Chỉ trong một tuần đầu năm 2019 đã xảy ra hàng loạt vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng trên cả nước khiến nhiều người chết và bị thương. Một trong những nguyên nhân hàng đầu là do ý thức tham gia giao thông cũng như tình trạng tài xế sử dụng rượu, bia, chất kích thích.
Người lái ôtô gây tai nạn tăng cao
Chiều 7-1, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, cho biết năm 2018, cả nước xảy ra 18.736 vụ TNGT, làm chết 8.248 người, bị thương 14.802 người. So với cùng kỳ năm 2017, số vụ TNGT giảm 1.348 vụ (6,71%), số người chết giảm 33 người và số người bị thương giảm 2.238 người.
Phân tích từ gần 7.000 vụ TNGT đường bộ cho thấy nguyên nhân hàng đầu là người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường (25,42%); 7,73% vi phạm tốc độ; 10,37% do chuyển hướng không chú ý; 7,7% vi phạm quy trình thao tác lái xe và 3,36% do sử dụng rượu, bia.
Hiện trường vụ tai nạn trên Quốc lộ 22 (huyện Củ Chi, TP HCM) hôm 6-1 khi xe ben tông 2 xe máy qua đường làm 1 người chết, 2 người bị thương Ảnh: GIA MINH
Ông Hùng cho biết theo báo cáo từ Bộ Công an, tỉ lệ TNGT đường bộ do người lái ôtô gây ra là 33,5% (tăng cao so với bình quân năm 2017 là 24,3%), người lái môtô, xe máy gây ra 60,25%, phương tiện khác 6,25%.
"Để kéo giảm tối đa những con số lạnh người trên, việc trước tiên mà mỗi người cần làm đó là nâng cao ý thức trách nhiệm chấp hành luật giao thông và xây dựng văn hóa an toàn trong tham gia giao thông" - ông Khuất Việt Hùng kêu gọi.
Tăng cường kiểm định xe cơ giới
Ngày 7-1, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Trần Kỳ Hình đã ký văn bản yêu cầu các đơn vị đăng kiểm tiếp tục tăng cường chất lượng kiểm định an toàn kỹ thuật xe cơ giới đang lưu hành để góp phần bảo đảm trật tự ATGT trong dịp Tết nguyên đán.
Cục yêu cầu các trung tâm đăng kiểm chú trọng kiểm định các điều kiện phòng chống cháy nổ đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm dễ cháy nổ, xe chở khách, xe bồn chở bê-tông, xe đầu kéo. "Kiên quyết không cấp hồ sơ đăng kiểm khi phương tiện không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, trang bị an toàn và phòng chống cháy nổ" - Cục Đăng kiểm yêu cầu.
Bên cạnh đó, Cục Đăng kiểm cũng yêu cầu các trung tâm đăng kiểm tăng cường phối hợp với lực lượng thanh tra giao thông, CSGT kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đột xuất giữa 2 kỳ kiểm định đối với các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xử lý các trường hợp tự thay đổi kết cấu, hình dáng, kích thước, đèn chiếu sáng của phương tiện; xử lý nghiêm xe hết niên hạn sử dụng, hết hạn kiểm định, không bảo đảm an toàn kỹ thuật nhưng vẫn tham gia giao thông.
Là địa phương có lưu lượng phương tiện lớn, TP HCM cũng đã lên phương án bảo đảm ATGT trong dịp trước, trong và sau Tết nguyên đán 2019. Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP HCM, cho biết gần Tết, nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách tăng cao nên sức khỏe của tài xế là vấn đề phải được đặc biệt quan tâm, tránh tình trạng phải làm việc liên tục. Sau vụ xe tải tông hàng loạt xe máy dừng đèn đỏ ở Long An, ông Tường cho biết Ban ATGT sẽ phối hợp với Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM và Sở Giao thông Vận tải mở nhiều đợt kiểm tra tài xế, hạn chế tình trạng sử dụng chất kích thích như rượu, bia, ma túy... "Vấn đề này sẽ được thực hiện song song giữa tuyên truyền và cưỡng chế. Một trong những giải pháp chính là tăng cường xử lý nồng độ cồn, kiểm soát qua camera và các biện pháp phạt nguội. Ngoài ra, với các xe chở khách, hành khách trên xe phải được thắt dây an toàn nên TP sẽ tăng cường kiểm tra vấn đề này, từ lúc xe xuất bến cũng như khi lưu thông trên đường" - ông Tường cho biết thêm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Ban An toàn Giao thông TP Đà Nẵng, cho biết ban đã tham mưu cho UBND TP Đà Nẵng ban hành kế hoạch bảo đảm an toàn giao thông cho người dân trong dịp Tết. Trong đó, đặc biệt lưu ý việc tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các tài xế xe tải, xe container sử dụng rượu, bia, ma túy.
Xây dựng văn hóa giao thông
Tại lễ ra quân năm ATGT 2019 vào sáng 4-1 với chủ đề "ATGT cho hành khách và người đi môtô, xe máy", Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, yêu cầu các bộ, ngành, đoàn thể và UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương thực hiện 9 nhóm giải pháp cụ thể. Trong đó, tiếp tục xây dựng văn hóa giao thông cho toàn xã hội với việc đẩy mạnh hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, trật tự đô thị; kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện với môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh 2 trọng tâm cần tăng cường tuyên truyền, vận động gắn với xử lý nghiêm hành vi vi phạm là vi phạm nồng độ cồn khi lái xe và không đội mũ bảo hiểm đi môtô, xe máy, xe đạp điện. "Đây là 2 nguyên nhân chủ yếu gây TNGT và làm tăng tỉ lệ thương vong trong các dịp cao điểm, lễ, Tết. Đề nghị không vì ngày Tết mà nể nang, xuê xoa; cần dừng xe, kiểm tra, xử phạt để ngăn không cho tai nạn xảy ra dẫn đến thương vong. Đó chính là món quà Tết có ý nghĩa nhất đối với người dân" - Phó Thủ tướng lưu ý.
Bình luận (0)