Tác phẩm báo chí có tựa đề "Dân vận" của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh X.Y.Z, đăng trên Báo Sự thật ngày 15-10-1949, là tuyệt phẩm cực kỳ quý giá trong kho tàng tư liệu của báo chí cách mạng Việt Nam.
Cụ thể hóa việc vận động
Nhớ dịp tác phẩm "Dân vận" tròn 50 tuổi (15.10.1949 - 15.10.1999), Đảng ta đã có chủ trương cho cả hệ thống chính trị quán triệt, học tập trở lại bài báo nổi tiếng này để thêm một lần nữa mọi người nhận thức rõ hơn về quan điểm, tư tưởng, đạo đức và phong cách làm việc của Người.
Qua học tập, đã có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn về mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng, giữa chính quyền với nhân dân, tình quân dân vốn đã gắn bó thì nay càng khăng khít, bền chặt hơn bao giờ hết.
Quán triệt sâu sắc quan điểm dân vận của Người, Đảng ta đã cụ thể hóa việc vận động quần chúng theo hướng "lấy dân làm gốc", tập trung nghiên cứu những vấn đề có tính lý luận và thực tiễn, đáp ứng những nguyện vọng hợp pháp và chính đáng của nhân dân, lấy đó làm cơ sở để xây dựng, ban hành các quyết sách sát với yêu cầu phát triển của đất nước và thỏa nguyện ý Đảng - lòng dân.
Theo đó, phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" được tiến hành thực chất hơn, bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, làm cho "lời Bác - ý Đảng - lòng dân" luôn là một thể thống nhất. Từ đó, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân thường xuyên được phát huy mạnh mẽ.
Các cá nhân điển hình dân vận khéo giai đoạn 2011-2015 tại TP HCM được khen thưởng Ảnh: Hoàng Triều
Suốt 70 năm đồng hành với lịch sử cách mạng Việt Nam, bài báo "Dân vận" của Bác Hồ đã ảnh hưởng đặc biệt sâu sắc đến các phong trào thi đua yêu nước của toàn Đảng, toàn dân ta qua các giai đoạn lịch sử, tác động hết sức to lớn cả trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc đến các cuộc chiến tranh vệ quốc sau này và cả trong thời bình hiện nay. Trải qua năm tháng, bài báo "Dân vận" vẫn nguyên giá trị dù đã đi qua hoàn cảnh khốc liệt, gian nan, đầy mất mát hy sinh trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và cuộc chiến đấu vệ quốc; đi qua bao gian khổ, thử thách của thời kỳ bị các thế lực đế quốc bao vây cấm vận kinh tế, bị kẻ thù thâm độc tiến hành âm mưu chiến lược "diễn biến hòa bình" bạo loạn lật đổ, thời gian gần đây lại thêm vấn đề "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" cũng hết sức phức tạp, khó lường.
Sáu thành tố
Bài báo "Dân vận" được Người viết trong bối cảnh ta giành được chính quyền về tay nhân dân chỉ mới 4 năm, đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, phức tạp, thù trong giặc ngoài cấu kết với nhau chống phá nhà nước Việt Nam non trẻ. Do vậy, bài báo còn có ý nghĩa cảnh tỉnh cho một số cán bộ đang say sưa với chiến thắng, xao lãng nghĩa vụ với nhân dân, mất cảnh giác với kẻ thù.
Trong tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở những người phụ trách dân vận khi thực thi nhiệm vụ phải có phong cách "óc nghĩ - mắt trông - tai nghe - chân đi - miệng nói - tay làm". Sáu thành tố này hợp lại và làm thật tốt, chắc chắn sẽ cho ra những sản phẩm về mối quan hệ tốt hơn với nhân dân. Bởi vậy, nếu không làm hoặc làm không đủ các thành tố ấy thì không bao giờ được xem là dân vận khéo!
Suy ngẫm thật kỹ từng câu, từng ý của Người, chúng ta sẽ nhận ra đó chính là cẩm nang vô cùng quý báu dành cho tất cả cán bộ trong hệ thống chính trị, đặc biệt là đối với cán bộ trực tiếp làm công tác dân vận. Bởi dân vận khéo thì việc gì cũng thành công, như Bác Hồ căn dặn.
Trở thành việc thường xuyên
Hiện nay, cả hệ thống chính trị và toàn dân tiếp tục học tập và làm theo quan điểm, tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và điều này đã trở thành việc thường xuyên của cả nước.
Việc học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại phải như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa chỉ đạo mới đây, là học Bác không phải học thuộc lòng, không phải nói trôi chảy cho hay mà phải ngấm vào trong tim, trong óc, trong máu của mình; truyền cho được tình cảm đó vào trong nhân dân, biến thành những việc làm cụ thể, sinh động có lợi cho nước, cho dân, theo đúng lời dạy của Bác.
Bình luận (0)