Ngày 22-7, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 79/NQ-CP về mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng chống dịch Covid-19.
Được chỉ định thầu
Nghị quyết nêu rõ, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, trực tiếp đe dọa sức khỏe, tính mạng nhân dân. Để đáp ứng yêu cầu cấp bách, Chính phủ quyết nghị thực hiện một số nội dung về mua sắm phục vụ phòng chống dịch Covid-19, như sau: Về cơ chế, hình thức thực hiện mua sắm, việc triển khai ngay gói thầu để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của cộng đồng dân cư; và mua thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện để phòng chống dịch Covid-19 là trường hợp cấp bách được chỉ định thầu theo quy định tại điểm a, khoản 1 điều 22 Luật Đấu thầu.
Chính phủ đồng ý để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại điều 26, Luật Đấu thầu đối với một số thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng chống dịch mua trực tiếp của nhà sản xuất, cung ứng ở nước ngoài, mua qua các đơn vị mua sắm của Liên Hiệp Quốc và một số mặt hàng đặc thù sản xuất trong nước trên cơ sở đề nghị của Bộ Y tế, UBND tỉnh, thành trực thuộc trung ương và ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong trường hợp đấu thầu rộng rãi qua mạng để mua hàng hóa phục vụ việc phòng chống dịch, thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu tối thiểu là 10 ngày.
Điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 nặng tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (TP Thủ Đức, TP HCM Ảnh: HẢI YẾN
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị tiếp tục chủ động mua sắm phục vụ phòng chống dịch theo phương châm "bốn tại chỗ"; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng chống dịch. Bộ Y tế căn cứ phương án ứng phó theo từng cấp độ dịch bệnh, xác định số lượng, chủng loại một số thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện cần mua ngay tại trung ương để phòng chống dịch tại một số vùng, khu vực bị ảnh hưởng nặng của dịch và hỗ trợ một số địa phương, đơn vị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế chỉ đạo tổ chức mua sắm hàng hóa được giao thực hiện, phân bổ và quản lý sử dụng hàng hóa đúng mục đích, hiệu quả, đáp ứng kịp thời công tác phòng chống dịch; xây dựng và ban hành các thông tư theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại điều 148 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn việc cấp phép nhanh đối với trang thiết bị y tế và việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh liên quan đến dịch Covid-19.
Không nên tự ý mua máy thở, bình ôxy
Những ngày qua, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến căng thẳng, đặc biệt tại các tỉnh miền Nam. Không chỉ máy thở, bình ôxy cũng là lựa chọn của nhiều gia đình khi lên kế hoạch tích trữ, nhằm đối phó với dịch Covid-19.
Trước lo lắng của người dân, Bộ Y tế khẳng định nguồn sản xuất, cung cấp thiết bị y tế, nhất là ôxy y tế đủ để đáp ứng nhu cầu trong cả nước. Bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), nhấn mạnh Bộ Y tế và TP HCM cam kết không thiếu máy thở, khí ôxy cho người bệnh, do đó người dân hoàn toàn có thể an tâm, không nên tự ý mua, tích trữ.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết bộ này đã khảo sát và đánh giá năng lực sản xuất ôxy y tế tại nước ta. Kết quả cho thấy khả năng cung ứng từ các đơn vị sản xuất trong nước cao gấp 30 lần so với nhu cầu hiện nay tại các bệnh viện. Do đó, nguồn cung cấp khí ôxy cho cả nước nói chung hay tại TP HCM nói riêng đều không thiếu.
Vừa qua, Bộ Y tế cũng đã thành lập kho dã chiến phía Nam nhằm huy động nguồn lực trang thiết bị y tế và điều chuyển trang thiết bị y tế từ các nơi chưa có nhu cầu. Từ kho dã chiến đã chuyển đến các bệnh viện 30 máy thở chức năng cao, 100 máy bơm điện, thiết bị monitor… Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (TP HCM) cũng được kho phân bổ 1 hệ thống tim phổi nhân tạo (ECMO), 7 máy lọc thận, 10 máy thở chức năng cao không sử dụng khí nén. Riêng về nhu cầu máy thở, đến thời điểm này, kho dã chiến đã tiếp nhận 2.000 máy thở do Bộ Y tế chuyển vào và sẽ tiếp tục chuyển thêm 200 máy thở trong thời gian tới.
Với việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 79/NQ-CP , Bộ Y tế khuyến cáo các địa phương quán triệt thực hiện hiệu quả nguyên tắc "4 tại chỗ", chuẩn bị sẵn sàng nguồn cung ứng, tiếp nhận sử dụng trang thiết bị, vật tư y tế; trong đó đặc biệt không để các bệnh viện thiếu máy thở, ôxy y tế phục vụ điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 nặng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị các bệnh viện khám - chữa bệnh Covid-19, trong cả nước cần khẩn trương rà soát, sẵn sàng các phương án, điều kiện bảo đảm cung ứng, tiếp nhận sử dụng máy thở, bình ôxy tại đơn vị. Yêu cầu này đặc biệt nhấn mạnh với các bệnh viện khu vực TP HCM, các tỉnh phía Nam và các tỉnh đang có dịch bùng phát, thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc mua sắm
Tại Nghị quyết số 79/NQ-CP, Chính phủ giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Y tế xây dựng thông tư theo trình tự, thủ tục rút gọn về thanh toán chi phí khám, chữa bệnh liên quan đến dịch Covid-19. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn kịp thời và phối hợp với các bộ, ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện mua sắm phục vụ phòng chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết này của các bộ, cơ quan trung ương, đơn vị, địa phương bảo đảm theo đúng quy định pháp luật.
UBND tỉnh, thành căn cứ phương án ứng phó theo từng cấp độ dịch bệnh để xác định số lượng, chủng loại cần mua thuộc phạm vi quản lý; khẩn trương tổ chức thực hiện mua sắm đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phòng chống dịch đúng quy định.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-7
Bình luận (0)