Theo Bộ Y tế, tổng giá trị gói thầu tham gia đấu thầu tập trung cấp quốc gia là 2.746 tỉ đồng, giá trúng thầu còn 2.269 tỉ đồng. Sau cuộc đấu thầu trên ít ngày, BHXH Việt Nam cũng công bố kết quả đấu thầu tập trung cung cấp thuốc năm 2018 cho các cơ sở y tế với 21 loại thuốc kháng sinh thuộc 5 hoạt chất. Qua đấu thầu và thương thảo, giá thuốc giảm hơn 21,1%, tương đương hơn 251 tỉ đồng so với năm 2017. Điều này cũng đồng nghĩa người bệnh được điều trị theo diện BHYT sẽ tiết kiệm được khoản tiền rất lớn, trong hoàn cảnh đa số họ còn khó khăn.
Việc đấu thầu thuốc đã tổ chức từ lâu nhưng lại được giao về cho các địa phương và bệnh viện. Để có một cuộc điều tra cặn kẽ về sự minh bạch giá thuốc đấu thầu theo cách trên thật sự quá khó. Đấu thầu và giá thuốc là một mê hồn trận chỉ những nhà chuyên môn sâu, rành rẽ về thị trường thuốc quốc tế mới lần mò điều tra được đâu là giá thực của các loại thuốc khi qua tay nhà thầu.
Minh chứng cho câu chuyện này vẫn còn nóng hổi chính là vụ án VN Pharma nhập và bán thuốc điều trị ung thư dỏm gây bức xúc dư luận vừa qua. Cả một hệ thống kiểm soát của Bộ Y tế, nhiều cơ quan chức năng tham gia thẩm định hồ sơ nhưng những loại thuốc chết người kia vẫn được duyệt, suýt đến tay người bệnh.
Có rất nhiều sự phi lý đến khó tin trong đấu thầu thuốc vào bệnh viện nhưng không được thay đổi để mang lại điều kiện tốt nhất cho người bệnh. Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, dẫn chứng: "Cùng một loại dụng cụ nông mạch vành (stent) nhưng giá trúng thầu cung ứng vào một bệnh viện tại Thanh Hóa lên đến hơn 100 triệu đồng, trong khi giá trúng thầu trung bình cả nước là 58 triệu đồng. Các sản phẩm này hiện đang nằm trong "dải giá" từ 16 triệu đồng/stent đến 30 triệu đồng, thậm chí lên đến 200 triệu đồng/stent".
Lần tìm những bất hợp lý này không khó. Vấn đề ai muốn và có thẩm quyền để truy ra sự thật.
Thuốc là mặt hàng đặc biệt. Khi được đưa vào bệnh viện với giá nào thì người bệnh phải sử dụng với giá đó. Họ không thể mặc cả và cũng không hề có sự chọn lựa. Bởi vậy, nhà thầu càng nhiều lợi nhuận thì người bệnh càng khốn khổ. Mà lợi nhuận của nhà thầu nào phải lúc nào cũng đường đường chính chính. Sự chênh giá quá lớn giữa cùng loại thuốc, cùng loại điều trị cũng đã nói lên tất cả sự mờ ám của các đường dây đưa thuốc vào bệnh cho dù là bằng cách tưởng chừng minh bạch nhất.
Bộ Y tế đã quyết đấu thầu tập trung thuốc ngõ hầu cũng muốn kiểm soát được sự bất hợp lý của giá thuốc hiện nay. Bên cạnh đó người dân cũng hy vọng họ không phải "cõng" những khoản lợi nhuận kếch xù của nhà thầu cùng những khoản chi không thể gọi tên cho những người liên quan. Cơ quan BHXH cũng thế, đang tìm cách tiết kiệm từng đồng cho người bệnh từ những khoản chênh lệch không thể hiểu nổi từ nhiều nhà cung cấp thuốc trong thời gian qua.
Bình luận (0)