Nơi đây còn nổi tiếng với các di sản thế giới, có nhiều cộng đồng dân cư khác nhau sinh sống, hình thành nhiều tài nguyên du lịch nhân văn đa dạng và độc đáo, tập trung nhiều khu nghỉ dưỡng quy mô lớn...
Bắc Trung Bộ là một trong các vùng du lịch đã được xác định tại quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Do đó, để đẩy mạnh chương trình liên kết du lịch với các khu vực, trong đó có liên kết giữa TP HCM với các địa phương vùng Bắc Trung Bộ mở rộng, cần tập trung vào liên kết xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch, khai thác nguồn khách đến.
Diễn đàn Liên kết phát triển du lịch giữa TP HCM, Hà Nội và vùng Bắc Trung Bộ mở rộng năm 2022 được coi là một trong những cơ hội và giải pháp trọng yếu nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế du lịch, vị trí chiến lược của các địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối du lịch, tạo nên chuỗi sản phẩm liên kết giữa TP HCM và vùng Bắc Trung Bộ mở rộng để góp phần kích cầu du lịch nội địa, hỗ trợ ngành du lịch phục hồi, phát triển sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Hiện nay, các hoạt động liên kết chủ yếu dựa vào cơ chế hội nghị trên cơ sở tự nguyện, thiếu tính pháp lý ràng buộc. Do đó, cần hoàn thiện chính sách và các văn bản pháp lý nhằm triển khai liên kết vùng tốt hơn trên cơ sở có cơ chế theo dõi, giám sát, điều phối thực hiện. Ngoài ra, cần có cơ chế tài chính huy động các nguồn lực cho hoạt động xúc tiến du lịch chung. Cùng với đó, cần thành lập một tổ chức chịu trách nhiệm để điều phối hoạt động chính quyền cấp vùng, giao thẩm quyền cho cơ quan này nhằm bảo đảm cơ chế phối hợp chặt chẽ, liên tục, hiệu lực thi hành cao.
Trên cơ sở phát triển sản phẩm đặc trưng địa phương, cần đẩy mạnh liên kết các tỉnh trong vùng để tạo thành cụm sản phẩm mạnh, từ đó hình thành điểm đến liên vùng. Trong đó, xây dựng sản phẩm chuyên đề như du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch biển; liên kết các ngành đường sắt, hàng không, nông nghiệp, thủy sản... nhằm tạo ra các gói sản phẩm chung hấp dẫn.
Một trong những vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay là chính sách thúc đẩy đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng kết nối các khu, điểm du lịch của vùng, gồm: hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không; hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch có chất lượng cao, đồng bộ như cơ sở lưu trú, vui chơi giải trí - thể thao; phương tiện vận chuyển; các cơ sở dịch vụ du lịch khác...
Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh chính sách về liên kết quảng bá tiếp thị; bố trí kinh phí cho hoạt động du lịch bằng ngân sách và nguồn xã hội hóa; xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch vùng; xây dựng trang web du lịch chung của vùng; đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch một cách thống nhất, đồng bộ.
Bình luận (0)