Trong công cuộc phát triển của Đà Nẵng trước đây, lãnh đạo của TP này từng hô hào quyết tâm xây dựng Đà Nẵng thành một mô hình kiểu mẫu, "TP đáng sống", điểm đến của miền Trung… Thực tế Đà Nẵng đã làm được nhiều việc: đường sá thông thoáng, nhà cao tầng san sát mọc lên, nhiều công trình hoành tráng được xây dựng, không có cảnh người bán vé số, ăn xin đầy trên đường phố. Nhưng đằng sau sự phồn hoa này, nhiều người dân nghèo cũng không thể đổi đời theo đà phát triển của TP. Không ít cán bộ đã giàu lên từ đất đai và quy hoạch. Cơ hội đã không bình đẳng với mọi người.
Con đường ven biển đẹp nhất đã lọt vào tay những nhà đầu tư lắm tiền và họ không ngại ngần chiếm làm của riêng. Người dân bao đời gắn bó với vùng biển tuyệt đẹp này phải dời nhà, nhường đất để "TP phát triển kinh tế" và nay muốn đặt chân xuống biển cũng phải trả tiền. Đất công bị bán rẻ để trục lợi; vùng sinh thái cũng bị đổ bê -tông phân nền xây resort.
Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới và đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa gạo của quốc gia. Nơi đây đất đai phì nhiêu, sông nước hữu tình, nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao, giúp người dân làm giàu trên mảnh đất của mình. Tuy nhiên, mức sống của người dân nơi đây thấp hơn các khu vực khác, tỉ lệ người nghèo cũng cao hơn nhiều tỉnh, thành. Hàng vạn gia đình vẫn còn nghèo khó ngay trên mảnh đất này. Dù nước ta xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng mỗi năm có gần chục tỉnh, thành phải nhận gạo cứu đói cho dân vùng sâu, vùng xa, vùng thiên tai, lũ lụt thì khó mà vui.
Phát triển du lịch là xu thế tất yếu của những quốc gia được thiên nhiên ưu đãi. Việt Nam đã xuất phát muộn hơn các nước lại còn đi chậm. Nguyên một dải đất được biển ôm sát tựa núi tuyệt đẹp luôn được ca ngợi là "thiên đường du lịch" nhưng chúng ta đã thu được kết quả xứng tầm? Những vùng du lịch đẹp nhất đang bị xâm hại mỗi ngày, du khách ngại ngần khi phải trở lại, cảnh quan bị xẻ thịt phân lô bán nền… thì chẳng mấy chốc "thiên đường" cũng kiệt quệ.
Thuế tài sản cũng thế, có một nhà kinh tế và không ít quan chức cho rằng đây là "chính sách ưu việt" không ảnh hưởng đến người nghèo. Không có chính sách thuế nào mà không ảnh hưởng tới người dân, kể cả người nghèo. Hãy thử ví dụ thuế nhà. Một người giàu xây nhà cho thuê, sau khi đóng thuế tài sản, họ sẽ tính tất cả vào giá thành và quy ra giá thuê nhà để làm sao họ có lãi cao nhất, trong sự chấp nhận được của người thuê. Khách hàng của những căn nhà thuê này phần lớn là người nghèo, công nhân, buôn bán nhỏ… Chỉ những nhà kinh doanh cố tình ngây thơ mới không tính thuế vào giá thành.
Người dân không cần những mỹ từ sáo rỗng, đầy tính khoa trương để làm màu, bởi thói chuộng hình thức ăn sâu vào máu không ít người. Dân cần được có đời sống ngày một khấm khá, an lành. Việc Đảng ta quyết liệt chống tham nhũng được dân đón nhận, vui mừng, bởi đất nước bớt dần quan tham thì dân bớt khổ. Còn gì tuyệt vời hơn nói đi đôi với làm, vì dân mà phụng sự.
Bình luận (0)