"Năm nay, em 27 tuổi nhưng nghiện ma túy hơn 12 năm rồi. Em biết bị nhiễm HIV cách đây 8 năm khi đang cai nghiện. Giờ ân hận cũng đã muộn lắm rồi…" - Nguyễn P.L, bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối ở Khoa Chăm sóc đặc biệt Bệnh viện Nhân Ái, trải lòng.
Giọt nước mắt muộn màng
Năm cậu học trò L. lên 12 tuổi, bố mẹ bỏ nhau, em trở thành trẻ lang thang không nơi nương tựa. Ngày đi xin ăn, đêm về ngủ cống hộp và ở nhà "ổ chuột" trong hẻm sâu rìa kênh Thị Nghè (quận Bình Thạnh, TP HCM). Thế rồi L. bị bọn "ma cô" dẫn dắt cho hút ma túy.
"Ca sĩ" T. hát bản nhạc do mình sáng tác, người nằm bên là anh C. - bệnh nhân nặng nhất của khoa
"Sau nhiều lần hít trắng (hít ma túy trắng - PV), em chuyển sang chích. Lần đầu chích riêng, lần thứ hai em chích chung với nhóm bạn. Lúc đó, mấy thằng chơi chung một kim. Vì thèm quá nên thằng nào cũng đòi nhanh chóng chích cho "phê" chứ ai biết được. Giờ nhìn vậy thôi anh, chứ trong lòng tim, gan, phổi nát hết rồi!" - L. ứa nước mắt.
Hơn 5 năm lang thang, L. bị công an "gom" trong một lần cùng nhóm bạn tụ tập chích ma túy ở phố cầu Ông Lãnh (quận 1, TP HCM). L. được đưa lên trại cai nghiện Phú Văn (tỉnh Bình Phước). Những ngày cai nghiện ma túy, cũng như nhiều trại viên khác, L. được cắt cơn nghiện và giáo dục để "làm lại cuộc đời". Song sức khỏe em ngày càng yếu đi, thường xuyên có biểu hiện mỏi mệt, sốt và sợ lạnh. Một lần sốt suốt 2 ngày đêm, L. được chuyển đến Bệnh viện Nhân Ái để xét nghiệm HIV.
"Mặc dù em biết mình có khả năng bị "dính" nhưng khi nghe thông báo, em suy sụp hoàn toàn. Trước mắt không có con đường, không có lối thoát nào. Em chỉ muốn chết nhưng không được. Biết em bị nhiễm HIV, các bác sĩ, điều dưỡng viên, các sơ đã động viên em rất nhiều. Dần dần em cũng thấy được mình còn đáng sống" - L. đau lòng chia sẻ.
Rồi L. khóc. Giọt nước mắt của chàng trai 27 tuổi ứa tràn trên hố mắt.
Những cảnh đời dang dở
Trong khuôn viên của Khoa Chăm sóc đặc biệt, lúc 8 giờ là giờ ăn sáng của bệnh nhân. Đ. - một bệnh nhân quê huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai - bưng tô mì ăn sáng ngồi chồm hổm trên ghế đá.
16 năm trước, Đ. nghiện ma túy và bị bắt khi đang "bán lẻ từng tép" cho con nghiện sát đường tàu. Đ. có 12 năm ở trại cai nghiện Phú Văn, gần chục lần bỏ trốn. "Những lần bỏ trốn về Đồng Nai, em lại lao vào chích, hút. Em không cưỡng nổi cơn thèm. Em cũng chẳng biết mình nhiễm HIV lúc nào. Khi được thông báo bị AIDS, em ân hận thì đã quá muộn rồi… Giờ cho em làm lại từ đầu, giá nào em cũng sẵn sàng. Ma túy đã hại đời em, làm gia đình em tan nát hết" - Đ. nói.
Đoạn đường từ bếp ăn đến Khoa Chăm sóc đặc biệt chưa đầy 100 m. Ở buồng bệnh số 2, anh T. (quê Hà Tĩnh) khuôn mặt xương xương, khắc khổ với tay lấy cây đàn guitar hát: "Giờ đây em biết đi về đâu, đời em đã nằm trong vực sâu, đời em sẽ như con thuyền không bến lênh đênh. Đời em biết đi về đâu, giọt nước mắt khóc cho đời sau, chắp tay nguyện cầu, xin cuộc đời hai chữ bình an…". Giọt nước mắt đục chảy tràn lên gò má sạm đen.
T. nghiện ma túy khi đã có vợ con. Đến lúc cai được thuốc thì vợ bỏ đi lấy chồng, anh lại tiếp tục lao vào ma túy và nhiễm HIV lúc nào không hay. Mỗi lần buồn, anh lấy đàn hát lại bản nhạc do chính mình sáng tác như chuộc lại lỗi lầm.
Ở Khoa Chăm sóc đặc biệt, C. là bệnh nhân nặng nhất, cả ngày chỉ nằm một chỗ, không vận động, không mặc quần vì những vết lở loét sâu nửa thân người phía dưới.
Hơn 10 năm trước, C. là tài xế xe khách đường dài Bắc - Nam. Tuổi thanh niên của anh làm bạn với những xe khách, vượt qua các cung đường trên Quốc lộ 1A.
Đến bây giờ, C. không nhớ nổi bao lần cầm vô lăng, vượt qua bao chặng đường dài qua các tỉnh thành khắp ba miền Tổ quốc, song những lần đi qua những cung đường đó và "ăn bánh trả tiền" thì không thể nào quên. "Lúc đó, thanh niên trẻ khỏe, hành động thiếu suy nghĩ nên làm liều. Em quan hệ với gái mại dâm không dùng bao cao su. Mà đâu phải mình em, cả mấy thằng lơ cũng thế. Không biết chúng nó có dính không, chứ em thì coi như xong rồi" - C. kể.
Phát hiện bị nhiễm HIV, C. lao đầu vào xe muốn chết luôn nhưng mấy người bạn ngăn lại. Cũng có lúc anh muốn trả thù đời nhưng rồi nghĩ lại, mình làm mình chịu chứ ai bắt mình đâu. "Em sợ nhất là khi bạn bè biết em bị nhiễm, rồi cả ba mẹ nữa. Nhiều người nhìn em ghẻ lạnh, xa lánh, ngay cả người thân yêu nhất của em cũng nhìn em ái ngại. Em lên đến bệnh viện này là tự giải thoát cho mình và cả gia đình người thân của em nữa" - C. kể.
Có lẽ C. không còn cảm xúc để khóc. Hơn 10 năm ở Bệnh viện Nhân Ái này, C. đã đau khổ quá nhiều. Mỗi lần có cha mẹ hoặc anh chị em từ Hà Tĩnh vào, anh chỉ biết khuyên gia đình đừng vào thăm nữa.
Kỳ tới: Chuyện tình bên cánh cửa sắt
"Bức tường lạnh" và "căn nhà hạnh phúc"
Đằng sau dãy nhà bệnh nhân Khoa Chăm sóc đặc biệt là nhà hỏa táng. Khi các bệnh nhân có dấu hiệu sắp qua đời, họ được chuyển đến đây, tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo mới, ăn những gì mà họ yêu cầu. Đa phần bệnh nhân không ăn được mà chỉ uống chút sữa hoặc nhìn rồi khóc.
Trước lúc nhắm mắt, có bệnh nhân kêu tiếng mẹ ơi, có bệnh nhân gọi tên con, tên vợ hoặc khóc lóc thảm thiết như sám hối cuộc đời. Lúc đó, các điều dưỡng đứng vây quanh cùng những bệnh nhân khác. Tất cả đều khóc và cầu mong người bệnh ra đi vĩnh hằng bình an.
Khi bệnh nhân trút hơi thở cuối cùng, các điều dưỡng chuyển xác bệnh nhân vào đài hỏa táng. Sau giây phút biệt ly đau buồn ấy, các bệnh nhân trở về phòng. Tuy trong thâm tâm suy nghĩ một lúc nào đó sẽ đến lượt mình nhưng chẳng ai dám nói ra. Có bệnh nhân trước khi lìa đời viết thư gửi cha mẹ hoặc vợ, con nhờ bệnh viện gửi lại. Nhiều điều bí mật trong những bức thư đó chỉ có người nhà bệnh nhân mới biết được.
Tro cốt của bệnh nhân sau hỏa táng được người thân nhận về. Nhiều bệnh nhân không có người đến nhận, tro cốt sẽ được chuyển đến "căn nhà hạnh phúc". Đó là căn nhà đựng hàng trăm hũ tro cốt của người bệnh chết vì AIDS nằm trong khuôn viên của bệnh viện.
Bình luận (0)