Theo UBND tỉnh Đắk Nông, tổng diện tích rừng đã mất phải trồng thay thế là 4.610 ha. Trong đó, chuyển đổi để làm các dự án thủy điện là 3.166 ha. Đối với việc trồng rừng thay thế các công trình thủy điện, tỉnh đã và đang thực hiện từ nguồn vốn do các dự án thủy điện nộp về quỹ bảo vệ và phát triển rừng.
Ông Nguyễn Bốn, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết vấn đề bức xúc nhất của tỉnh hiện nay liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng. Tỉnh ủy, UBND tỉnh hầu như tuần nào cũng họp đột xuất về vấn đề này.
Mặc dù năm 2014, tỉnh phấn đấu mỗi năm giảm 50% số vụ vi phạm công tác quản lý bảo vệ rừng nhưng 3 năm liên tiếp không những không giảm mà còn tăng. Cơ quan chức năng đã xử lý hàng trăm cán bộ kiểm lâm, cán bộ bảo vệ rừng, cán bộ cấp xã… nhưng tình trạng phá rừng vẫn không giảm.
Theo ông Lê Diễn, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông, tỉnh rất quyết liệt công cuộc quản lý bảo vệ rừng. Để lập lại trật tự kỷ cương về công tác này, thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã xử lý khoảng 70 lâm tặc, triệt phá nhiều băng nhóm phá rừng, khởi tố 6 doanh nghiệp nhà nước để mất rừng. Số cán bộ vi phạm bị xử lý tăng lên rất nhiều.
"Tỉnh Đắk Nông kiên quyết xử lý các cá nhân, tập thể; không có vùng cấm trong việc xử lý vi phạm trong công tác quản lý bảo vệ rừng" - ông Lê Diễn khẳng định.
Theo ông Ngô Xuân Lộc, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông, liên quan đến những vụ việc có tính chất phức tạp, tỉnh Đắk Nông đã báo cáo Bộ Công an vào cuộc điều tra làm rõ. Điển hình như vụ việc xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Nguyên Vũ (gọi tắt là Công ty Nguyên Vũ; xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông), Bộ Công an đang phối hợp với Công an tỉnh điều tra dấu hiệu vi phạm công tác quản lý bảo vệ rừng. Công ty Nguyên Vũ do bà Nguyễn Thị Kim Thoa (vợ ông Lương Ngọc Lếp, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông - PV) làm giám đốc.
Liên quan đến những đề xuất của tỉnh Đắk Nông, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo Tổng cục Lâm nghiệp hướng dẫn, phối hợp với tỉnh thực hiện kế hoạch thành lập mới 2 khu bảo tồn thiên nhiên.
Bình luận (0)