Tối 13-1, Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP HCM đã tổ chức chương trình giao lưu, biểu diễn và tôn vinh kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương (1918-2018) tại phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Một thế kỷ tự hào
Ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM; ông Nguyễn Thành Phong - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP HCM; bà Thân Thị Thư - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy... cùng hàng ngàn nghệ sĩ, khán giả đã tham dự chương trình.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân chúc mừng các nghệ sĩ
Điểm lại chặng đường hình thành và phát triển của nghệ thuật cải lương, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định: Hào sảng, nghĩa hiệp, lạc quan, nghệ thuật cải lương không chỉ là viên ngọc quý mà còn là sản phẩm văn hóa thuần Việt, giáo dục nhân cách con người.
"Trong quá trình phát triển, TP HCM luôn khẳng định sự quan tâm, gìn giữ những giá trị văn hóa nghệ thuật. Bằng những giải pháp cụ thể, TP sẽ thúc đẩy sự phát triển của sân khấu cải lương" - ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Dịp này, lãnh đạo trung ương và TP HCM đã trao tặng bằng khen cho các nghệ sĩ lão thành, NSND, NSƯT và các gia tộc đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp sân khấu cải lương. Các cá nhân, tập thể của các đơn vị nghệ thuật công lập và xã hội hóa đã đoạt thành tích tại Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018 cũng được khen thưởng.
Sau đó, đông đảo khán giả đã cùng thưởng thức tiết mục "Vọng trăng xưa" do soạn giả Hoàng Song Việt sáng tác, với sự góp mặt của các nghệ sĩ thuộc hàng cây đa cây đề như: NSND Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Minh Vương, Thanh Tuấn, Trọng Hữu, NSƯT Thanh Điền, Thanh Kim Huệ…
Tiết mục mở màn đã tái hiện chặng đường hình thành và phát triển của nghệ thuật cải lương. Khán giả đã được nhắc lại những gánh hát xưa như: Thầy Thận Sa Đéc, Thầy Năm Tú, Nam Đồng bang, Phước Cương, Huỳnh Kỳ, Hồng Nhựt... Đêm diễn đã vinh danh những thương hiệu đầy màu sắc, tạo nên sự độc đáo của sân khấu cải lương thời hoàng kim.
Ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - trao tặng bằng khen cho các nghệ sĩ lão thành, NSND, NSƯT.
Đồng hành với đời sống đương đại
Trong đêm diễn, khán giả cùng thưởng thức những bài ca cổ, những trích đoạn ca ngợi lịch sử chống giặc ngoại xâm mà các nghệ sĩ đã thể hiện bằng tinh thần sáng tạo và niềm đam mê mãnh liệt đối với sân khấu cải lương. Những tiết mục: "Bài ca địa đạo", "Lấp sông Gianh", "Vọng trăng xưa", "Bánh bông lan"… gây xúc động cho người xem.
NSND Ngọc Giàu, NSƯT Phượng Loan và Thoại Mỹ đã tái hiện nhân vật Thái hậu Dương Vân Nga đầy cảm xúc, gợi nhớ về cố NSƯT Thanh Nga - người đã tạc vào tâm trí hàng triệu khán giả về tác phẩm sân khấu cùng tên nêu cao tinh thần chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
NSND Minh Vương ca cùng NSND Lệ Thủy
NSND Trọng Hữu tâm sự 100 năm sân khấu cải lương đã đúc kết chặng đường gắn bó giữa loại hình nghệ thuật này với lịch sử dân tộc; không thể quên sự hy sinh của những nghệ sĩ trên sàn diễn. "Lúc ấy, mỗi nghệ sĩ là một chiến sĩ, mỗi tác phẩm là một vũ khí chiến đấu, góp phần khơi dậy tinh thần kiên trung và lòng tự hào dân tộc để chúng ta có được độc lập, tự do" - NSND Trọng Hữu bày tỏ.
Các nghệ sĩ trong chương trình 100 năm sân khấu cải lương
Chương trình cũng nhắc lại giai đoạn hào hùng của sân khấu cải lương. Đó là cột mốc năm 1956, khi Đoàn Cải lương Nam Bộ được thành lập. Ngoài một số diễn viên của Đoàn Cải lương Tổng cục Chính trị chuyển sang, đoàn còn có những nghệ sĩ tiên phong nổi danh trước năm 1945, đi kháng chiến rồi tập kết ra Bắc, làm nòng cốt.
Kết tinh trí tuệ
Sự hình thành và phát triển của nghệ thuật cải lương trong suốt một thế kỷ qua, theo NSND Ngọc Giàu, đó không chỉ là kết tinh mồ hôi, nước mắt và trí tuệ của nhiều thế hệ nghệ sĩ tạo dựng nên mà còn là những gửi gắm đầy ý nghĩa đối với thế hệ tiếp bước.
Bình luận (0)