Chương trình Đối thoại văn hóa với chủ đề: "Giải pháp giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa, hướng tới xây dựng TP HCM - TP văn hóa" do Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) TP HCM phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, Đài Truyền hình TP HCM (HTV) tổ chức chiều 27-6.
Không thể đánh mất khán giả kế thừa
Yếu tố con người trong vai trò giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của người dân TP là điều mà nhiều đại biểu quan tâm. Soạn giả Hoàng Song Việt cho rằng không đưa sân khấu truyền thống và âm nhạc dân tộc vào học đường từ lứa tuổi mầm non là lỗ hổng lớn trong việc đào tạo thế hệ khán giả kế thừa.
Soạn giả Hoàng Song Việt kể lại câu chuyện từ những năm 1980, khi TP có 22 đoàn nghệ thuật cải lương, các suất diễn cấm trẻ em dưới 6 tuổi vào xem. Từ đó, đoàn Minh Tơ, Huỳnh Long đã đề xuất dàn dựng cho trẻ em 2 vở cải lương: "Nàng tiên gạo" và "Phù Đổng thiên vương", diễn lúc 9 giờ chủ nhật hằng tuần. Chương trình này đáp ứng nhu cầu giới thiệu đến học sinh các cấp nghệ thuật cải lương tuồng cổ. Để các em hiểu, từ đó yêu thích. Sau này, chương trình đã ngưng, khán giả thiếu nhi không còn sân khấu cải lương dành cho lứa tuổi của mình.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi đối thoại Ảnh: TTXVN
Trong khi đó, NSƯT Hữu Danh cảnh báo Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP HCM không có diễn viên kế thừa. Một diễn viên đóng 2 vai, 3 vai trong một vở tuồng là chuyện bình thường khi đơn vị dàn dựng vở mới. Việc đề nghị được tuyển dụng vào đoàn phải có bằng cấp khiến hát bội không có người kế thừa vì không phụ huynh nào cho con học hết lớp 12 rồi đi theo hát bội.
"Cần có những cuộc liên hoan dành cho âm nhạc dân tộc vì đây sẽ là sân chơi cọ xát nghề, đồng thời là nơi đưa âm nhạc dân tộc đến với giới trẻ. Hiện nay, gia đình tôi thực hiện các chương trình giới thiệu âm nhạc dân tộc trong học đường nhưng rất buồn khi các em không biết các loại hình âm nhạc dân tộc. Từ chỗ không am hiểu, không thể yêu thích và giữ gìn, việc đánh mất bản sắc văn hóa là chuyện sẽ ảnh hưởng lớn khi chúng ta buông bỏ vấn đề đào tạo thế hệ khán giả kế thừa cho các bộ môn nghệ thuật truyền thống" - nghệ sĩ nhạc dân tộc Đinh Nhật Minh kiến nghị.
Đầu tư văn hóa phải ngang tầm với kinh tế
Hầu hết các ý kiến đối thoại đều mong mỏi đầu tư văn hóa phải ngang tầm với kinh tế. Nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP HCM, cho rằng giáo dục văn hóa là con đường ngắn nhất để góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của TP.
Còn bà Lưu Kim Hoa, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số, cho hay TP vừa có thêm một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đó là lễ hội Tết nguyên tiêu của người Hoa ở quận 5.
Công tác bảo tồn và phát huy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể đang gặp nhiều thách thức trong bối cảnh nhiều xu hướng văn hóa mới chi phối thị hiếu thẩm mỹ, đời sống tinh thần người dân. "Chúng tôi rất cần những chính sách đầu tư kịp thời, cụ thể là đoàn nghệ thuật Quảng Đông và Triều Châu. Các nghệ nhân đã 70 tuổi trở lên, nếu không có cơ chế ưu đãi cho thế hệ trẻ học nghề, nối nghiệp thì sẽ mai một bộ môn nghệ thuật này ở quận 5" - bà Lưu Kim Hoa nói.
Thông qua chương trình Đối thoại văn hóa, các văn nghệ sĩ tham dự đã hiểu rõ hơn việc đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội không có nghĩa là làm cho kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa "dàn hàng ngang cùng tiến" hay là "cào bằng" mà chọn đúng trọng tâm để đầu tư chiến lược.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân nhận định kết quả đạt được trong lĩnh vực văn hóa tại TP HCM còn nhiều vấn đề chưa được đầu tư tương xứng. Giáo dục văn hóa và nghệ thuật truyền thống, trong đó có âm nhạc, phải được đưa vào trường học từ bậc phổ thông, thậm chí từ bậc mầm non. Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo Sở VH-TT rà soát lại, đưa sân khấu học đường vào biểu diễn tại các trường học để học sinh các cấp được tiếp cận nghệ thuật truyền thống.
"Nếu xem văn hóa là nền tảng thì phải dành ngân sách gần như cố định cho việc đầu tư văn hóa. Không thể mỗi lần làm lại phải đi đàm phán về tỉ lệ. TP chúng ta phải liệt kê danh mục đầu tư theo từng hạng mục: đào tạo, hoạt động biểu diễn, nghiên cứu, cơ sở hạ tầng... Xem xét việc sóng truyền hình dành bao nhiêu giờ cho các chương trình giáo dục văn hóa nghệ thuật. TP sẽ hỗ trợ để đặt hàng truyền hình phát sóng tỉ lệ cố định các chương trình mang tính giáo dục thẩm mỹ, định hướng văn hóa dân tộc cho lớp trẻ" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Ươm mầm cho thế hệ diễn viên trẻ
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề tại sao TP HCM không mở trường phổ thông năng khiếu về văn hóa để phát hiện, ươm mầm cho thế hệ diễn viên trẻ, tránh việc các bộ môn nghệ thuật truyền thống không có thế hệ kế thừa.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở VH-TT Huỳnh Thanh Nhân cho biết TP đã tổ chức lớp tập huấn phối hợp với Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, trang bị kiến thức, tổ chức thi cho 159 nghệ sĩ không đủ điều kiện tuyển dụng. Đồng thời, sở đã thực hiện nhiều hoạt động lễ hội, biểu diễn các loại hình văn hóa nghệ thuật, mà tiêu biểu là cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu Trần Hữu Trang sắp được tổ chức vào tháng 8-2020.
Bình luận (0)