Biết được thông tin Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho tái khởi động dự án Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) trong tháng 2-2019, người dân gần khu vực thi công khấp khởi mừng.
Nhà nứt toác vẫn chưa bồi thường
Giữa năm 2016, cống ngăn triều Phú Định (quận 8, TP HCM) khởi công, máy móc rầm rập ngày đêm khiến người dân nơi đây mất ăn mất ngủ, nhà cửa bị nứt toác. Bà Trần Kim Thu (nhà số 32 đường Đình An Tài, phường 7) cho biết ban đầu nhà bà được thẩm định bồi thường 23 triệu đồng nhưng bà không đồng ý. Đến đầu năm 2018, đơn vị thẩm định lần 2 xác định số tiền bồi thường cho gia đình bà là 61 triệu đồng. Lúc này, bà đồng ý và ký vào biên bản nhưng đến nay chưa được giao tiền. "Tết sắp đến, nhà vẫn chưa được sửa sang. Tường nứt, bê-tông rớt xuống nền nhà nên cả gia đình vừa ở vừa run. Ông anh hai thì bị bệnh, nếu nhà sập thì không biết chạy đằng nào" - bà Thu lo lắng.
Cống ngăn triều Phú Định (quận 8, TP HCM) chỉ lác đác vài công nhân kiểm tra công trình
Trường hợp nhà bà Thu không phải cá biệt. Cứ vài tháng, nhiều người dân lại kéo nhau lên trụ sở UBND phường 7 để hỏi về tiến độ bồi thường. Theo ghi nhận của phóng viên, các trường hợp nhà nứt ở khu vực này có thể chia thành 3 dạng: đã nhận tiền bồi thường, ký biên bản đồng ý nhưng chưa nhận được tiền bồi thường và chưa đồng ý với số tiền bồi thường mà đơn vị thẩm định đưa ra.
Bà Phạm Thị Vân (nhà số 31 Đình An Tài) cho hay bà không đồng ý với số tiền mà đơn vị thẩm định đưa ra là 11 triệu đồng nên đang yêu cầu thẩm định lần 2. Với 11 triệu đồng, bà trả tiền công thợ sửa nhà cũng không đủ. "Vừa rồi, bí thư thành ủy nói sẽ cho khởi động trong tháng 2-2019 nên chúng tôi hy vọng dự án sớm hoàn thành để chủ đầu tư bồi thường cho người dân có nhà bị hư hỏng" - bà Vân nói.
Hiện có 180 căn nhà ở phường 7, quận 8 bị ảnh hưởng trong quá trình thi công dự án. Đại diện chủ đầu tư dự án là Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam khẳng định doanh nghiệp này không chối bỏ trách nhiệm bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong quá trình thi công cống ngăn triều Phú Định. Các hạng mục của dự án đều được mua bảo hiểm, sau đó công ty bảo hiểm thuê đơn vị thẩm định và xác định mức bồi thường cụ thể cho từng căn nhà. Tuy nhiên, nhiều trường hợp giữa đơn vị thẩm định và người dân chưa thống nhất được số tiền bồi thường nên bảo hiểm chưa thể chi trả.
Buýt đường sông "đứng hình"
Theo kế hoạch, tuyến buýt đường sông số 2 (Bạch Đằng - Lò Gốm) dài 10,3 km sẽ được triển khai trong năm 2018. Thế nhưng, vì vướng mặt bằng cống ngăn triều Bến Nghé (giữa quận 1 và quận 4) nên tuyến buýt này phải dời lại năm 2019. Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (đơn vị đầu tư tuyến buýt số 2), cho biết nếu cống ngăn triều không hoàn thành thì tuyến buýt đường sông số 2 không thể triển khai. Công ty hiện đã chuẩn bị xong các yêu cầu mà Sở Giao thông Vận tải TP giao để triển khai trong năm nay nhưng vẫn phải chờ giải pháp kỹ thuật là thông tuyến toàn lộ trình.
Theo ông Toản, một trong những chức năng của cống ngăn triều là kiểm soát mực nước trong kênh nên khi hoàn thành, đơn vị khai thác đường thủy sẽ xác định được số liệu mớn nước tiêu chuẩn. Dựa trên số liệu này, công ty kiến nghị nạo vét những đoạn nước cạn để tuyến buýt đường sông hoạt động liên tục, không bị gián đoạn khi triều xuống. Ngoài ra, công trình chắn ngang sông, tàu thuyền không thể qua lại nên đơn vị phải chờ khi công trình hoàn thành, cống ngăn triều mở luồng riêng cho tàu thuyền thì hành trình mới thông suốt. Thêm tuyến buýt đường sông số 2, cùng với tuyến số 1 hiện có tạo thành một tuyến giao thông thủy thông suốt từ Đông sang Tây nối các quận Thủ Đức, Bình Thạnh, 1, 2, 4, 5, 6, 8; giảm gánh nặng cho đường bộ.
"Cả mười mấy triệu dân TP cũng đang chờ dự án chứ không phải riêng mình tuyến buýt đường sông. Ở góc độ nhà đầu tư, chúng tôi mong dự án sớm hoàn thành giúp cho giao thông thủy được thông thoáng, phục vụ an sinh xã hội cũng như cảnh quan TP" - ông Toản kỳ vọng.
Sắp làm việc với tư vấn giám sát hợp đồng
Liên quan vấn đề này, Trung tâm Chống ngập TP vừa làm việc với Liên danh Tư vấn giám sát hợp đồng (TVGSHĐ) về các kiến nghị của đơn vị này đối với dự án chống ngập do triều. Động thái này diễn ra sau chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu Văn phòng UBND TP sắp xếp lịch làm việc với Công ty TNHH Tư vấn đầu tư xây dựng Meinhardt Việt Nam (thuộc liên danh TVGSHĐ) để giải quyết nội dung kiến nghị của đơn vị này trong tháng 1-2019. Văn phòng UBND TP sẽ xếp lịch làm việc sau khi Trung tâm Chống ngập TP làm việc với Liên danh TVGSHĐ và báo cáo lại TP.
Trước đó, dự án này đã tạm ngưng từ cuối tháng 4-2018, lý do mà chủ đầu tư đưa ra là do UBND TP chậm ký xác nhận khối lượng hoàn thành phục vụ giải ngân theo biểu mẫu của Ngân hàng Nhà nước. Đến cuối tháng 12-2018, UBND TP đã làm việc với các đơn vị liên quan và đưa ra nhiều hướng giải quyết cho những tồn tại của dự án này. Cụ thể, lãnh đạo TP sẽ làm việc với Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (công ty thực hiện dự án) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm sớm tái khởi động dự án. Về thủ tục giải ngân, UBND TP giao Trung tâm Chống ngập căn cứ Hợp đồng BT và đề xuất của Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 tổ chức kiểm tra, ký xác nhận hồ sơ khối lượng hoàn thành phục vụ giải ngân khoản vay cho dự án.
Giao thông đường thủy bị đe dọa
Để có mặt bằng thi công các cống ngăn triều, lòng sông bị thu hẹp khiến các phương tiện giao thông đường thủy gặp nguy hiểm. Ngay sau đó, UBND TP đã yêu cầu Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 tổ chức thực hiện phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy tại các công trình cống kiểm soát triều. Nếu để xảy ra hậu quả do mất an toàn giao thông đường thủy liên quan đến dự án thì công ty phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Bình luận (0)