Số tiền không hề nhỏ, một DN 4.000 tỉ đồng, DN kia hơn 3.820 tỉ đồng. Lệ phí trước bạ chưa đóng, 50% số tiền sử dụng đất phải nộp trong vòng 30 ngày (đợt 1) rồi 90 ngày (đợt 2) cũng chưa, 100 tỉ đồng mỗi DN hứa đóng "làm tin" trước ngày 30-4-2022 cũng chẳng thực hiện. Nay, bị cưỡng chế theo Luật Quản lý thuế, lại bị phạt chậm nộp 0,03%/ngày, quy tiền tầm 2,3 tỉ đồng/ngày, chồng chất như thế, mờ mịt lối ra...
Nhìn vào khả năng thanh toán tiền cho nhà nước trên thực tế cùng với một số quy định, chính sách cứng rắn gần đây của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước đối với tín dụng cho bất động sản, vay nợ "sân sau", trái phiếu DN..., có thể khẳng định rằng trong bối cảnh thị trường nhà đất chưa "khỏe" lại sau dịch Covid-19, thanh khoản của hầu hết các DN bất động sản đều thấp, chẳng thể nào huy động được hàng ngàn tỉ đồng. Đối với 2 DN trúng đấu giá đất Thủ Thiêm kể trên, một kịch bản như Bình Minh hay Tân Hoàng Minh từng "bỏ cọc chạy lấy người" trước đó là hoàn toàn có thể xảy ra.
Phương án tiếp theo là gì? Nhà chức trách hẳn nhìn vào diễn biến khách quan để hoạch định cho thời gian tới, trong đó phải rút tỉa kinh nghiệm từ trường hợp này để không gặp lại bài học đắng.
Không riêng TP HCM, các tỉnh - thành khác cũng soi chiếu vào đó mà đúc rút thành những bài học cho mình, bởi vài năm gần đây sốt đất khắp nơi, các địa phương đồng loạt tổ chức bán đấu giá đất để bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhưng cũng đã gặp phải tình trạng "hét" giá thật cao, sau đó bỏ cọc, hủy giao dịch.
Có 3 lý do chính dẫn tới bỏ cọc. Một, "hét" giá cao quá, vượt khả năng thanh toán. Hai, phương án huy động vốn sau trúng đấu giá bị "bể", không như tính toán ban đầu. Ba, sau đấu giá, mặt bằng giá nhà đất đã tăng cao, khoản lời kiếm được lớn hơn nhiều so với tiền đặt cọc (20% giá khởi điểm), nên hủy kèo vẫn lợi.
Hệ lụy đối với địa phương thì ai cũng đã thấy; tội nghiệp nhất là người dân có nhu cầu thật sự về nhà ở. Họ vốn đã "không có cửa" trong các cuộc đấu giá rồi, còn sau đấu giá thì giá đất vùn vụt tăng, càng xa tầm tay của họ. Chỉ có giới đầu cơ nhờ kích giá thị trường nên kiếm bộn.
Các nhà quản lý, giới chuyên gia đã kiến giải hàng loạt biện pháp để ngăn chặn tình trạng "bỏ cọc chạy lấy người", như kiểm soát kỹ về tài chính, tín dụng, đồng thời thúc đẩy tăng nguồn cung nhà ở xã hội và quản lý chặt việc phát hành trái phiếu của DN đầu tư kinh doanh bất động sản. Hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất bổ sung loạt quy định vào dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
Dù có chặt chẽ đến mấy thì tất cả chỉ là biện pháp hành chính. Dư luận vẫn mong một khi chứng minh được âm mưu thao túng, lũng đoạn thị trường thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự mới mong chặt đứt những "bàn tay nhám" trong đấu giá đất.
Bình luận (0)