Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, năm 2017, toàn quốc xảy ra 20.080 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.279 người, bị thương 17.040 người. Còn 10 tháng năm 2018, đã có 6.674 người chết và 11.549 người bị thương vì tai nạn giao thông, đặc biệt là trong này có 962 trẻ em. Con số thật khủng khiếp và một trong những nguyên nhân hàng đầu là do người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu, bia. Say xỉn tự gây tai nạn cho mình đã đành, nguy hại hơn, chính họ gây tai nạn cướp đi sinh mạng của người khác.
Điểm qua những vụ tai nạn nghiêm trọng, luôn thấy không thiếu bóng dáng của ma men. Vụ án đang gây xôn xao dư luận là vụ tài xế lùi ôtô trên cao tốc Thái Nguyên - Hà Nội bị xe container tông phải làm 6 người thiệt mạng là điển hình. Tài xế ôtô đã uống rượu bia, cho dù biện minh cách nào thì cũng không thể phủ nhận rượu, bia sẽ tác động rất lớn đến khả năng quan sát, điều khiển ôtô. Còn nói trắng ra, rượu vào lái xe liều lĩnh hơn. Gần đây, ngày 18-12, một phụ nữ lái ôtô tông hàng loạt xe máy và ôtô đang dừng đèn đỏ ở TP Hà Nội làm người dân một phen kinh hoàng. CSGT xác định nữ tài xế này đã vi phạm quy định về độ cồn khi điều khiển ôtô.
Cũng chẳng nơi đâu dân nhậu lại liều mạng như ở ta. Nhìn vào con số mỗi năm tiêu thụ đến 4 tỉ lít bia cũng đã hình dung được "đô" của các ma men đến mức nào. Uống thì đến bí tỉ nhưng hầu hết cứ phóng xe ra đường. Say xỉn suốt thì có nhiều kiểu chết nhưng nhanh nhất và trực tiếp nhất là tai nạn giao thông. Bị tai nạn rồi mới biết sợ nhưng lúc đó thì chẳng còn cơ hội để rút kinh nghiệm.
Hiểm họa uống rượu lái xe ở nước ta rất khủng khiếp. Việc xử phạt nặng để răn đe đã đặt ra từ lâu nhưng vẫn chưa thể ngăn chặn nổi vấn nạn này. Không thể phủ nhận lực lượng chức năng còn nương nhẹ với người uống rượu lái xe. Số người bị phạt chẳng thấm tháp vào đâu so với "đội ngũ" nhậu hùng hậu la cà quán xá. Số tiền phạt cũng không quá lớn để có thể làm "khánh kiệt" hầu bao các đệ tử Lưu Linh.
Ở các nước tiên tiến, uống rượu lái xe luôn bị phạt rất nặng và thường bị tước bằng lái. Mất bằng lái thì không lái được xe, khó có thể đi làm và tiếp đó sẽ mất việc. Nghiêm khắc hơn, hành vi này sẽ được ghi vào lý lịch cá nhân. Viễn cảnh này làm bất cứ người nào cũng ngao ngán và cân nhắc trước khi nâng cốc. Không ai dám mạo hiểm chỉ vì một chút vui mà đánh đổi công việc, quan hệ xã hội.
So sánh để thấy chúng ta còn nương nhẹ với những người uống rượu xem thường tính mạng người khác. Nếu đã xác định đây là mối nguy hại cho xã hội thì phải xem việc ngăn chặn ma men phóng xe trên đường là nhiệm vụ thường xuyên và xử phạt nghiêm khắc. Không cứ phải mở đợt cao điểm mới tung lực lượng xử lý mạnh tay, bởi tai nạn thì chẳng chờ đến thời điểm và dân nhậu thì lúc nào cũng "không say không về".
Bình luận (0)