Tỉnh Nghệ An là một trong những địa phương có nhiều dự án thủy điện với 32 dự án được phê duyệt, trong đó hơn một nửa đã đi vào hoạt động.
Thủy điện Chi Khê tích nước khiến nhiều diện tích đất sản xuất của người dân xã Cam Lâm bị ngập úng
Thủy điện tích nước, dân bị "ngập"
Thủy điện Chi Khê, ở huyện Con Cuông, chặn dòng sông Cả tích nước phát điện vào năm 2019. Từ khi thủy điện này tích nước lên cao trình 38 m đã khiến nhà của 16 hộ dân xã Cam Lâm bị ngập, có nguy cơ sạt lở gây mất an toàn. Ngoài ra, việc tích nước còn khiến 84 hộ dân mất nhiều diện tích đất nông nghiệp do bị nước nhấn chìm.
Ông Lô Văn Hiền - Chủ tịch UBND xã Cam Lâm, huyện Con Cuông - lo lắng: "Không hiểu họ khảo sát thế nào nhưng hiện có trên 100 hộ dân ở trên cao trình 38 m bị ảnh hưởng do thủy điện tích nước chưa được đền bù. Hiện xã đang kiến nghị huyện, công ty thủy điện tiến hành khảo sát, đưa vào quy hoạch để đền bù thỏa đáng cho người dân".
Ở phía bên kia sông Lam, từ khi thủy điện Chi Khê tích nước, hàng trăm hộ dân xã Châu Khê bức xúc khi đất sản xuất nằm ngoài mốc chỉ giới cao trình 38 m nhưng vẫn bị ngập mà không được đền bù. Ngoài ra, việc thủy điện tích nước còn khiến hàng trăm ngôi mộ của người dân xã này bị nhấn chìm dưới lòng hồ. Ông Kha Văn Thương - Chủ tịch UBND xã Châu Khê, huyện Con Cuông - cho biết: "Thủy điện Chi Khê tích nước đã khiến trên 100 ngôi mộ ở xã bị ngập khiến người dân bức xúc, bất bình. Hiện có 38 ngôi mộ của người dân bị ngập vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ, đền bù từ chủ đầu tư".
Ông Lương Đình Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông, cho biết do ban đầu phía chủ đầu tư nhà máy thủy điện đánh giá không chính xác mức độ ảnh hưởng của mực nước dâng khi tích nước nên nhiều diện tích đất của người dân ngoài cao trình đã được phê duyệt bị ảnh hưởng nhưng không có trong phương án đền bù. Hiện huyện đã đề nghị chủ đầu tư thủy điện Chi Khê phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương phê duyệt diện tích phát sinh ngoài chỉ giới giải phóng mặt bằng sau khi tích nước lên cao trình 38 m, để thực hiện bồi thường bổ sung thỏa đáng cho người dân.
Các nhà máy thủy điện được xây dựng đã gây ra nhiều hệ lụy tại tỉnh Nghệ An
Thiếu cơ sở vật chất khi về nơi ở mới
Ngày 19-6-2003, dự án thủy điện Bản Vẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 665/QĐ-TTg. Dự án được xây dựng tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, là công trình thủy điện lớn nhất khu vực Bắc miền Trung với công suất 320 MW, đã được ngăn dòng vào ngày 26-12-2005. Sau khi dự án được triển khai thì có 3.022 hộ dân buộc phải di dời, tái định cư (TĐC), nhường đất cho dự án. Trong đó có 2.127 hộ di dời, TĐC về huyện Thanh Chương, lập nên 2 xã mới là Thanh Sơn và Ngọc Lâm vào năm 2009.
Sau khi người dân được TĐC về nơi ở mới đã 13 năm nhưng các công trình thiết yếu ở 2 xã này vẫn chưa được xây dựng. Ông Lô Huy Hùng - Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương - bức xúc: "Khổ nhất là không có chợ để người dân mua bán trao đổi hàng hóa. Khổ quá, anh em trong xã phải góp tiền dựng một số lều tạm bợ để người dân có chỗ họp chợ".
Ông Lê ĐìnhThanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, cho biết người dân, chính quyền xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn đã nhiều lần kiến nghị về việc hỗ trợ kinh phí xây dựng các công trình trên nhưng đến nay vẫn không có kết quả.
Liên quan vấn đề trên, đại diện chủ đầu tư dự án thủy điện Bản Vẽ cho rằng năm 2005, khi quy hoạch TĐC về huyện Thanh Chương thì không có thành lập xã mới, chỉ TĐC vào các xã khác. Đến năm 2009, Chính phủ mới có quyết định thành lập 2 xã mới. Chính vì vậy, các công trình công cộng như trụ sở UBND xã, nhà văn hóa xã, đài tưởng niệm liệt sĩ là xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. "Tuy nhiên, đến nay vì ngân sách còn thiếu nên huyện Thanh Chương có đề nghị hỗ trợ. Chúng tôi đã có văn bản báo cáo Chính phủ, xin sử dụng các nguồn vốn hợp lý để hỗ trợ địa phương xây dựng" - đại diện chủ đầu tư nói.
Được biết, mặc dù Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ đã đi vào hoạt động hơn 10 năm, song theo Sở Công Thương tỉnh Nghệ An, hiện dự án này vẫn tồn tại nhiều vấn đề, gồm công tác bàn giao mặt bằng công trường, bồi thường giá trị chênh lệch đất nơi đi và nơi đến cho các hộ TĐC tập trung. Lập hồ sơ bồi thường bổ sung phần diện tích đất thực tế bị ngập tại bản Con Phen, xã Hữu Khuông và bản Xốp Cháo, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương vẫn chưa được giải quyết. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân bản Cà Moong, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương chưa thực hiện. Ngoài ra, việc trích đo, thành lập bản đồ địa chính để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất sản xuất tại 2 xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương còn vướng mắc. Việc hỗ trợ khắc phục lũ lụt năm 2018 chưa thỏa đáng khiến nhiều người dân bức xúc.
Mất nhiều diện tích rừng, đất sản xuất
Các dự án thủy điện đang được triển khai xây dựng ở Nghệ An cũng lấy đi 5.687 ha đất rừng, 1.733,3 ha đất sản xuất nông nghiệp và hơn 1.000 ha đất khác.
Với nhiều nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động, việc vận hành, xả lũ còn nhiều bất cập. Tháng 8-2018, các nhà máy thủy điện ở Nghệ An đồng loạt xả lũ khiến hàng trăm nhà dân bị nước cuốn trôi, hàng ngàn hecta cây trồng bị hư hại. Các huyện như Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương... bị ngập trong nước lũ nhiều ngày.
Sau đợt xả lũ, các ngành chức năng Nghệ An đã kiểm tra và chỉ ra những bất cập trong quá trình vận hành liên hồ chứa, xả lũ của các thủy điện là nguyên nhân gây ra thiệt hại lớn cho người dân.
Bình luận (0)