Đấu giá tài sản công là việc không có gì phải băn khoăn. Bởi lẽ, nếu đấu giá tử tế thì ngân sách thu được lợi ích cao nhất từ tài sản công. Chính quyền thông qua việc đấu giá công khai tài sản công cũng chứng minh được sự minh bạch, niềm tin của người dân vào chính quyền cũng sẽ nhân lên. Thế thì lợi cả đôi đường.
Lợi ích thế nhưng lâu nay vì sao nhà công, đất công không chỉ ở TP HCM mà là cả nước rất hiếm khi được công khai đấu giá? Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đúng là mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018 nhưng trước đó, Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (hiệu lực từ ngày 1-1-2009) rồi cả hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật cũng đã thừa đủ để điều chỉnh. Cho nên, không công khai đấu giá là không bình thường. Và trong nhiều trường hợp, dân chúng và công chức nghèo thấy khó để với tay tới nhà công, đất công nhưng những thứ ấy dễ dàng trở thành đặc quyền, đặc lợi cho người có chức quyền hoặc lợi ích nhóm. Chuyện Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") thâu tóm tài sản công ở Đà Nẵng chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm về nhà đất công.
Dân chúng cũng đã quen với việc gọi tên những phố "trần dư" (trừ dân), những khu nhà quan ở các đô thị mới lập sau cơn sốt chia tách tỉnh, huyện vì đất đai ở những khu phố ấy rơi vào tay quan chức, dân dù có tiền cũng không thể vào đấy. Rồi rất nhiều người chỉ sau một quyết định hóa giá nhà công đã bỗng chốc vớ được khoản chênh lệch mà đồng lương cả đời cán bộ, công chức khó kiếm được.
Chuyện ông Trần Văn Truyền - nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ - là một ví dụ. Ông này không có đơn đề nghị, không có xác nhận của cơ quan nơi công tác nhưng vẫn được cấp thửa đất hàng trăm mét vuông ở TP Bến Tre. Có nhà, có đất rồi nên đất ấy ông Truyền cho người khác thuê mở quán. Tiếp nữa, một căn nhà mặt tiền ở TP Bến Tre, một căn mặt tiền khác ở TP HCM cũng được bán cho ông Truyền theo chính sách ưu đãi của Nghị định 61/CP và ông này lại cho người khác thuê để bán hàng. Khi ra Hà Nội công tác, ông này còn được thuê một nhà công vụ nhưng nghỉ hưu mãi 3 năm, khi dư luận đặt vấn đề mới chịu trả. May mà những sự ưu đãi cho ông Truyền rốt cuộc đã bị phanh phui.
Bao nhiêu cán bộ được ưu đãi như ông Truyền? Bao nhiêu đơn vị, ngành được trao tài sản công và sử dụng nó sai mục đích, thậm chí như một thứ đặc quyền, đặc lợi? Dân chúng khó trả lời được (?).
Nay thì TP HCM khơi mào và quyết làm minh bạch trong đấu giá đất công. Hy vọng các địa phương khác cũng sẽ làm và việc cần làm ngay là soát xét lại những hồ sơ chuyển nhượng, mua bán đất công, nhà công để chí ít là thu hồi phần nào tài sản công đã được ưu đãi vô lý cho các đối tượng; cũng nhân đấy mà xử lý nghiêm những kẻ dâng đất công, nhà công cho các cá nhân và nhóm lợi ích.
Bình luận (0)