Tại buổi gặp gỡ báo chí vào ngày 16-8, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, đã cung cấp thông tin về nội dung tuyên truyền kết quả đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010-2017.
Tiếp tục không tính kinh tế ngầm
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, việc rà soát, đánh giá lại quy mô GDP dựa trên phương pháp luận do cơ quan thống kê Liên Hiệp Quốc khuyến nghị, xuất phát từ việc có nguồn thông tin phản ánh đầy đủ kết quả sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Đây cũng không phải là lần đầu tiên Tổng cục Thống kê tiến hành đánh giá lại quy mô GDP của Việt Nam mà việc này từng được triển khai vào năm 2013 khi đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2008-2012.
Tổng cục Thống kê cũng dẫn chứng Trung Quốc đã nhiều lần đánh giá lại quy mô GDP (năm 2004, năm 2008, năm 2013 và năm 2015), trong đó 2 lần gần nhất bổ sung lần lượt 305 tỉ và 141 tỉ USD vào quy mô nền kinh tế. Nhiều quốc gia khác cũng làm đánh giá để xác định lại quy mô GDP, như giai đoạn 2013-2014, GDP của Nga được đánh giá lại tăng 24,3%; Romania và Croatia tăng 28,4%; Đức tăng 3%; Ý tăng 7%... Vào tháng 7-2013, Mỹ đánh giá lại quy mô GDP năm 2012 và điều chỉnh tăng thêm 560 tỉ USD so với số liệu đã công bố trước đó.
Với việc đánh giá lại quy mô GDP lần này, ông Nguyễn Bích Lâm nêu rõ khu vực kinh tế ngầm (còn gọi là kinh tế bất hợp pháp) chưa được tính toán, dù gần đây đã được đề cập nhiều lần. Đáng chú ý, trong lần thực hiện thống kê lại GDP giai đoạn trước, có 2 ngành và lĩnh vực không được thực hiện là khối kinh tế thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Lần này, do tính chất điều tra toàn diện và được Thủ tướng ban hành quyết định nên Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đều phải báo cáo, thực hiện hoạt động điều tra.
Ông Nguyễn Bích Lâm khẳng định đây là thời điểm thích hợp để đánh giá lại quy mô GDP nhằm phản ánh xác thực quy mô, năng lực của nền kinh tế, nâng cao vị thế kinh tế của đất nước trong khu vực và trên thế giới.
Kết quả đánh giá lại quy mô GDP sẽ tạo ra mức tăng đáng kể trong tổng giá trị GDP và GDP bình quân đầu người
Bổ sung thông tin 70.000 doanh nghiệp
Trong đợt đánh giá lại quy mô GDP lần này, để có đầy đủ thông tin hơn, Tổng cục Thống kê sẽ kết hợp với dữ liệu từ Tổng cục Thuế về thông tin doanh nghiệp (DN). Cụ thể, lần này sẽ bổ sung thông tin của hơn 70.000 DN. Ông Nguyễn Bích Lâm kỳ vọng phương pháp này giúp đánh giá đúng về nền kinh tế, cũng như "sức khỏe" của DN, từ đó giúp các cơ quan hoạch định chính sách đưa ra chính sách phù hợp.
Nói rõ hơn về con số 70.000 DN được bổ sung, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng đây là những DN đã đi vào hoạt động nhưng đến thời điểm hiện tại ngành thống kê mới có số liệu. Số DN này thuộc 2 nhóm, gồm nhóm DN đã đi vào hoạt động nhưng lâu nay không cung cấp số liệu cho cơ quan thống kê và nhóm mới đi vào hoạt động nhưng Tổng cục Thống kê chưa kịp thời cập nhật số liệu đầy đủ trong khi các DN này đã có tên trong danh sách của Tổng cục Thuế.
Trong vai trò của cơ quan hỗ trợ kỹ thuật, ông Robert Dippelsman, Phó trưởng Phòng Thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cho rằng việc đánh giá lại quy mô GDP sẽ giúp Việt Nam có cơ sở để xây dựng những chính sách và quản lý kinh tế tốt nhất. "Với những nền kinh tế có sự phát triển và thay đổi nhanh như Việt Nam thì việc cập nhật số liệu thống kê về kinh tế là rất quan trọng" - ông Robert Dippelsman nhấn mạnh. Ông Robert Dippelsman còn cho biết IMF đã cử đoàn công tác giúp đỡ Việt Nam trong lần đánh giá lại quy mô GDP này để có thể nắm bắt được tất cả số liệu thống kê liên quan đến các DN mới, DN vừa và nhỏ, DN nước ngoài.
GDP bình quân đầu người sẽ tăng
Theo cơ quan thống kê, kết quả đánh giá lại quy mô GDP sẽ tạo ra mức tăng đáng kể trong tổng giá trị GDP và GDP bình quân đầu người, từ đó tác động đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong các giai đoạn tiếp theo. Sự gia tăng GDP bình quân đầu người có thể dẫn đến sự thay đổi trong mô hình tiêu dùng hộ gia đình do ước tính mức sống cao hơn hoặc đạt nhanh hơn đến mức quốc gia có thu nhập trung bình cao. Mặc dù vậy, việc đánh giá lại quy mô GDP sẽ không tác động đến mục tiêu tăng trưởng GDP trong kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội do tốc độ tăng trưởng kinh tế qua các năm có sự thay đổi rất nhỏ.
Bình luận (0)