Mở hệ thống định vị toàn cầu (Google Maps), vùng Bùi Hui (thuộc xã Ba Trang, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) được định danh là thảo nguyên Bùi Hui, nằm ở độ cao 628 m so mặt nước biển. Có hai con đường để đến với Bùi Hui, một là từ huyện lỵ Ba Tơ theo đường cứu hộ Ba Tơ - Ba Trang và hai là bắt đầu từ hồ chứa nước Núi Ngang băng qua những núi đồi, đèo dốc.
Đồng cỏ và gió
Thảo nguyên rộng vô cùng. Phía Bắc chỉ có đất bazan, đá mồ côi và cỏ. Còn gió, cơ man nào là gió. Những cơn gió thổi qua thảo nguyên lồng lộng.
Mùa xuân, đất trời chan hòa, thảo nguyên khoác chiếc áo màu xanh của cỏ. Những đứa trẻ người dân tộc ở thôn Bùi Hui từ sáng sớm đã í ới gọi nhau lùa trâu lên thảo nguyên. Khi ấy, bãi cỏ non còn đẫm sương đêm và gió mát nên bầy trâu khoan khoái gặm cỏ, thi thoảng lại vờn nhau. Tiếng lộc cộc của đôi sừng chạm vào nhau vang vọng đỉnh đồi.
Theo những người già dân tộc H’rê thì xưa kia, mùa xuân còn có những bầy nai, bầy mang về đây gặm cỏ, chia phần với những đàn trâu. Có chúng càng làm tôn thêm vẻ đẹp, sự đa dạng của thảo nguyên.
Sườn Nam thảo nguyên Bùi Hui bạt ngàn rừng sim
Còn mùa hạ chói chang ánh nắng mặt trời, bãi cỏ xanh khô dần, thảo nguyên khoác chiếc áo bạc màu. Loài cỏ may chẳng biết có từ khi nào nhưng chỉ đi qua thảo nguyên là bám đầy vào quần áo như sự xác nhận của tự nhiên đối với những người đã đến đây.
Qua những ngày nắng nóng, thảo nguyên yên bình trong mùa thu. Các cơn mưa đầu mùa làm thảo nguyên chuyển động, mà tín hiệu bắt đầu là những vạt cỏ úa vàng bỗng trở lại mởn xanh.
Khi mùa đông đến, mây đen vần vũ. Trong ánh chớp nhì nhằng và mưa tuôn ào ạt, những người H’rê có việc đi ngang qua đây, trên dốc Cổng Trời (điểm cao nhất của thảo nguyên), với bàn chân lún sâu vào đất càng lộ vẽ rắn rỏi của những chủ nhân thảo nguyên.
Phía Bắc thảo nguyên Bùi Hui (thuộc trục đường Ba Liên - Bùi Hui) có núi đá với nhiều cây đá đen nằm trong vách núi. Đây là cấu trúc địa chất khác thường. Nhiều bạn trẻ đến Bùi Hui cũng ghé nơi này tham quan và các nhà nghiên cứu đã đến tìm hiểu cấu trúc địa chất vùng Bùi Hui.
Ở Bùi Hui, có lẽ đẹp nhất trong mùa hạ là lúc bình minh lên. Tia nắng đằng Đông biến đồng cỏ khô thành màu đo đỏ. Rồi mặt trời lên cao, ánh nắng chan hòa, đồng cỏ biến thành màu vàng nhạt. Còn khi chiều xuống, những tia nắng cuối ngày rụng trên thảo nguyên, tạo nên những khoảng sáng tối lạ lùng. Rồi mặt trời lặn sau dãy núi xa, thảo nguyên càng mơ màng. Một đàn chim bay, cánh rộng chao nghiêng càng làm cho thảo nguyên thêm hùng vĩ, mênh mông.
Lộc của đất trời
Tôi đến thảo nguyên Bùi Hui trong tháng 7 âm lịch, khi mùa hạ chớm sang thu. Trên đường cứu hộ cứu nạn Ba Tơ - Ba Trang, thi thoảng tôi thấy những cây ngô đồng khoe sắc đỏ mà dừng chân khen đẹp. Nhưng người bạn đồng hành của tôi - anh Bùi Đình Ngôn, phụ trách Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ - bảo chẳng nhằm nhò gì so với những bãi cỏ may úa vàng xa tận chân trời ở phía Bắc, nhất là phía sườn Nam của thảo nguyên bạt ngàn rừng sim.
Những gùi sim rừng mang theo hương vị ngọt lành từ Bùi Hui về xuôi
Khi qua khỏi dốc Cổng Trời, trước mắt tôi hiện ra cánh rừng sim trải rộng. Những bụi sim cao vút đầu người nối tiếp nhau và đầy trái. Cơn mưa rừng vừa ào ạt trong hai hôm trước nên sim càng chín, trái căng mọng. Chúng tôi tha hồ thưởng thức lộc của nắng gió, của đất trời thảo nguyên.
Tôi đưa tay vít cành sim để hái những trái no tròn, chín mọng ở bụi này thì đã thấy bụi kia trái chín nhiều hơn nên vội vàng chuyển sang mà hái. Cứ thế, cả nhóm lạc nhau hồi nào chẳng hay, để rồi khi mở điện thoại ra gọi mới biết sóng ở đây thật yếu nên chỉ còn cách liên lạc bằng tiếng hú.
Vị ngọt lẫn chát của sim đã đưa nhiều người về với ký ức tuổi thơ nơi quê nhà. Nhiều bạn tôi thầm tiếc nuối, giá đến thảo nguyên sớm hơn chừng non vài tháng trước sẽ gặp cảnh thảo nguyên chỉ một màu tím của hoa sim thì lãng mạn đến nhường nào.
Bùi Hui bắt đầu đón những bạn trẻ say mê phượt. Họ hẹn nhau cùng vượt đường xa lên đây ngắm đất, ngắm trời. Lệ thường, họ đến từ chiều hôm trước để ngắm hoàng hôn yên ả phía Tây, căng lều bạt ngủ qua đêm và cùng hẹn nhau dậy sớm để đón bình minh trên thảo nguyên.
Với đồng bào dân tộc H’rê ở Bùi Hui, lộc của thảo nguyên còn cho bát cơm đầy. Cứ mùa sim chín, bà con ra hái rồi gùi thẳng về chợ Ba Tơ hay những hàng quán nằm dọc thị trấn để bán, kiếm tiền mua sắm vật dụng thường ngày. Trái sim rừng đem rửa rồi dầm với đường cát để chừng mươi ngày là có mật sim màu đo đỏ, hòa với đá lạnh làm thức uống trong mùa hè, pha với rượu trở thành rượu sim nhâm nhi, dư vị của núi rừng thảo nguyên cứ đọng đầy nơi đầu lưỡi.
Gặp chúng tôi, ông Phạm Giang Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, cho biết: "Ba Tơ là mảnh đất có nhiều di tích, thắng cảnh. Trước mắt, huyện tập trung đầu tư xây dựng điểm du lịch về nguồn Di tích Khởi nghĩa Ba Tơ, du lịch hồ Tôn Dung và thảo nguyên Bùi Hui. Điểm du lịch thảo nguyên Bùi Hui có lẽ phù hợp hơn với các bạn trẻ đam mê phượt. Huyện đã quy hoạch 20 ha rừng sim để bảo tồn và hướng dẫn đồng bào dân tộc trồng thêm loài cây rừng này, đồng thời chỉ đạo địa phương ngăn chặn tình trạng khai thác những cây sim già có hình thù kỳ lạ và cây ổi sẻ để tránh làm hư hỏng cảnh quan thiên nhiên nơi đây".
Thảo nguyên Bùi Hui không chỉ có rừng sim mà còn có loài cây ổi sẻ rừng. Vào tháng ba hay tháng tám, ổi rừng trái to bằng đầu ngón tay cái, ruột trắng, chín thơm phức. Các loài chim quành quạch, đội mũ từ những cánh rừng xa bay về đây ăn trái. Tiếng kêu rộn ràng của chúng tràn ngập thảo nguyên.
Đọng đầy trong ký ức
Đến Bùi Hui, tôi tình cờ gặp anh Phạm Văn Đức - người con của thảo nguyên với thân hình vạm vỡ. Anh Đức nhớ lại: "Cái thú nhất của tuổi thơ là khi mùa xuân sang, cỏ cây xanh rờn. Chúng mình lùa trâu lên thảo nguyên rồi vui chơi và nằm lăn trên cỏ. Nhiều người đem sáo ra thổi. Tiếng sáo trên thảo nguyên lúc bổng lúc trầm, bay xa như nhóm tụ trong rừng sim".
Thảo nguyên bốn mùa là bạn, đọng đầy trong ký ức tuổi thơ. Lớn lên, anh Đức ra Quảng Nam học trung cấp thú y. Tại đây, anh kể cho bạn bè nghe về thảo nguyên Bùi Hui. Có một người con gái Ka Dong ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam mê tít quê Đức và quyết định theo anh về xây dựng tương lai.
Bây giờ là cán bộ thú y xã, ngày ngày Đức chở vợ trên chiếc xe cà tàng đi làm việc, bốn mùa băng qua thảo nguyên. Có hôm, thảo nguyên bừng sắc hoa sim tím, họ dừng lại để rồi anh chụp cho vợ vài tấm hình qua điện thoại. Có những hôm trời mưa gió, nước chảy ồ ồ qua khe đá. Tấm áo mưa giống chiếc chiến bào bỗng chốc rách tả tơi và nhiều đoạn đường trơn. Hai vợ chồng phải gò lưng mới đẩy được xe đi trong mưa pha lẫn mồ hôi. Thơ mộng là thế, cực nhọc là thế nhưng tình yêu theo tháng năm bền chặt trong họ, để rồi khi gặp chúng tôi, anh tự hào bộc bạch: "Thảo nguyên đẹp lắm. Chúng mình là những đứa con của thảo nguyên!".
Đến một lần cho biết
Thảo nguyên Bùi Hui ngủ yên dài lâu. Mãi cho đến vài năm gần đây, khi đường cứu hộ Ba Tơ - Ba Trang được thi công giai đoạn 1 với 11 km đường quanh co đèo dốc thì thảo nguyên mới được đánh thức. Bạn trẻ từ nhiều nơi lần lượt đến đây tham quan.
Chị Hoàng Thị Hảo (ngụ xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) bày tỏ: "Nghe bạn bè kháo nhau về thảo nguyên, mình vượt đường xa đến đây một lần cho biết. Đường đi nhọc thật nhưng đến thảo nguyên quả chẳng uổng phí chút nào. Thảo nguyên cho mình nhiều thứ, bắt đầu là nắng, gió".
Bình luận (0)