xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dân số tăng nhanh, "hụt hơi" nhà ở

Nhóm phóng viên

Nhà nước nên giữ vai trò kiến tạo chính sách: tạo quỹ đất, thuế và tín dụng ưu đãi... để hỗ trợ phát triển các dự án nhà ở xã hội và cho người dân mua, thuê

Theo thống kê của Công an TP HCM, tại TP hiện có hơn 10 triệu người đăng ký hộ khẩu và hơn 3 triệu người nhập cư. Các chuyên gia cho rằng nếu TP không sớm đẩy nhanh tốc độ xây dựng nhà ở thì chỉ vài năm tới, nhu cầu nhà ở sẽ hết sức nan giải.

5 năm tăng 1 triệu người

Ước tính trung bình mỗi năm TP HCM "gánh thêm" từ 180.000-210.000 người. Như vậy, chỉ trong vòng 5 năm, số dân sẽ tăng hơn 1 triệu người.

Khảo sát mới nhất từ Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM cho thấy giai đoạn 2016-2020, 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu nhà ở. Trong đó, 10.000 cán bộ, công chức; 39.000 hộ thu nhập nghèo, cận nghèo; 17.000 lao động khu công nghiệp… đang mong có nhà ở. TP đang triển khai kế hoạch xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với tổng số 44.701 căn hộ và đến năm 2020, có thể xây dựng hoàn thành 20.000 căn. Nếu dựa trên phép tính nói trên thì hiện TP thiếu hụt hàng chục ngàn căn nhà. Một thực tế là nguồn lực ngân sách có hạn, kể cả khi thực hiện phương thức xã hội hóa vẫn chưa thể đáp ứng kịp thời nhu cầu nhà ở. Trong đó, các quận 9, Bình Tân và huyện Bình Chánh, Hóc Môn… chỉ trong 10 năm trở lại đây gia tăng dân số một cách chóng mặt.

Quan sát hệ thống bản đồ vệ tinh Google Maps, chúng tôi nhận thấy khu vực quận 1, 3 và Bình Thạnh…, nhà riêng lẻ thay thế các chung cư, tòa nhà văn phòng làm việc. Ở các tuyến đường vùng ven mọc chen chúc những căn nhà lụp xụp. Thế nhưng, số lượng nhà mọc lên vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu và nhiều người chấp nhận thuê trọ cả đời. Đơn cử, gia đình anh Nguyễn Thanh Tuấn (37 tuổi, tài xế) sinh sống tại TP HCM 17 năm nhưng hiện vẫn ở trọ và không ngừng dịch chuyển dần ra vùng ven để giảm chi phí thuê nhà. Những năm đầu, gia đình anh sống tại quận 4 nhưng sau đó phải dời ra huyện Nhà Bè vì giá thuê nhà tăng liên tục. Anh Tuấn cho biết việc sở hữu nhà ở là điều không thể đối với những người lao động có thu nhập thấp. "Chung cư hiện có giá từ 1 tỉ đồng trở lên. Việc mua một căn hộ đã là rất khó khăn chứ chưa nói đến sở hữu nhà đất" - anh Tuấn than thở.

Giá nhà tăng cũng một phần do nhập cư quá đông, từ đó số lượng nhà thuê không đủ đáp ứng. Một vài trường hợp tích cóp được số tiền nhỏ thì chuyển sang mua nhà xây "lụi". Ông Huỳnh Lê Công Trường, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP, cho biết hầu như năm nào các huyện vùng ven TP cũng xảy ra hàng trăm trường hợp xây dựng không phép. "Nơi nào có người dân nhập cư đông là nơi đó nở rộ nhà không phép do nhu cầu mà bà con làm liều" - ông Trường nhìn nhận. Ông Võ Văn Trọng, nguyên cán bộ Sở Xây dựng TP HCM, đánh giá: "Có giai đoạn thị trường bất động sản TP đánh mạnh phân khúc căn hộ dành cho người thu nhập cao, biệt thự triệu USD. Từ đó, cung vượt cầu khiến người có nhu cầu thật sự tiếp cận nhà ở gặp khó khăn. Hiện doanh nghiệp không mấy mặn mà với đầu tư nhà ở xã hội do lợi nhuận không cao. Nếu bài toán này không giải quyết, sớm muộn nhiều người vào TP HCM làm việc không có chỗ ở.

Một lãnh đạo UBND quận 9 thông tin sau 22 năm thành lập quận, đến nay, số lượng con đường được đầu tư, xây mới rất ít. Trong khi người dân khắp nơi đổ về sinh sống, làm việc ở KCN, nhà máy tăng liên tục. Tương tự, theo ông Đỗ Đình Thiện, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, dân số của quận hiện là 766.551, trong đó người nhập cư tạm trú chiếm đến 60%. Đặc thù nơi đây có nhiều KCN nên dân số cơ học thay đổi liên tục.

Nên phát triển mạnh nhà ở xã hội

Vị phó chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết đã ban hành kế hoạch phát triển và quản lý nhà ở xã hội trên địa bàn quận Bình Tân, đồng thời kiến nghị Sở Quy hoạch và Kiến trúc đẩy nhanh việc thẩm định và trình UBND TP phê duyệt 8 đồ án quy hoạch trên địa bàn để sớm gỡ khó khăn.

Quận này cũng đã chuẩn bị quỹ nhà ở phục vụ tái định cư trong công tác chỉnh trang đô thị. Đồng thời, phát triển, cải tạo loại hình nhà ở cho công nhân thuê, đôn đốc chủ đầu tư xây dựng khu lưu trú ở KCN Tân Bình mở rộng thuộc phường Bình Hưng Hòa với diện tích hơn 30.000 m2 sàn xây dựng gồm 480 căn hộ đáp ứng cho 4.500 người. Hỗ trợ chủ đầu tư thực hiện đầy đủ các thủ tục đối với nhà lưu trú công nhân KCN Tân Tạo, quy mô 1,28 ha, với hơn 46.000 m2 sàn xây dựng, có 360 phòng, đáp ứng 1.960 chỗ ở.

Đối với nhà ở xã hội, quận Bình Tân phối hợp tạo điều kiện về địa điểm để lập dự án đầu tư trên địa bàn quận khi UBND TP, Sở Xây dựng chấp thuận chủ trương. Đối với các dự án nhà ở thương mại, hiện có khoảng 6.893 nền nhà đã chuyển nhượng cho hầu hết cá nhân, tổ chức có nhu cầu. Dự kiến năm 2019 xây dựng thêm 4.800 căn nhà.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), cho biết hầu hết các nước trên thế giới, kể cả ở nhiều nước công nghiệp phát triển, đều có chính sách và các chương trình phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp, người nhập cư. Trong đó, nhà nước giữ vai trò kiến tạo chính sách: tạo quỹ đất, thuế và tín dụng ưu đãi… để hỗ trợ phát triển các dự án nhà ở xã hội và người tiêu dùng thuê mua, thuê nhà ở xã hội phù hợp. Trong đó, phổ biến nhất là hình thức thuê nhà ở xã hội, phần còn lại là nhà ở xã hội thuê mua (thuê dài hạn từ 20-30 năm), không có loại bán thu tiền ngay như ở nước ta. "Hàn Quốc có 5 loại hình "căn hộ công" cho thuê với từng nhóm đối tượng có thu nhập khác nhau, tỉ lệ đặt tiền thế chân, thời gian thuê khác nhau: 50, 30, 20 năm hay từ 5-10 năm. Việc đầu tư xây dựng chuỗi đô thị như vậy sẽ có giá trị lâu dài và giải quyết bài toán nhà ở" - ông Châu đánh giá. 

Hà Nội giãn dân khu vực nội đô

Theo kết quả tổng điều tra dân số ngày 1-4-2009 của Hà Nội, TP có 6.448.837 người với diện tích 3.324,92 km2, gồm 10 quận, 1 thị xã và 18 huyện ngoại thành; đứng thứ 2 về dân số và đứng đầu cả nước về diện tích, nằm trong 17 thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới. Đại diện Ban Đô thị Hà Nội cho biết tình hình dân số trên địa bàn TP đang tăng cao, dẫn đến việc giải quyết nhà ở cho người dân đang là một vấn đề nan giải.

Hà Nội đang có nhiều phương án để giãn dân trong khu vực nội thành. Theo đó, Hà Nội thực hiện Đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, 5 khu đô thị vệ tinh sẽ hình thành gồm: Sóc Sơn, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sơn Tây và Hòa Lạc. Tuy nhiên, 5 khu đô thị này hiện mới chỉ trong giai đoạn lập quy hoạch. Ngoài ra, Hà Nội cũng vừa được Chính phủ đồng ý cho xây dựng thêm khu đô thị vệ tinh Đông Anh theo hướng xây chung cư. Việc triển khai thêm khu đô thị này cũng nhằm giãn dân, giảm tải áp lực nhà ở, giao thông cho khu vực nội đô.

H.Thanh

Còn hàng chục ngàn căn tái định cư bỏ hoang

Theo ThS Nguyễn Trọng Nhân, chuyên gia quy hoạch, TP HCM hiện còn hàng chục ngàn căn tái định cư đang bỏ hoang như khu tái định cư hơn 1.500 căn tại xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh). Chưa kể hàng ngàn căn tại khu tái định cư Thủ Thiêm vắng bóng người ở.

Trong khi đó, theo ghi nhận cá nhân ông tại Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn, có hàng trăm khu trọ lụp xụp, không bảo đảm điều kiện sinh hoạt. Ông Nhân đề nghị TP nên vừa bán vừa hỗ trợ cho vay đối với những người đang có nhu cầu nhà ở thật sự hoặc cho người dân thuê lâu dài. Cơ quan chức năng nên thí điểm cho phép doanh nghiệp được đầu tư phát triển phòng trọ cho thuê có diện tích dưới 25 m2/phòng, để đáp ứng nhu cầu và tạo ra sự cạnh tranh cho các cá nhân, hộ gia đình nâng cấp chất lượng và dịch vụ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo