Ở phường Ninh Thủy có tứ đại làng biển nổi tiếng lâu đời là Ngân, Bá, Thủy, Mỹ (tức Ngân Hà, Bá Hà, Thủy Đầm, Mỹ Lương). Mấy chục năm trước, khi tàu thuyền còn đơn sơ, tứ đại làng biển đã nổi danh khắp vùng với những ngư phủ chuyên săn "hung thần" đại dương là cá mập. Đến nay, ngư dân Thủy Đầm vẫn còn bám trụ được với nghề với nhiều tàu công suất lớn có thể đi hằng tháng trời trên biển.
12 tuổi theo cha câu "hung thần"
Đường về Thủy Đầm rộng thênh thang với những căn nhà biệt thự ngói đỏ tươi. Hiếm có vùng quê biển nào mà người dân sung túc, đường có tên, nhà có số như vậy. Cách miếu thờ Lăng Ông Nam Hải – Đình Thủy Đầm không xa là nhà của ngư phủ Phan Quang (SN 1965) - một tay câu cá mập thiện nghệ với kinh nghiệm trên 40 năm.
Ngư dân Phan Quang với bộ vi cá mập và tủ đồ kỷ niệm những chuyến biển ở Hoàng Sa - Trường Sa
Ông Quang cho biết từ năm 12 tuổi, khi đang học lớp 6, ông đã theo cha đi biển câu cá mập. Ông cũng không nhớ rõ nghề này xuất phát từ đâu, chỉ nhớ từ thời ông nội, đến đời cha rồi đến đời ông Quang, đời con ông Quang sống bằng nghề này. "Hồi xưa đi tàu gỗ nhỏ câu gần bờ cực khổ lắm, bắt được con nào là vòng về bờ bán con đấy. Đến đời tôi, sắm tàu bự ra tận Hoàng Sa, Trường Sa câu cá mập. Đến nay, tôi sắm được cả tàu composite để sống với nghề này. Nhờ vậy đi được cả tháng trời"- ông Quang khoe về chiếc tàu 400CV của mình.
Kể về bí quyết câu cá mập của mình, ông Quang cho biết không phải ai muốn câu cá mập đều câu được. Cá mập thường đi thành đàn lớn tập trung ở Hoàng Sa, Trường Sa và thường di cư theo dòng nước. Do vậy, chỉ những người sành về biển mới biết được vùng nào có cá mập, vùng nào không, mới đánh bắt hiệu quả. Máy tầm ngư hầu như không tác dụng với cá mập.
Mỗi lần đến ngư trường tàu sẽ bung dù, thợ lặn sẽ đi bắt mồi sống là cá, mực. Chuyến săn "hung thần" bắt đầu từ 2 giờ chiều, các ngư phủ sẽ móc mồi sống, rải dàn câu dài khoảng 30 hải lý (khoảng 54 km). Mỗi bó lưỡi câu nặng khoảng 100 kg, dàn câu thường nặng đến vài tấn. Đến 4 giờ sáng hôm sau thì bắt đầu thu câu. Cá dính câu được dùng tời kéo lên boong, cắt ngay các vây (vi) cá để bảo quản riêng, còn thân cá thì cho xuống hầm tàu muối đá.
Những "hung thần" của đại dương cũng phải khuất phục trước ngư phủ - Ảnh: T.Thành
Kể về những khó khăn với nghề, ngư dân Phan Văn Kim, cũng là tay câu cự phách ở Thủy Đầm. Ông cho biết các ngư dân Thủy Đầm được mệnh danh là "cọp biển" vì thường câu được những con cá mập rất lớn. "Có nhiều lần câu được con cá nặng 500-600kg phải rất vất vả mới đưa được lên tàu. Những con cá mập trắng, miệng rộng ngoác, hàm răng sắc lạnh, do vậy khi đưa lên tàu phải hạ gục ngay, nếu không muốn bị cắn. Bản thân tôi một lần sơ sẩy cũng bị cắn vào tay, vết thương rất sâu, máu ra nhiều"- ông Kim chia sẻ.
Bám nghề, đầu tư hàng chục tỉ đồng
Hiện nay, vi cá mập khơi (cá cỡ lớn) có giá khoảng 1,7 triệu đồng/kg tươi, một cá mập 400 kg cho ra khoảng 15 kg vi. Cá mập chuối, mập đầu búa, mập mèo, mập bay… có giá từ 500.000 – 800.000 đồng/kg. Còn thịt cá mập thì từ 30.000 – 38.000 đồng/kg. Mỗi tàu thường có 7-10 thuyền viên, chuyến biển kéo dài khoảng 1 tháng với phí tổn khoảng 250 triệu đồng. Mỗi chuyến thường thu về 5-6 tấn bán được 500-600 triệu đồng.
Theo chị Phan Thị Thu, một người chuyên thu mua cá mập ở Ninh Thủy, thị trường cá mập thường được các công ty ở TP HCM, Nha Trang thu mua sau đó bán cho Trung Quốc, Nhật Bản. Cá mập lớn thì cước (gân vi cá) nhiều, giá được cao. Khi có thuyền về, sẽ có xe đông lạnh cập vào tận nơi để thu mua.
Thu mua cá mập ở cảng Hòn Khói, thị xã Ninh Hòa - Ảnh: T.Thành
Chia sẻ về những chuyến biển "trúng cá", ngư dân Phan Quang cho biết có lần tàu đi về đạt kỷ lục 20 tấn cá thu hơn 1 tỉ đồng. Đặc biệt, chuyến biển lại trúng vào cuối năm khiến Tết năm đó ngư dân vô cùng sung sướng. "Còn gì vui bằng khi đón Tết mà "bạn" nào cũng cầm trong tay mấy chục triệu đồng. Có thể nói là vui hơn Tết"- ông Quang cười khoái chí.
Điều lạ là dù câu cá mập nhưng các ngư dân ở đây đều chia sẻ là chưa từng ăn thịt cá mập. Vi cá thì chỉ dám ăn khi... không đủ tiêu chuẩn để thu mua. Ngay cả những lão ngư già trên 70 tuổi cũng chưa từng ăn thịt cá mập.
Lý giải về điều này, Quang chia sẻ: Săn cá mập khổ nhất là gặp những ngày gió bão mà biển càng động thì cá mập lại thích ăn mồi. Nhiều lần ham cá mà tàu phải chạy bão suýt mất mạng. Có lần tàu phải chạy cắt mặt bão, biển động dữ dội may vào được đảo ở Trường Sa trú tránh.
Bên cạnh đó, ngư dân cũng đối mặt nhiều tai nạn khác như: rơi xuống biển mất mạng như trường hợp anh Nguyễn Văn Tài (SN 1993), bị dây câu cuốn đứt lìa tay. Không chỉ vậy, có những lần khi đang câu ở Hoàng Sa bị tàu lạ tấn công, rượt đuổi, cướp bóc… Bản thân ông Quang cũng là nạn nhân khi bị cướp mất số tài sản khoảng 200 triệu đồng.
"Cá câu lên được đổi bằng máu, thậm chí cả tính mạng. Không có gì là dễ dàng có được. Chính vì vậy ai cũng quý trọng sản phẩm mà mình kiếm được"- ông Quang cho biết.
Nghề câu cá mập phải đổi bằng máu, thậm chí cả tính mạng - Ảnh: T.Thành
Tuy khó khăn là vậy, nhưng ông Trương Quốc Bảo, một ngư phủ nổi tiếng nhất ở Thủy Đầm, vẫn đầu tư đội tàu hùng hậu trên 20 tỉ đồng. Ông Bảo mạnh dạn vay vốn đầu tư chiếc tàu composite công suất trị giá 10 tỉ đồng, ngoài ra còn 2 tàu gỗ khác có công suất 930CV giá 6 tỉ đồng và 1 tàu công suất 829CV giá 4 tỉ đồng. Hỏi về lý do đầu tư tàu lớn như vậy, ông Bảo cho biết đầu tiên xuất phát từ nghề truyền thống của Thủy Đầm. Phải đi xa thì mới có cá, kinh tế mới vững. Thứ 2 là phải bảo vệ ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Ông Bảo hiện là Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Ninh Thủy. Chính vì vậy, việc bảo vệ đoàn viên trên biển rất quan trọng. "Tàu Ninh Thủy thường đi theo tổ đội 4-5 chiếc một tốp để hỗ trợ, đùm bọc nhau trên biển và cũng để góp phần giữ biển, giữ ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam"- ông Bảo nói.
Bình luận (0)