Ông Nguyễn Ân, Chủ tịch UBND xã Cam Bình (TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa), cho biết cứ từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau là đảo Bình Ba lại ngập rác từ khắp nơi trôi về, tấp đầy bờ biển. Chính quyền đã chi hàng trăm triệu đồng để khắc phục nhưng tình trạng này vẫn lặp đi lặp lại.
Ô nhiễm túi nhựa
Trở lại đảo Bình Ba - địa điểm du lịch nổi tiếng, phóng viên không khỏi sững sờ khi thấy cả vùng bờ biển, xung quanh cầu tàu ngập tràn rác thải. Đặc biệt là hộp nhựa, chai, lọ, túi ni-lông, thùng xốp... nổi lềnh bềnh, dày đặc. Theo quan sát, đường tàu thuyền đi vào đảo Bình Ba hai bên dày đặc hàng trăm bè nuôi tôm, cá. Người dân sinh hoạt ngay trên các bè, nấu ăn, rất nhiều bao bì thức ăn đều được ném xuống biển.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Mẫn (người dân trên đảo Bình Ba) chỉ về đám túi nhựa nổi đặc chân cầu cảng, cho biết cứ đến mùa gió bấc, rác thải dạt vào đảo Bình Ba rất nhiều, bốc mùi khó chịu. Người dân trên đảo được chính quyền huy động nhiều đợt để trục vớt nhưng cứ hết đợt này lại có đợt khác. Rác thải đa số là túi nhựa, hộp xốp, thỉnh thoảng còn lẫn cả xác động vật từ đất liền trôi ra. Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa này là rác lại tấp hết vào bờ biển phía Tây đảo.
Ông Nguyễn Ân, Chủ tịch UBND xã đảo Cam Bình, cho biết đảo Bình Ba như cái phễu đón hết vật liệu trôi nổi trên vịnh Cam Ranh. Hiện nay, mỗi tuần xã Cam Bình đều có một đợt tổng vệ sinh, thu gom rác thải một lần. Như đợt vào đầu tháng 12 vừa qua xã đã thu gom được khoảng 20 tấn rác thải nhựa nhưng chỉ khoảng 5 ngày sau là rác lại tràn ngập.
"Mỗi lần dẫn đoàn khách hay có người nào đến thăm đảo là bản thân mình thấy xấu hổ. Như kiểu khách đến nhà mà đi đâu cũng thấy rác khiến ai cũng khó chịu. Lượng rác gom được rất lớn nhưng mùa mưa thì rất khó đốt tiêu hủy. Chúng tôi tốn cả trăm triệu đồng mỗi năm nhưng không sao xử lý dứt điểm được" - ông Ân nói.
Rác thải nhựa, túi ni-lông dày đặc ở đảo Bình Ba, xã đảo Cam Bình, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa
Ý thức chung của cộng đồng
Chính quyền xã Cam Bình cũng thừa nhận là có cả một lượng rác tại chỗ của người dân xả ra, trong đó có rác từ các hộ nuôi tôm trên đảo. Xã đã lắp đặt nhiều biển báo, khẩu hiệu tuyên truyền không xả rác xuống biển. Xã cũng đề nghị người dân chuyển đổi từ túi ni-lông, túi nhựa đựng thức ăn cho tôm hùm dùng 1 lần sang sử dụng túi lưới, tái sử dụng. Người dân trên đảo cũng dần dần thay đổi nhận thức. Tuy nhiên, một số chủ bè và những người làm thuê không phải lúc nào cũng có ý thức bảo vệ môi trường. Vì vậy, vẫn có tình trạng ném túi nhựa xuống biển sau khi cho tôm ăn.
"Ngay cả lục bình chỉ có ở các dòng sông cũng trôi dạt ra tận đảo Bình Ba. Điều này chứng tỏ rác từ các địa phương khác ở trong bờ, từ các lồng, bè nuôi trồng phía đất liền ở đầm Thủy Triều, vịnh Cam Ranh theo gió bấc tràn ra đảo. Hậu quả là người dân Bình Ba phải gánh chịu. Vì vậy, chúng tôi mong muốn cấp trên cần có những giải pháp đồng bộ, thay đổi nhận thức, hành động của cả cộng đồng nuôi tôm trên vùng biển Cam Ranh gồm tất cả các xã quanh vịnh thì mới có thể cải thiện được tình trạng tấp rác ở Bình Ba" - ông Ân nói.
Hiện nay đảo Bình Ba có một khu xử lý rác thải với công suất chỉ khoảng 3 tấn/ngày. Tuy nhiên, đây chỉ là xử lý rác thải sinh hoạt của người dân, do đó cứ đến mùa rác về thì khu xử lý luôn trong giai đoạn quá tải nên không thể tiếp nhận xử lý thường xuyên. Ngoài việc vớt rác, xã đã trích kinh phí để thu gom rác ở từng bè tôm, do tổ thu gom rác tự quản trên đảo phụ trách.
Việc thu gom rác nhựa, rác trôi nổi hiện nay chỉ ở dọc bờ biển và mang tính chất thủ công. Đảo không có các tàu thuyền chuyên dụng để cào rác thải nhựa ở khu vực cảng. "Chúng tôi cũng nghĩ đến việc mua tàu chuyên cào rác nhưng mỗi năm rác chỉ xuất hiện khoảng 4 tháng. Sau khi cào sạch thì 8 tháng còn lại tàu để không sẽ rất lãng phí, tốn chi phí bảo trì" - ông Nguyễn Ân băn khoăn.
Mở chiến dịch "Làm cho thế giới sạch hơn"
Tháng 9 vừa qua, UBND TP Cam Ranh đã ban hành Kế hoạch số 4474 về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng chiến dịch "Làm cho thế giới sạch hơn" năm 2022. Qua đó, chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trên địa bàn thành phố, UBND các xã, phường tổ chức ra quân làm vệ sinh môi trường; trồng cây cải thiện, phục hồi môi trường tại các đô thị, khu dân cư; thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý các loại chất thải phát sinh theo đúng quy định. Bên cạnh đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và người dân... trong các hoạt động mua sắm, tiêu dùng để hạn chế tối đa sử dụng túi ni-lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần như: ống hút, hộp xốp, ly...
Bình luận (0)