Khác với không khí vui tươi hằng ngày, con hẻm nhỏ số 76 trên đường An Dương Vương (phường 16, quận 8) bỗng dưng lặng lẽ trong sáng 24-3. Nơi đây đang diễn ra tang lễ của ông Trần Văn An (45, tuổi, bảo vệ chung cư Carina) - người đã thiệt mạng khi chạy đi gõ cửa báo cháy cứu người trong lúc ngọn lửa bùng lên tại chung cư Carina.
"Nếu không có anh An thì tôi đã chết rồi!"
Có mặt tại tang lễ, hai đồng nghiệp của anh An là Lê Gia An (21 tuổi, quê Bạc Liêu) và Nguyễn Thanh Sang (22 tuổi, quê Bạc Liêu) trong kíp trực tại block A chung cư Carina không nén được xúc động. Khi phát hiện đám cháy, cả 3 đã lao vào hiện trường cứu thoát hơn 40 người ra ngoài an toàn. Phát hiện vẫn còn người kêu cứu, ông An chạy đi ứng cứu và rồi vĩnh viễn không thể quay lại nữa.
Những đồng nghiệp của ông An đến thăm viếng chia sẻ nỗi đau với gia đình ông.
"Lúc phát hiện ra lửa cháy, tụi em cố gắng dập lửa dưới tầng hầm còn chú An lao lên trên tầng lầu gõ cửa từng nhà báo động. Thấy không thể dập lửa nổi, tụi em cũng chạy lên ứng cứu người dân. Lúc đó, nhiều người già và trẻ em mắc kẹt. Tụi em mới tri hô người khỏe sẽ cõng các cụ già, các thanh niên cõng các em nhỏ để đến nơi an toàn" - anh Gia An nhớ lại. Khi lực lượng chức năng có mặt, nhóm của ông An đã cứu được hơn 40 người thoát nạn.
"Khi nhóm người đã ra ngoài an toàn, chú An nghe tiếng la kêu cứu của một gia đình khác liền leo lên tiếp tục ứng cứu. Lúc này, khói lửa cũng đã bắt đầu bao trùm dữ dội, chú An chạy lên rồi mất hút luôn, không thấy trở lại. Anh em chia nhau đi kiếm nhưng cũng không thấy" - anh Sang tiếp lời đồng nghiệp sụt sùi kể. Mãi cho đến trưa, anh mới được biết ông An đã gục chết vì kiệt sức và ngạt khí. Ông ngã xuống khi vẫn đang gõ cửa báo động cho người dân.
Nói đến đây, giọng của những người đồng nghiệp trẻ bỗng chùng xuống. Trong thâm tâm họ, ông An luôn là người chú hiền lành, sẵn sàng bảo ban, chỉ dạy khi họ mới vào nghề: "Hôm trước xảy ra đám cháy, chú còn nói xin phép nghỉ một bữa để đi ăn đám cưới. Chú còn nói giỡn không cho nghỉ thì sẽ nghỉ luôn. Nào ngờ..."- anh Sang nghẹn ngào.
Hai bảo vệ cùng tham gia với ông An ứng cứu người dân trong vụ cháy ở chung cư Carina.
Cũng trong đám tang ông An, nhiều người nhờ nghe ông báo cháy mà thoát nạn cũng đến tỏ lòng biết ơn, chia sẻ nỗi đau cùng gia đình. Nhiều người xa lạ vì cảm phục lòng dũng cảm cũng đến thắp nén nhang đưa tiễn ông. Chị Hiền (ngụ tầng 9, chung cư Carina) chia sẻ: "Hôm đó, tôi nghe tiếng la báo động của anh An vọng lên liền nên bừng tỉnh chạy ra ngoài thì phát hiện có cháy liền tìm đường thoát thân. Khi vừa thoát xuống thì khói lửa đã mịt mù, nếu không có anh An thì tôi đã chết rồi".
"Buồn đau nhưng cũng rất tự hào"
Chia sẻ với báo Người Lao Động, ông Trần Văn Tâm (43 tuổi, em trai của ông An) cho biết mấy anh em quê ở Long An, lên TP HCM lập nghiệp cả chục năm nay. Theo ông Tâm, anh trai mình là người hiền lành chịu khó. Lúc đầu, ông Tâm làm bảo vệ ở chung cư Carina, ông An làm nghề thợ hồ để nuôi sống vợ con. Mấy năm gần đây, ông Tâm chuyển qua bộ phận khác mới giới thiệu cho anh trai làm bảo vệ ở chung cư Carina.
"Hôm đó, khoảng 1 giờ thì tôi nhận được tin báo chung cư bị cháy liền gọi điện cho anh trai thì thấy đổ chuông. Tôi cứ nghĩ anh An bận tham gia cùng mọi người chữa cháy nên cũng không để ý lắm. Mãi đến sáng hôm sau, tôi đọc báo mới biết có 13 nạn nhân tử vong, mới hoảng hồn chạy qua chung cư. Lúc này, tôi mới biết anh An đã mất tích liền nhờ mấy anh em bảo vệ đi tìm trong vô vọng. Trưa cùng ngày, công an gọi điện báo tin dữ..." - Giọng của ông Tâm nghẹn lại, nước mắt ứa ra trên khóe mắt.
Ông Trần Văn Tâm (em trai nạn nhân) buồn bã trước sự ra đi đột ngột của anh trai.
Ông Tâm vẫn nhớ quãng đường chạy ra bệnh viện Nguyễn Tri Phương để nhận diện người thân hôm qua bỗng dưng xa đằng đẵng. Lúc đó, lòng anh như có lửa đốt, vừa lo lắng, vừa hi vọng nạn nhân không phải anh trai mình: "Lúc đó, tôi cứ lẩm bẩm cầu nguyện, hi vọng là họ nhầm người. Nhưng vừa nhìn thấy là tôi nhận ra anh An ngay. Anh nằm đó khói bụi vẫn còn lấm lem khắp người, tôi thì dường như ngã quỵ xuống".
Nhận được tin dữ, vợ ông An đang làm ăn buôn bán xa ở Tây Ninh vội vàng đón xe về nhà để lo hậu sự cho chồng. Ngồi thẫn thờ trước di ảnh của chồng, bà cố nén những giọt nước mắt đau đơn. Bà cho biết vì hoàn cảnh, bà phải đi làm ăn xa gia đình: "Vợ chồng tôi đã lâu không được gặp nhau, không ngờ ngày gặp lại ở trong hoàn cảnh đau thương như vậy. Nghe tin chồng mất vì xả thân cứu nhiều người, tôi buồn đau nhưng cũng rất tự hào".
Nghe mẹ nói vậy, anh Trần Thanh Huy - người con trai duy nhất của ông An khẽ đưa tay lau nước mắt. Anh gắn bó với người cha từ nhỏ đến lớn: "Khi tôi còn nhỏ, ba đã bảo ban chăm sóc. Trưởng thành hơn, tôi vẫn ở với ba. Mỗi ngày tôi đi làm, ba ở nhà lủi thủi. Khi tôi tan ca, ba lại chạy đi trực đêm. Vậy là hai ba con không có nhiều thời gian gặp nhau. Tôi vẫn chưa chấp nhận được sự thật ba đã ra đi mãi mãi".
Vợ ông An cho biết đau buồn nhưng cũng rất tự hào về chồng.
Chứng kiến cảnh tượng đau lòng này, nhiều người không thể ngăn được nước mắt. Những người hàng xóm ngồi thẫn thờ, tiếc thương cho người đàn ông hiền lành, luôn giúp đỡ mọi người. "Anh An tốt bụng, hòa đồng lắm nên ai cũng yêu mến, đặc biệt là mấy đứa nhỏ trong xóm. Nghe đâu con trai sắp làm đám cưới mà ảnh ra đi đột ngột quá" - Bà Lê (hàng xóm ông An) chia sẻ.
Suốt buổi tang lễ, ông Tâm vẫn ngồi lặng lẽ trước di ảnh anh trai mình, đón từng lượt khách đến thăm viếng. Khi có người nhắc về ông An, ông Tâm nói: "Mất đi người thân thì ai cũng đau xót hết. Nhưng một mạng người ra đi mà đổi lấy mạng sống cho nhiều người thì cũng thật ý nghĩa. Chúng tôi sẽ tự hào về anh lắm!".
Bình luận (0)