Chiều 12-4, UBND TP HCM tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và Củ Chi năm 2022. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên chủ trì hội nghị.
Tiềm năng "của để dành"
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nhắc lại giai đoạn thành phố tăng trưởng âm 6% do chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19 hồi cuối năm 2021 - mức tăng trưởng thấp chưa từng có trong lịch sử thành phố. Tuy nhiên, đến quý I/2022, thành phố đã ghi nhận tăng trưởng 2%, trong đó có sự đóng góp của 2 huyện Hóc Môn và Củ Chi. "Điều đó đã chứng tỏ sức mạnh, tinh thần đoàn kết, niềm tin và ý chí, trí tuệ, bản lĩnh của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp (DN)" - Bí thư Nguyễn Văn Nên nhìn nhận.
Bí thư Thành ủy TP HCM cho hay hội nghị có 3 ý nghĩa quan trọng, gồm: thực hiện kế hoạch hành động của thành phố; thực hiện lời hứa của đại biểu Quốc hội trước cử tri thành phố, đặc biệt là cử tri 2 huyện Hóc Môn, Củ Chi và tạo cơ hội để các cơ quan đơn vị, DN, nhà đầu tư thực hiện cam kết đồng hành với chiến lược phục hồi, phát triển kinh tế thành phố.
"Thông điệp của lần xúc tiến đầu tư này là: Nói phải làm, hứa phải giữ lời, làm thì làm đến nơi đến chốn" - Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Về định hướng quy hoạch huyện Hóc Môn và Củ Chi, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM, cho biết sẽ mở rộng phạm vi đô thị hóa 2 huyện theo lộ trình bền vững, ổn định và hướng đến phát triển lên quận hoặc thành phố thuộc TP HCM. Ông Nhã đánh giá việc đầu tư phát triển 2 huyện này rất cần thiết và có nhiều triển vọng, qua đó đánh thức đúng lúc tiềm năng của khu vực phía Bắc TP HCM - nơi được coi là "của để dành". Việc phát triển Củ Chi và Hóc Môn còn có ý nghĩa phát triển TP HCM và khu vực.
"Trong tương lai, đây sẽ là những trung tâm tài chính, dịch vụ, công nghiệp, nghiên cứu khoa học nông nghiệp, y tế, giáo dục, thể thao cùng các dự án dân cư được thiết kế bài bản. Đồng thời, không để tình trạng đô thị hóa tự phát, xây cất tự phát "phố không ra phố, làng không ra làng", giữ hành lang ven sông, đặc biệt là hàng lang sông Sài Gòn" - ông Nguyễn Thanh Nhã nêu rõ.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Trần Quang Lâm nhìn nhận Hóc Môn và Củ Chi là địa bàn được hưởng nhiều lợi ích trong quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông của thành phố. Đây là nơi xây dựng đường Vành đai 3, Vành đai 4. Các dự án giao thông này cùng tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài sẽ giúp 2 địa phương kết nối với các tỉnh và nước bạn Campuchia. Không chỉ vậy, trong tương lai, trên địa bàn 2 huyện sẽ hình thành các tuyến đường sắt đô thị.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên tham quan các gian hàng trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và Củ Chi năm 2022Ảnh: TRẦN THẮNG
Mời gọi 55 dự án đầu tư
Hội nghị có sự tham dự của rất nhiều DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng nhiều ý kiến tâm huyết.
Là một trong những nhà đầu tư quan tâm đến địa bàn Củ Chi và Hóc Môn, ông Ken Chan, đại diện Quỹ Đầu tư CMIA Capital Partner và Surbana Jurong, đề xuất TP HCM hỗ trợ đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân khi DN thực hiện dự án Đô thị sinh thái nông nghiệp thực phẩm công nghệ cao tại xã Trung An, huyện Củ Chi. Nhà đầu tư này tự tin dự án sẽ mang lại động lực phát triển cho TP HCM nói chung và huyện Củ Chi nói riêng, khởi đầu cho mô hình đô thị nông nghiệp sinh thái công nghệ cao ở Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ điện lạnh (REE) - đơn vị đang làm thủ tục đầu tư dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng trị giá 224 triệu USD tại Củ Chi - kiến nghị TP HCM quan tâm, xem xét, thẩm định sớm để DN bắt tay xây dựng vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới.
Theo ban tổ chức, thông qua hội nghị, TP HCM đã mời gọi đầu tư 55 dự án vào huyện Hóc Môn và Củ Chi với tổng vốn dự kiến hơn 12 tỉ USD (tương đương hơn 285.000 tỉ đồng). Trong đó, 18 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông - kỹ thuật; 1 dự án giảm ngập nước; 12 dự án chỉnh trang đô thị; 3 dự án công nghiệp; 16 dự án nông nghiệp; 2 dự án thương mại - dịch vụ và 4 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục - văn hóa - thể thao.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đánh giá hội nghị đạt được kết quả tốt đẹp khi đã có 10 giấy phép đầu tư được trao cho các DN; 31 biên bản ghi nhớ đầu tư được ký kết giữa các sở, ngành, địa phương và nhà đầu tư với số tiền hàng trăm ngàn tỉ đồng. Đáng lưu ý, nhiều dự án treo được đưa vào ký kết triển khai, như công viên Sài Gòn Safari, Khu đô thị Tây Bắc...
Ông Phan Văn Mãi cam kết sau hội nghị, UBND TP HCM sẽ chỉ đạo các sở, ngành, UBND huyện Hóc Môn và Củ Chi tiếp tục phối hợp với các nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục, sớm triển khai các dự án.
Đặt người dân vào vị trí trung tâm
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Hóc Môn và Củ Chi là những địa phương có nhiều lợi thế phát triển, là vùng đệm của TP HCM với các địa phương vùng kinh tế phía Nam, hướng về sông Sài Gòn. "Hóc Môn và Củ Chi được ví như con rồng đang ngủ bên cạnh phần phát triển năng động còn lại của TP HCM" - Chủ tịch nước nhìn nhận.
Theo Chủ tịch nước, việc phát triển Hóc Môn và Củ Chi cũng giúp TP HCM giải bài toán mở rộng không gian phát triển cân bằng, thu hút nguồn lực, nhất là về kinh tế đô thị, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao… Qua đó, giải tỏa áp lực về dân số, hạ tầng, nhà ở, công ăn việc làm; mở rộng không gian sinh tồn, phát triển khi "chiếc áo" TP HCM đã quá chật chội.
Với vai trò lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu Quốc hội ứng cử tại Củ Chi, Hóc Môn, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ 2 huyện này. "Đây không phải là chương trình làm một lần, kết thúc trong một ngày mà cần theo dõi việc thực hiện cam kết của nhà đầu tư, của huyện Hóc Môn và Củ Chi. Mọi lời nói, cam kết tại hội nghị phải đi đôi với việc làm thực chất, người thật việc thật. Không ký rồi để đó. TP HCM và đại biểu Quốc hội sẽ giám sát và nêu ra trước Quốc hội những đơn vị nào ký kết mà không thực hiện" - Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước nhắc nguyên tắc xuyên suốt khi phát triển 2 huyện Hóc Môn, Củ Chi là phải đặt lợi ích của người dân vào vị trí trung tâm với định hướng xây dựng đô thị sinh thái, thông minh, bền vững. "Hóc Môn, Củ Chi không phải là mâm cỗ mới dành cho các nhà đầu tư bất động sản tận dụng cơ hội để đẩy giá nhà đất" - Chủ tịch nước nêu rõ.
Chủ tịch nước lưu ý TP HCM đẩy mạnh tháo gỡ nút thắt kiềm chế sự phát triển của 2 huyện Hóc Môn, Củ Chi về hệ thống giao thông; quan tâm đến vấn đề xử lý rác, nhà ở xã hội; phát triển đồng bộ, bền vững, không phải phát triển dịch vụ đơn thuần. Các nhà đầu tư vào Hóc Môn, Củ Chi cũng cần đề cao việc bảo vệ môi trường, trách nhiệm với xã hội, phát huy truyền thống cách mạng.
Huyện Củ Chi nhận Huân chương Lao động hạng Ba
Trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và Củ Chi năm 2022, cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và làm việc tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP HCM. Chủ tịch nước biểu dương những thành quả đạt được thời gian qua và nhấn mạnh vai trò quan trọng của Khu Nông nghiệp Công nghệ cao đối với nền nông nghiệp TP HCM và khu vực phía Nam.
Chủ tịch nước đề nghị đơn vị này chủ động huy động mọi nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa để phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại; tập trung nâng cao trình độ các nhà khoa học và chú trọng đào tạo nguồn nhân lực giỏi, xuất sắc, từ đó cho ra đời nhiều sản phẩm, ứng dụng làm thay đổi nền nông nghiệp thành phố.
Chủ tịch nước đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Củ Chi vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch Covid-19, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch nước cũng trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi. Dịp này, Chủ tịch nước đã thăm và tặng quà cho gia đình chính sách trên địa bàn huyện Củ Chi.
Q.Anh
Bình luận (0)