Dự án Nhà máy Nước sạch Hưng Thông (huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) có công suất 1.000 m3/ngày đêm được đầu tư với tổng kinh phí 25,8 tỉ đồng. Dự kiến khi đi vào hoạt động, công trình sẽ cung cấp nước sạch cho hơn 1.200 hộ dân trên địa bàn 11 xóm của xã Hưng Thông.
Dự án nhà máy nước sạch Hưng Thông được đầu tư gần 26 tỉ đồng “đắp chiếu” nhiều năm nay - Ảnh: ĐỨC NGỌC
Dự án được phê duyệt năm 2009, đến nay nhiều hạng mục đã hoàn thành. Có mặt tại nhà máy nước này, chúng tôi chứng kiến nhà máy với trạm bơm, nhà điều hành, hệ thống máy móc… "đắp chiếu". Nhiều hạng mục của nhà máy do không hoạt động nên hư hỏng, xuống cấp.
Ông Nguyễn Văn Thế, sống cạnh nhà máy, bức xúc: "Lãng phí quá, dân thì không có nước sạch để dùng mà nhà máy đã hoàn thành lại bỏ phế hết năm này qua năm khác. Nhìn số máy móc được trang bị hàng chục tỉ đồng phơi mưa nắng mà xót xa quá!".
Ông Cao Anh Đức, Chủ tịch UBND xã Hưng Thông, cho biết người dân không có nước sạch để dùng, trong khi nhà máy nước xây dựng nhiều năm nhưng không hoạt động. Tại các kỳ họp HĐND và gần đây nhất là đại hội Đảng bộ xã, người dân và đảng viên chất vấn nhưng dự án do UBND huyện làm chủ đầu tư nên xã cũng chỉ biết kiến nghị. Theo ông Đức, những đợt nắng nóng kéo dài, người dân trong xã phải đi mua từng thùng nước sạch về dùng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua, tại nhiều địa phương của tỉnh Nghệ An như các huyện Quế Phong, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên..., hàng loạt nhà máy nước được đầu tư với kinh phí xây dựng từ 10 đến 40 tỉ đồng nhưng đều rơi vào tình trạng "đắp chiếu" suốt năm này qua năm khác. Điển hình như Nhà máy Nước Quế Phong được đầu tư hơn 41 tỉ đồng, nhà máy nước Minh Thành (huyên Yên Thành) 25 tỉ đồng, nhà máy nước Diễn Quảng (huyện Diễn Châu) vốn đầu tư gần 20 tỉ đồng, nhà máy nước Quỳnh Thọ (huyện Quỳnh Lưu) vốn đầu tư gần 18 tỉ đồng…
Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có trên 500 công trình cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân với số tiền đầu tư hàng ngàn tỉ đồng nhưng trong số đó chỉ có hơn 100 công trình hoạt động hiệu quả, còn lại thì hoạt động kém hoặc đã ngừng hoạt động. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là vì những bất cập trong xây dựng, vận hành. Cụ thể, Nhà máy Nước Hưng Thông được thiết kế lấy nước từ sông Cầu, trong khi nguồn nước này chỉ đủ để phục vụ nông nghiệp. Ngoài ra, nguồn nước sông Cầu hiện bị ô nhiễm không bảo đảm chất lượng cho việc vận hành nhà máy nước để cung cấp cho người dân.
Theo ông Hồ Sỹ Hiếu, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hưng Nguyên, Nhà máy Nước Hưng Thông cơ bản đã hoàn thành nhưng chưa biết bàn giao cho ai vì xã không thể vận hành, bàn giao rồi để hư hỏng cũng không ai chịu trách nhiệm! Nếu bàn giao cho doanh nghiệp thì phải tính toán, có cơ chế rõ ràng vì nhà máy xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách.
Còn bà Vi Thị Duyến, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Quế Phong, thừa nhận Nhà máy Nước Quế Phong mặc dù đã hoàn thành nhưng chưa đưa vào sử dụng được là do vướng cơ chế vận hành. Khi nào giao cho huyện quản lý thì nhà máy sẽ hoạt động, lúc đó người dân mới có nước sạch để dùng!
Bình luận (0)