Phóng viên: Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khái quát "Ngoại giao là nâng cao vị thế của đất nước". Theo ông, những năm qua, ngành ngoại giao đã góp phần nâng cao vị thế của đất nước như thế nào?
- Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao NGUYỄN DY NIÊN: Vị thế quốc tế của Việt Nam chưa bao giờ được như ngày nay. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy với hầu hết các nước trên thế giới và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Từ một quốc gia bị bao vây, cấm vận, đến nay Việt Nam đã thiết lập khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện; mở rộng, đưa quan hệ đi vào chiều sâu, thực chất với các nước, nhất là các đối tác có tầm quan trọng chiến lược đối với sự phát triển, an ninh của đất nước. Việt Nam tham gia hầu hết các tổ chức khu vực và quốc tế, được bầu vào Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) với số phiếu gần như tuyệt đối và chủ trì nhiều cuộc họp quốc tế và khu vực quan trọng.
Việt Nam còn là một địa điểm lý tưởng cho các cuộc gặp gỡ hòa bình, đã tham gia Lực lượng Gìn giữ hòa bình của LHQ với hình ảnh "người lính Cụ Hồ" đầy ấn tượng. Việt Nam là một trong số ít nước chống đại dịch Covid-19 thành công và đang là điểm sáng trong phục hồi kinh tế.
Người dân Việt Nam bây giờ bước ra thế giới với tư thế mới, hàng chục triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam với câu thường trực là "Tôi yêu Việt Nam!".
Với một hành trang đầy thuyết phục như vậy, chúng ta bước tiếp vào thế kỷ XXI và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là thuận lợi mặc dù còn nhiều thách thức lớn phía trước. Sự bứt phá và tiến lên của Việt Nam là điều tất yếu. Tôi tin rằng trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tiếp tục con đường đổi mới của Đảng, ngoại giao Việt Nam với tư duy sáng tạo sẽ góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để viết nên những kỳ tích của Việt Nam trong lịch sử.
Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đã đóng vai trò thế nào trong những thành tựu của ngành ngoại giao hiện nay, thưa ông?
- Đại hội VI của Đảng năm 1986 đã đề ra đường lối đổi mới đi trước một bước rất chính xác, rất kịp thời, trong đó đổi mới tư duy về đối ngoại đã được đề cập rất sớm. 34 năm nhìn lại thấy con đường chúng ta đã đi qua quả là phi thường. Chúng ta đã vượt lên những rào cản của tư duy cũ để đổi mới giành những thắng lợi to lớn như ngày hôm nay, quả thực như một giấc mơ. Đây là niềm tự hào cho Đảng nói chung và cho binh chủng đối ngoại nói riêng.
Ngày 9-1-2020, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc (New York - Mỹ), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc với chủ đề “Kỷ niệm 75 năm Liên Hiệp Quốc: Tuân thủ Hiến chương để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” Ảnh: UN
Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa là một thành quả cực kỳ lớn đối với ngoại giao Việt Nam, nó thể hiện tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; bao giờ cũng tự chủ nhưng luôn kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới. Đổi mới tư duy đối ngoại là cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, lúc đầu còn phải cân nhắc mặt này mặt kia nhưng sau khi đã nhìn rõ và cân nhắc được những gì thuận và không thuận, những gì cần và chưa thật cần, Đảng ta đã vạch ra đường lối đối ngoại hết sức dứt khoát, rõ ràng. Và chỉ có đi theo đường lối này, ngoại giao Việt Nam mới có thể phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thế giới đang có những biến động khó lường, trong đó đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi thế giới, đặc biệt là các hoạt động đối ngoại. Vậy theo ông, ngành ngoại giao cần làm gì để tiếp tục đóng góp mạnh mẽ cho quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc?
- Việt Nam là một trong những nước chống dịch Covid-19 tích cực nhất, có hiệu quả nhất. Không những thế, Việt Nam đã tặng khẩu trang cũng như trang thiết bị y tế phòng chống dịch cho rất nhiều nước, tạo hiệu ứng tích cực, có sức lan tỏa rộng. Điều này xuất phát từ tinh thần trách nhiệm với cộng đồng thế giới, khi Việt Nam đang là Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Việt Nam muốn thể hiện tinh thần trách nhiệm, muốn chia sẻ kinh nghiệm và san sẻ một chút những vật chất mà Việt Nam có thể có. Dù chỉ mang tính tượng trưng, việc tặng khẩu trang cho một số nước thể hiện sự đồng cảm, chung tay chung sức cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh. Qua thử thách này, các nước càng thấy Việt Nam là một quốc gia hết sức thân thiện, hữu nghị, hết sức hòa hiếu và muốn làm điều tốt cho cộng đồng quốc tế, cho quan hệ chung của tất cả các nước.
Thế giới luôn biến động và luôn thay đổi, đòi hỏi tư duy đối ngoại cũng luôn phải đổi mới. Chúng ta phải có những nhận thức mới, đồng thời phải rất tỉnh táo thì mới thực sự nắm bắt được những chiều hướng mới đó để phục vụ đường lối chung của Đảng và nhà nước.
Vậy ngành ngoại giao cần có những bước đi đổi mới như thế nào trong giai đoạn hiện tại để tiếp tục con đường đổi mới của Đảng?
- Nhìn lại chặng đường đã qua và suy nghĩ về tương lai, từ kinh nghiệm thực tiễn, tôi cho rằng để đổi mới tư duy đối ngoại đi đúng hướng và thành công, nhất thiết phải nắm vững các nguyên lý: Đặt lợi ích dân tộc, quốc gia lên trên hết, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại và lời dạy của Bác Hồ: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công". Có như vậy càng tăng cường quan hệ với các nước, càng hội nhập, đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng càng vững mạnh.
Thứ hai, chúng ta cần tập trung nhiều hơn cho nghiên cứu để có tư duy mới. Tri thức là tiền đề của tư duy, nếu không nghiên cứu sâu rộng, rút ra những điều cốt lõi và quy luật thì khó có thể nêu được điều gì sáng tạo và thiếu luận cứ để chứng minh, thuyết phục tạo đồng thuận cao trong nội bộ.
Thứ ba, đổi mới tư duy đối ngoại phải nhanh nhạy, phải đi trước một bước, không để nước đến chân mới nhảy, không bỏ lỡ thời cơ. Tốc độ là quan trọng thời đại công nghệ 4.0, chậm chân là thất bại.
Thứ tư, đổi mới tư duy đối ngoại không thể đi đường mòn. Thế giới ngày hôm nay khác với thế giới ngày hôm qua. Sự vật luôn chuyển động, nhất là trong quan hệ quốc tế. Điều đó mách bảo chúng ta phải luôn có cách nhìn mới, tư duy mới.
Thứ năm, muốn có đổi mới tư duy đối ngoại, người cán bộ của Đảng phải có sự dũng cảm, tỉnh táo và tinh thần trách nhiệm cao đối với dân tộc và đất nước. Không dũng cảm thì chỉ có đi đường mòn, không tỉnh táo thì dễ đi chệch hướng, không có tinh thần trách nhiệm thì khó có thể tìm ra biện pháp đúng để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao PHẠM BÌNH MINH:
Xây dựng nền ngoại giao thích ứng tình hình mới
Trong những năm qua, đặc biệt từ đầu năm 2020, với tác động của đại dịch Covid-19, tình hình thế giới và khu vực đang chuyển biến hết sức nhanh chóng, sâu sắc và khó lường. Trong bối cảnh đó, đối ngoại ngày càng đóng vai trò tiên phong trong việc bảo đảm môi trường hòa bình, thuận lợi cho phát triển; bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Làm sao "biến nguy thành cơ" và định vị đất nước một cách có lợi nhất là yêu cầu cấp thiết của công tác đối ngoại. Ngành ngoại giao đã đề ra nhiệm vụ xây dựng một nền ngoại giao hiện đại để thích ứng với tình hình mới đang thay đổi nhanh chóng và phục vụ tốt hơn, hiệu quả hơn cho lợi ích quốc gia - dân tộc.
Tổng kết hoạt động ngoại giao 75 năm qua, nhất là đánh giá thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, là dịp để chúng ta kiểm nghiệm những bài học kinh nghiệm quý báu của ngoại giao Việt Nam, từ đó tăng thêm bản lĩnh, tích lũy thêm kiến thức, dám đổi mới, năng động, sáng tạo tiếp cận theo cách mới... để xây dựng một nền ngoại giao hiện đại, trên cơ sở kế thừa truyền thống ngoại giao Việt Nam và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối ngoại mà Đảng và nhà nước giao phó.
Bình luận (0)