn cơ. "Tuy nhiên, vấn đề này ngành giao thông của TP hiện còn khá bị động mà đường Phạm Văn Đồng là một điển hình" - ông Sơn nói.
Xóa 4, xuất hiện 2
Theo Sở GTVT TP HCM, trong số 37 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông cũ, sở đã xóa được 4 điểm. Tuy nhiên, đang phát sinh thêm 2 điểm mới là đường Dương Bá Trạc (quận 8) và Quốc lộ 1, đoạn qua cầu Bình Điền (huyện Bình Chánh).
Từ nay tới Tết nguyên đán 2018, Sở GTVT cho biết các đơn vị sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý những điểm kẹt xe nặng nhất, trong đó có các trục đường ra vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Bình luận (0)