Trong thời gian chờ nhà đầu tư, để giải quyết khó khăn cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (phường 28, quận Bình Thạnh, TP HCM), cuối năm 2018, UBND TP HCM đã chấp thuận cho phép cấp phép xây dựng tạm để người dân chủ động xây dựng, sửa nhà.
Phường, quận lên tiếng
Thế nhưng chiều 12-6, trao đổi với phóng viên, ông Vũ Minh Giang, Chủ tịch UBND phường 28, quận Bình Thạnh lại cho biết đến nay vẫn chưa có trường hợp nào được cấp phép xây dựng có thời hạn.
Theo lãnh đạo UBND phường 28, quận Bình Thạnh, TP HCM hiện mong muốn lớn nhất của chính quyền và người dân là dự án sớm được triển khai Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Về việc này, lãnh đạo UBND phường 28 lý giải do vẫn chưa nhận được văn bản hướng dẫn nào từ Sở Xây dựng TP. Vị này phân tích theo quy định, đất thuộc dự án đang được quy hoạch thì sẽ không được cấp giấy phép xây dựng. Muốn được cấp giấy phép xây dựng tạm thì phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ kế hoạch sử dụng đất hằng năm. Tuy nhiên, đến nay, kế hoạch sử dụng đất hằng năm của phường 28 vẫn chưa bị hủy bỏ nên quận Bình Thạnh không thể cấp phép xây dựng cho người dân.
Từ cuối năm ngoái, nhiều người dân lên hỏi thủ tục này, phường đều hướng dẫn lên UBND quận Bình Thạnh là cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng nhưng chưa có trường hợp nào được cấp. Trước những thắc mắc của người dân, UBND phường 28 đã kiến nghị UBND quận Bình Thạnh gửi Sở Xây dựng TP để trả lời. "Chúng tôi cũng như người dân mong sớm có hướng dẫn trong việc cấp phép xây dựng tạm để không còn tình trạng lén lút xây dựng không phép" - vị lãnh đạo UBND phường đề nghị. Cũng theo lãnh đạo phường 28, hiện nay mong muốn lớn nhất của UBND phường là dự án sớm được triển khai.
Đối với dự án khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh (hay còn gọi là khu Mả Lạng - phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1), từ năm 2017, UBND quận 1 đã ban hành kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm tại dự án. Sau đó, quận đã ban hành thông báo thu hồi đất gửi đến các hộ dân và tổ chức bị ảnh hưởng bởi dự án; đồng thời niêm yết công khai và tổ chức họp phổ biến đến các hộ dân. Đến nay đã thực hiện khảo sát, đo đạc, kiểm đếm 1.360/1.363 căn. Hiện UBND quận 1 đang triển khai công tác thuê đơn vị tư vấn, thẩm định để xác định giá bán, giá cho thuê, giá thuê mua căn hộ chung cư tái định cư tại dự án khu Mả Lạng theo quy định. Tương tự Bình Thạnh, UBND quận 1 mong dự án sớm triển khai để cuộc sống người dân không còn bị "treo".
Nhiều chỉ đạo "nóng"
Đại diện Sở Xây dựng TP cho biết cả hai dự án khu Bình Quới - Thanh Đa và khu Mả Lạng đều ban hành những quyết định thu hồi đất. Vì vậy, việc áp dụng cấp phép xây dựng tạm không dành cho trường hợp này. Trả lời câu hỏi giải pháp nào khi các căn nhà người dân xuống cấp đe dọa tính mạng, Sở Xây dựng cho biết từ những hiện trạng cũ có thể được phép nâng cấp nhà, sửa chữa nhà. Việc này có thể làm đơn, bản vẽ gửi đến UBND phường.
Để tháo gỡ những vướng mắc trên, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến khẳng định đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Xây dựng, UBND quận Bình Thạnh rà soát kế hoạch sử dụng đất của dự án. Nếu hết thời hạn thực hiện kế hoạch sử dụng đất thì giao Sở Xây dựng hướng dẫn UBND quận Bình Thạnh cấp giấy phép tạm và thực hiện các quyền lợi hợp pháp của nhân dân trong khu vực dự án.
Ngoài ra, theo lãnh đạo UBND TP, từ đầu năm đến nay, UBND TP liên tục chỉ đạo các sở - ngành liên quan thực hiện nhiều đầu việc để "đánh thức" 2 dự án trên. Như dự án Bình Quới - Thanh Đa, hiện TP đang rà soát lại quy hoạch cũ, điều chỉnh dự án cho phù hợp thực tế. Quy hoạch trước đây do nhà đầu tư cũ đề xuất không còn phù hợp. Hơn nữa, TP cũng đang xem xét điều chỉnh lại ranh quy hoạch dự án Bình Quới - Thanh Đa nhằm tạo thuận lợi cho người dân. Bởi có những nơi nếu ranh dự án lấy hết thì khó khăn cho người dân nên TP tạo điều kiện để người dân tự phát triển, miễn sao phù hợp quy hoạch.
Chia nhỏ dự án?
Theo KTS Trần Vĩnh Nam, quy định hiện nay không được phép kéo dài dự án quá 5 năm. Thế nhưng, TP tồn tại hàng chục dự án kéo dài hàng chục năm gây phương hại đến quyền lợi của người dân là điều không thể không băn khoăn.
KTS Trần Vĩnh Nam cho rằng để giải quyết bài toán của dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa hay Mả Lạng là bài toán khó, bởi nếu dự án triển khai ngay từ 20 năm trước thì dễ nhưng bây giờ tiền đền bù đã rất lớn. Ở dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, tổng mức đầu tư đã khoảng 30.000 tỉ đồng. Số tiền này khó có công ty nào đủ năng lực tài chính thực hiện.
Riêng dự án Mả Lạng lại thêm bài toán khó giải hơn vì nơi đây nhiều căn nhà pháp lý không rõ ràng, mua bán qua nhiều thế hệ. "Hãy nhớ, chỉ có việc giải quyết bài toán giải tỏa chung cư cũ nhưng đến nay UBND quận 1 vẫn loay hoay tìm nhà đầu tư. Trong khi "siêu dự án" Mả Lạng hay Bình Quới - Thanh Đa quy mô gấp nhiều lần thì việc tìm nhà đầu tư có đủ tiềm lực không phải dễ" - KTS Trần Vĩnh Nam phân tích.
Từ thực tế trên, KTS Trần Vĩnh Nam đưa ra giải pháp là cần điều chỉnh lại quy hoạch dự án. Chia nhỏ từng gói để đấu thầu, giảm áp lực về tài chính cho nhà đầu tư. "Cần lập ra quy hoạch vùng sau đó chia ra từng phân khu chức năng và mời chào từng gói thầu nhỏ. Hoặc một giải pháp khác là cho phép triển khai từng khu vực theo từng giai đoạn. Nếu cho nhà đầu tư cùng một lúc làm nhiều việc e rằng không đủ vốn thực hiện" - KTS Nam nói.
Khốn khổ vì khu công nghiệp trên giấy
Năm 2001, người dân các ấp 1, 2 và 4 (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP HCM) nhận được thông tin quy hoạch KCN Xuân Thới Thượng với diện tích 386 ha, do Công ty CP Đầu tư Công nghiệp Tân Tạo làm chủ đầu tư. Chờ đợi mãi không thấy dự án triển khai, đến năm 2010, chủ đầu tư tuyên bố rút lui. Người dân chưa kịp mừng, tháng 8-2010, Công ty CP Đầu tư Thương mại D.I.C nhảy vào, để rồi dự án vẫn án binh bất động đến nay, trong khi quyền lợi của người dân liên quan đến tách thửa, hợp thức hóa nhà cửa, xây dựng, trồng trọt, chăn nuôi đều bị "treo".
Đồng ruộng bị bỏ hoang vì dự án KCN Xuân Thới Thượng vẫn nằm trên giấy Ảnh: HẢI PHONG
Đầu tháng 6, dẫn chúng tôi đến đường Dương Công Khi (giáp ranh giữa xã Xuân Thới Thượng và xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh), ông Nguyễn Văn Rẻng - tổ trưởng tổ 17, ấp 1 - buồn bã nói: Hai xã cách nhau chỉ 1 m đường nhưng chênh nhau một trời một vực. Một bên dính quy hoạch treo nên ruộng đồng bỏ hoang, cỏ mọc um tùm; còn bên kia nhà xưởng san sát, buôn bán sầm uất.
Gia đình ông Rẻng cũng khổ lây vì quy hoạch treo, căn nhà cấp 4 với 5 nhân khẩu đang sinh sống đã xuống cấp trầm trọng, nền nhà thấp hơn mặt đường gần nửa mét. Để bảo đảm an toàn, 2 năm nay ông Rẻng nhiều lần đến UBND xã xin xây lại căn nhà nhưng xã cho biết chỉ được sửa chữa trên hiện trạng. "Nhà tôi xây trước năm 1980 đâu có đà kiềng, tôi muốn làm lại móng, xây tường để yên tâm sinh sống nhưng theo quy định thì không được. Khổ đến vậy là cùng" - ông Rẻng ngán ngẩm.
Nói đến quy hoạch treo này, cụ Huỳnh Thanh Xưa (80 tuổi, ấp 1) cười như mếu: "Tôi đã gần đất xa trời, sợ ra đi đột ngột không thể làm thủ tục chia nhà đất cho con cái nên 2 năm nay, nhiều lần tôi ôm hồ sơ lên huyện để tách thửa cho 3 đứa con nhưng cán bộ trả lời "phải chờ bỏ quy hoạch mới làm được".
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã Xuân Thới Thượng, thừa nhận: Quy hoạch KCN Xuân Thới Thượng bị treo đã làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế và quyền lợi của người dân. Một số trường hợp bức xúc xây dựng trái phép, bị chính quyền cưỡng chế tháo dỡ gây thiệt hại kinh tế. Chưa kể, nhiều hộ dân trên địa bàn xã sống nhờ nghề chăn nuôi truyền thống, quá trình đô thị hóa, họ bị khiếu nại do gây ô nhiễm, địa phương phải vận động họ giảm đàn, chuyển nghề hoặc di dời ra khỏi khu dân cư. "Tréo ngoe hơn khi họ muốn di dời nhưng ruộng đất nằm trong khu quy hoạch treo, không thể xây dựng chuồng trại. Nhiều trường hợp buộc phải bỏ nghề..." - Chủ tịch UBND xã Xuân Thới Thượng thông tin.
Thu Hồng
Bình luận (0)