Không chỉ TP HCM, tại 18 tỉnh, thành phía Nam đang áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, cũng đang có nguy cơ thiếu trang thiết bị, vật phẩm phục vụ công tác điều trị, phòng chống dịch Covid-19.
Nơi nào cũng than thiếu
UBND tỉnh Đồng Nai vừa có công văn kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ máy thở các loại và các trang thiết bị y tế để tỉnh điều trị cho người bệnh Covid-19 mức độ nặng tại các đơn vị hồi sức tích cực.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, với diễn biến dịch bệnh phức tạp, có nguy cơ cao về việc tỉnh không đáp ứng nổi trang thiết bị phục vụ điều trị, đặc biệt là máy thở để phục vụ cấp cứu, hồi sức tích cực. Hiện số lượng máy thở của tỉnh đang rất thiếu, chưa đầy 60 máy tại tất cả các bệnh viện trên địa bàn.
TP Cần Thơ đang gặp khó khăn do thiếu hụt trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch .Ảnh: LÊ KHÁNH
Đến nay, tỉnh Đồng Nai đã thiết lập 3 đơn vị hồi sức tích cực, với 140 giường bệnh để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng. Sắp tới tỉnh còn đưa vào hoạt động thêm một đơn vị hồi sức tích cực với quy mô 200-300 giường bệnh. Vì vậy, theo Sở Y tế, việc huy động trang thiết bị y tế là vô cùng cấp thiết.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Vĩnh Long ghi nhận hơn 400 ca mắc Covid-19. Theo bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, nhu cầu sử dụng test nhanh chẩn đoán SARS-CoV-2, test khẳng định virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Real-time PCR, vật tư tiêu hao, trang phục phòng hộ…, tăng rất cao. Trong khi đó, số lượng máy thở của toàn tỉnh chỉ có 80, trong tình huống 2.000 ca bệnh và bệnh nặng nguy kịch nhiều thì chưa đủ để đáp ứng cho 220 giường hồi sức cấp cứu (ICU).
Ông Lâm Hoàng Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ (CDC Cần Thơ), cũng nêu thực trạng thiếu trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác điều trị, phòng chống dịch. "Ngay cả cồn sát khuẩn tay cũng thiếu trầm trọng, một số đơn vị có ủng hộ nhưng vẫn không đủ. Nếu dịch bùng phát lớn, nhu cầu vật tư y tế tăng theo cấp số nhân, lúc đó sẽ không trở tay kịp" - ông Dũng lo lắng.
Cũng theo ông Dũng, các tỉnh xung quanh Cần Thơ đều có dịch nên việc mua sắm máy móc, vật tư y tế rất khó khăn. Thậm chí dù Cần Thơ đã có hướng cấp kinh phí mua vật tư y tế nhưng các đơn vị cung ứng cũng chỉ bán nhỏ giọt do không có hàng.
Chủ động hơn là trông chờ
Những nguyên nhân khách quan từ tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến các địa phương lo ngại thiếu hụt nghiêm trọng trang thiết bị, vật tư y tế trong thời gian tới. Một phần nguyên nhân còn do sự thiếu chủ động, thiếu linh hoạt trong cơ chế huy động các nguồn lực xã hội.
Đó là lý do mà Bộ Y tế khuyến nghị các địa phương chủ động giải quyết trang thiết bị chứ không trong chờ hỗ trợ từ trung ương. Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu các địa phương thực hiện phương châm "4 tại chỗ", trong đó có "cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, phòng hộ tại chỗ". Tại Nghị quyết số 78/NQ-CP về phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng chống dịch Covid-19 vừa ban hành, Chính phủ cũng đã quán triệt chuẩn bị kỹ các phương án ứng phó theo từng cấp độ dịch bệnh có thể xảy ra; tuyệt đối không để thiếu trang thiết bị y tế, nhất là ôxy, máy thở.
Thực tế cho thấy thời gian qua một số địa phương đã có nhiều chủ động để "tự cứu mình" theo phương châm "4 tại chỗ". Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau, cho biết toàn tỉnh có 240 giường bệnh và 20 giường ICU. Đến nay, lượng máy thở của tỉnh cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu, mỗi bệnh viện tuyến tỉnh có từ 40-50 máy thở. Riêng các bệnh viện tuyến huyện đều có đủ máy thở theo cơ số của Bộ Y tế. "Cà Mau đã lên phương án tại chỗ cho tình huống dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ngay cả trong tình huống xấu có thể xảy ra vẫn có phương án riêng để đáp ứng yêu cầu điều trị" - ông Dũng nhấn mạnh.
Còn theo ông Từ Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang, ngành y tế tỉnh đã chủ động trang bị hơn 40 máy thở và hơn 10 máy trợ thở ôxy dòng cao ngay từ đầu đợt dịch thứ 4. Đối với đồ bảo hộ, trước đây Sở Y tế mua hơn 50.000 bộ và đang tiếp tục mua thêm khoảng 70.000 bộ; máy ép mô, lọc máu, hệ thống máy đo nhiệt độ bằng tia hồng ngoại cũng đã trang bị khá đầy đủ. "Ngay từ đầu đợt dịch, An Giang đã lên kế hoạch dự trù mua sắm để phục vụ. Do đó, trước mắt An Giang vẫn đang đáp ứng được nhu cầu theo phương án "4 tại chỗ" theo chỉ đạo của Chính phủ" - ông Tuấn khẳng định.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-7
Kỳ tới: Người dân hãy an tâm!
Huy động nguồn lực trong nhân dân
Theo TS-BS Lê Thanh Chiến, Giám đốc Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương, nhu cầu về trang thiết bị, vật tư... phục vụ điều trị ngày càng tăng cao trong bối cảnh dịch bệnh diễn tiến phức tạp là điều tất yếu, chắc chắn trong thời gian tới sẽ còn cần thêm nhiều để có thể đáp ứng việc điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nặng.
Trong lúc ngân sách có hạn, may mắn là có rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức đồng hành, hỗ trợ ngành y tế trong cuộc chiến phòng chống Covid-19. Vì vậy, từ kinh nghiệm của Bệnh viện Trưng Vương, rất cần một cơ chế hợp lý để các cơ sở điều trị có thể tự chủ việc huy động nguồn lực, giải quyết bài toán khó khăn về trang thiết bị, máy móc, vật tư phục vụ điều trị. "Chúng tôi tổ chức tiếp nhận vật tư, trang thiết, bị, hàng hóa, kinh phí... theo quy định tiếp nhận hàng hóa viện trợ; có kế hoạch cụ thể về việc quản lý, sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả, đồng thời tổng hợp và báo cáo các cấp có thẩm quyền theo quy định" - TS-BS Lê Thanh Chiến chia sẻ thêm kinh nghiệm.
A.Thư
Bình luận (0)