Tỉnh ủy Đắk Lắk vừa thông báo rộng rãi về việc đăng ký thi tuyển chức danh giám đốc Sở Công Thương, giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT). Đồng thời, ban hành kế hoạch thí điểm tuyển chọn bí thư huyện ủy 2 huyện Lắk và Buôn Đôn, đây là những vị trí đang khuyết cán bộ.
"Tìm người tài, không tìm người nhà"
Theo đó, đối với 3 chức danh lãnh đạo sở, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk trực tiếp chỉ đạo tổ chức thi tuyển, quyết định thành lập hội đồng thi tuyển, ban giám sát. Các sở có chức danh lãnh đạo, quản lý thi tuyển phải niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan về các nội dung của kỳ thi tuyển, tạo điều kiện để người đủ điều kiện, tiêu chí tìm hiểu, tiếp cận thông tin liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và vai trò, nghĩa vụ, quyền lợi, các vấn đề khác liên quan đến thi tuyển.
Ngoài ra, các sở này phải giới thiệu bằng văn bản nhân sự đủ năng lực, điều kiện, tiêu chuẩn cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh để đề cử tham gia thi tuyển theo quy định. Ban Tổ chức Tỉnh ủy tiếp nhận hồ sơ trước ngày 25-2; thời gian thi viết trước ngày 15-3 và thời gian bảo vệ đề án trước ngày 30-3.
Việc đổi mới công tác cán bộ được Tỉnh ủy Đắk Lắk quán triệt đến các sở - ngành. Trong ảnh: Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường (hàng ngồi, thứ ba từ phải sang) cùng cán bộ thường xuyên xuống cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân
Bên cạnh đó, Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng chuẩn bị tổ chức thí điểm tuyển chọn bí thư huyện ủy cho 2 huyện Lắk và Buôn Đôn. Cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ chọn khoảng 3-5 ứng viên là những cán bộ, công chức bảo đảm đủ điều kiện, tiêu chuẩn chức danh theo quy định, đã có quy hoạch chức danh tuyển chọn hoặc quy hoạch chức danh tương đương trở lên. Đồng thời, các ứng viên này phải có 3 năm liền kề hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ trở lên; không thuộc những trường hợp quy định tại các khoản 2, 3, 4 điều 82 Luật Cán bộ, công chức. Đối với vị trí bí thư Huyện ủy Buôn Đôn, ứng viên là người dân tộc thiểu số.
Ông Bùi Văn Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk - cho rằng việc thi tuyển, tuyển chọn lãnh đạo này là chủ trương đổi mới công tác cán bộ của tỉnh, với mục tiêu "Tìm người tài, không tìm người nhà" - như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói.
Chống chạy chức, chạy quyền
Ông Bùi Văn Cường cho biết đối với chức danh giám đốc, phó giám đốc sở, sẽ tổ chức thi tuyển theo các quy định để chọn được cán bộ đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Việc tổ chức thi tuyển còn tạo điều kiện thu hút nhân lực có chất lượng cao từ nhiều nguồn khác nhau nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, quản lý.
Đối với việc tuyển chọn chức danh bí thư huyện ủy, ông Bùi Văn Cường cho rằng đây là vấn đề mới nên Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng đã có văn bản xin ý kiến trung ương và được đồng thuận. Thay vì như trước đây chỉ chọn 1 người rồi làm quy trình bổ nhiệm thì nay sẽ chọn từ 3-5 ứng viên/vị trí. Các ứng viên trình bày đề án, trả lời các câu hỏi tình huống trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy và chuyên gia, trên cơ sở đó chọn ra 1 ứng viên có năng lực nổi trội, giới thiệu để tiến hành quy trình công tác cán bộ theo đúng quy định. Trường hợp người xuất sắc nhất được Ban Thường vụ Tỉnh ủy giới thiệu mà thực hiện quy trình cán bộ không đạt yêu cầu thì tiếp tục giới thiệu người xuất sắc thứ hai.
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk khẳng định việc đổi mới cách tuyển chọn cán bộ, một mặt giúp Ban Thường vụ chọn được cán bộ thực tài; mặt khác, giúp cán bộ tự nghiên cứu, nâng cao trình độ, tìm các giải pháp đột phá để xây dựng, phát triển các địa phương. Đây còn là giải pháp chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ, tạo cơ hội cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, công khai, minh bạch.
Tạo động lực phấn đấu cho cán bộ
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, cho rằng việc đổi mới công tác cán bộ, tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo sở, trong đó có phó giám đốc Sở NN-PTNT là hết sức cần thiết nhằm chọn ra người có tài, có đức, có uy tín đảm đương nhiệm vụ. Khi tổ chức thi tuyển hay tuyển chọn cán bộ, bản thân mỗi người phải tìm tòi, nghiên cứu để xây dựng đề án, chương trình hành động cụ thể từ đó nâng cao năng lực cán bộ. Đồng thời, việc thi tuyển cũng tạo ra sự cạnh tranh, động lực cho những cán bộ muốn vươn lên, phấn đấu hoàn thiện để đáp ứng nhiệm vụ.
Bình luận (0)