Trong thông báo tạm hoãn tổ chức kỳ thi IELTS và Aptis (cùng kiểm tra khả năng sử dụng tiếng Anh) từ ngày 10-11, Hội đồng Anh nêu rõ đơn vị này đang làm việc chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) "để có được các phê duyệt cần thiết trong thời gian sớm nhất có thể" và "thời điểm các kỳ thi được tổ chức trở lại sẽ phụ thuộc vào phê duyệt của Bộ GD-ĐT". Còn nguyên nhân hoãn tổ chức kỳ thi IELTS được Tổ chức Giáo dục quốc tế IDP (gọi tắt là IDP) đưa ra là do "chưa được Bộ GD-ĐT phê duyệt theo quy định mới".
Bất khả kháng!
Hội đồng Anh cho biết những thí sinh bị ảnh hưởng bởi quyết định nêu trên sẽ được đổi ngày thi miễn phí. Tổ chức này sẽ gửi thông báo trực tiếp đến hộp thư điện tử của thí sinh ngay sau khi các kỳ thi được phép tổ chức lại.
Trước đó, ngày 7-11, Ban Tổ chức kỳ thi năng lực tiếng Nhật Nat-test tại điểm thi TP Hà Nội cũng thông báo tạm dừng tổ chức kỳ thi vào ngày 11-12 và dự kiến tổ chức trở lại từ tháng 2-2023. Tại điểm thi Trường ĐH Giao thông Vận tải, kỳ thi này vào ngày 23-10 cũng đã bị hoãn, thí sinh được hoàn tiền vào ngày 24-10. Theo giải thích của ban tổ chức, ngày 26-7, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 11/2022/TT quy định về việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài với yêu cầu các địa điểm tổ chức thi cần được Bộ GD-ĐT cấp phép. Các đơn vị liên kết tổ chức kỳ thi Nat-test ngay sau đó đã phối hợp với phía Nhật Bản tích cực làm đề án xin cấp phép nhưng đến nay vẫn chưa được Bộ GD-ĐT chính thức cho phép.
Cách đó không lâu, ngày 15-9, điểm thi năng lực Hán ngữ quốc tế - Viện Khổng Tử tại Trường ĐH Hà Nội cũng thông báo tạm dừng tổ chức các đợt thi trong 2 ngày 16-10 và 19-11 do cần tập trung hoàn thiện hồ sơ đề nghị phê duyệt và xin cấp phép của Bộ GD-ĐT.
Trong thông báo của IDP, tổ chức này cho rằng đây là tình huống bất khả kháng và mọi đơn vị tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài đều phải tuân thủ.
Học viên lo lắng, trung tâm hoạt động bình thường
Nhiều học sinh, sinh viên và phụ huynh bày tỏ lo lắng khi Hội đồng Anh và IDP cùng thông báo tạm hoãn kỳ thi IELTS. "Đây là thời điểm nước rút để học sinh THPT thi IELTS phục vụ xét tuyển ĐH năm sau. Muộn một chút nữa là chúng tôi phải thi cuối học kỳ cũng như dồn sức cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Việc này không chỉ khiến tôi mà nhiều bạn trong lớp đều cảm thấy áp lực, căng thẳng vì vỡ nhiều kế hoạch" - Nguyễn Phương Mai, học sinh lớp 12 của một trường THPT tại quận Cầu Giấy (TP Hà Nội), cho biết.
Chị Ánh Tuyết (ngụ quận 3, TP HCM), có con chuẩn bị thi IELTS tại IDP vào giữa tháng 11 này, cho biết gia đình rất hoang mang khi nhận thông báo hoãn kỳ thi bởi lẽ con chị có nguy cơ bỏ lỡ kỳ du học mùa xuân năm 2023.
Nhiều sinh viên cho hay hiện không ít trường ĐH, CĐ dùng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế làm chuẩn đầu ra nên nếu "tắc" kỳ thi IELTS sẽ dẫn đến "tắc" xét công nhận tốt nghiệp ĐH, CĐ.
Đại diện một trung tâm du học và luyện thi IELTS lớn tại TP HCM cho biết sáng 10-11, học viên chuẩn bị thi chứng chỉ IELTS vào tháng 11 và 12-2022 của trung tâm đã liên tục gọi điện hỏi về thông tin hoãn thi. Sau khi được trung tâm trấn an và tư vấn, hầu hết học viên đồng ý tiếp tục chờ thông báo mới. Các lớp luyện thi của trung tâm vẫn hoạt động bình thường.
"Học viên bị tạm hoãn thi ở trung tâm thuộc 2 trường hợp: đã có chứng chỉ IELTS nhưng muốn thi nâng điểm và thi lần đầu. Với học viên muốn thi nâng điểm, nếu không kịp thi, khi nộp hồ sơ sẽ phải sử dụng mức điểm cũ. Nếu điểm IELTS thấp, học viên có thể bổ sung bằng điểm SAT, GPA, bài luận hoặc phỏng vấn. Còn học viên muốn thi lấy chứng chỉ IELTS để được cộng điểm ưu tiên hoặc xét tuyển thẳng trong kỳ xét tuyển ĐH, CĐ năm 2023 thì vẫn có thể kịp" - đại diện trung tâm này giải thích và khẳng định việc hoãn thi không ảnh hưởng quá lớn đến học viên.
Tại Trung tâm Anh ngữ Yola (TP HCM), một nhân viên xác nhận trung tâm vẫn tư vấn và nhận học viên luyện thi IELTS dù học viên chưa được thi trong tháng 11 này và có thể cả những tháng tới. Tương tự, Trung tâm Luyện thi IELTS Đa Minh (quận Gò Vấp, TP HCM) duy trì các lớp luyện thi bình thường và học viên vẫn chuẩn bị sẵn sàng tham gia thi ngay khi có thông báo.
Các lớp ôn luyện IELTS của Trung tâm tiếng Anh Exel Focus (TP Hà Nội) vẫn hoạt động bình thường dù kỳ thi IELTS đang bị hoãn. Ảnh: XUÂN HOA
Siết quản lý chất lượng đào tạo
Trước đó, ngày 8-11, Bộ GD-ĐT có văn bản gửi các sở GD-ĐT yêu cầu tăng cường quản lý liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ bởi thời gian qua, hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của đơn vị nước ngoài tại Việt Nam chưa được quản lý chặt chẽ, tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng đến quyền lợi của người dự thi.
Cụ thể, Bộ GD-ĐT đề nghị các sở GD-ĐT tham mưu UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan liên quan tăng cường quản lý, kiểm tra các tổ chức, cá nhân tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ theo quy định tại Nghị định 86/2018/NĐ-CP và Thông tư 11/2022/BGDĐT. Theo đó, các tổ chức, cá nhân có quyết định phê duyệt, quyết định gia hạn liên kết tổ chức thi của Bộ GD-ĐT mới được tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho hay Bộ GD-ĐT đang tiếp nhận hồ sơ đề nghị phê duyệt đề án liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tại Việt Nam. Mặc dù bộ đã hướng dẫn các bên liên kết thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức nhưng việc lập hồ sơ đề nghị phê duyệt liên kết của nhiều cơ sở chưa đạt yêu cầu, nhất là yêu cầu làm rõ vấn đề chất lượng, tiêu chí liên kết, tư cách pháp nhân của các bên..., nên chưa đủ căn cứ để phê duyệt.
"Việc một số tổ chức, đơn vị thông báo dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ là do các bên liên kết chưa làm hồ sơ hoặc chưa hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ GD-ĐT phê duyệt theo quy định. Điều đó thể hiện sự tôn trọng và chấp hành pháp luật Việt Nam của các tổ chức, đơn vị" - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT thừa nhận việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam còn nhiều vấn đề bất cập, trong đó có việc tổ chức thi tràn lan với rất nhiều loại chứng chỉ, nhiều ngôn ngữ khác nhau mà không được kiểm soát về chất lượng. Ngoài ra, việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam chủ yếu tuân thủ theo quy định của đối tác nước ngoài, chưa tuân thủ đầy đủ quy định của Việt Nam về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ cán bộ coi thi, giám sát... Điều này dẫn đến việc xảy ra một số tiêu cực mà báo chí đã phản ánh như thi hộ, gian lận hồ sơ, giả mạo giấy tờ..., gây dư luận xấu, khiến người dân lúng túng trong việc lựa chọn chứng chỉ, đơn vị tổ chức thi. Đồng thời, gây thất thu thuế; giảm sức hút, sự minh bạch của môi trường đầu tư trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam.
Trường ĐH phải điều chỉnh tiêu chí?
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, việc tạm dừng tổ chức thi IELTS không chỉ liên quan đến tuyển sinh ĐH mà còn ảnh hưởng đến du học, hợp tác lao động nước ngoài, xét chuẩn đầu ra của trường ĐH.
TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác sinh viên - ĐHQG TP HCM, cho rằng vì chưa biết việc tạm dừng tổ chức thi IELTS của các đơn vị kéo dài đến khi nào nên có khả năng một số trường ĐH sẽ có điều chỉnh phù hợp với thực tế trong việc dùng chứng chỉ IELTS để xét tuyển. Việc này nhằm bảo đảm quyền lợi cho thí sinh.
H.Lân
Phê duyệt hồ sơ chỉ trong 20 ngày
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, để được tổ chức liên kết thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, các bên liên kết cần làm hồ sơ đề nghị Bộ GD-ĐT phê duyệt theo quy định của Nghị định 86/2018/NĐ-CP và Thông tư 11/2022/TT-BGDĐT.
Hồ sơ gồm: đơn đề nghị phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo mẫu số 08 tại phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP; thỏa thuận hoặc hợp đồng giữa cơ sở tổ chức thi tại Việt Nam và cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ nước ngoài; văn bản xác nhận tư cách pháp lý của các bên liên kết và đề án tổ chức thi.
Nếu hồ sơ bảo đảm yêu cầu, Bộ GD-ĐT sẽ phê duyệt trong phạm vi 20 ngày theo quy định tại các nghị định, thông tư nói trên; sau đó sẽ đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của bộ tại địa chỉ http://moet.gov.vn để người dân biết, lựa chọn đúng cơ sở và để xã hội giám sát.
Bình luận (0)