Việt Nam đã trải qua làn sóng dịch thứ 4 đợt dịch Covid-19 lớn. Đợt dịch lần thứ 4 này có những biến đổi khác đòi hỏi Việt Nam có sự thay đổi uyển chuyển trong cách ứng phó và đến thời điểm này có thể khẳng định chúng ta đã đi đúng hướng.
Chủ động tấn công Covid-19
Tại cuộc họp trực tuyến sáng 12-5 với TP Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang sau khi các địa phương này ghi nhận một số ca nhiễm trong khu công nghiệp (KCN), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, đánh giá Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang đã rất sáng tạo trong việc sử dụng kết hợp xét nghiệm PCR với các công nghệ xét nghiệm mới, xét nghiệm nhanh để bảo đảm xét nghiệm theo kịp tốc độ lấy mẫu trong thời gian ngắn nhất. Từ cách làm của TP Đà Nẵng trong xét nghiệm mẫu gộp (đến 10 mẫu hoặc 20 mẫu tùy từng trường hợp), Phó Thủ tướng đề nghị địa phương này tổng kết thành hướng dẫn chia sẻ với các địa phương khác trong việc áp dụng xét nghiệm mẫu gộp với số lượng khác khau trong các tình huống khác nhau, vừa tiết kiệm chi phí vừa đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế đẩy nhanh việc cấp phép cho các công nghệ xét nghiệm mới nhanh hơn, rẻ hơn, sàng lọc được nhiều hơn; đồng thời thống kê nhu cầu mua, sử dụng xét nghiệm nhanh của các địa phương, có hướng dẫn cụ thể cho địa phương để sử dụng kết hợp các loại xét nghiệm trong các tình huống dịch bệnh khác nhau, ở những khu vực có nguy cơ khác nhau.
Nhân viên y tế Bệnh viện K trung ương cơ sở 3 chăm sóc bệnh nhân đang cách ly tại bệnh viện Ảnh: HÀ TRẦN
Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nếu như đợt dịch thứ nhất, cả nước đã thực hiện giãn cách xã hội thì trong các đợt sau và đợt dịch thứ 4, để thực hiện "mục tiêu kép", chúng ta phải cân nhắc giữa áp dụng cách ly, giãn cách xã hội, khoanh vùng dập dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề quan trọng hiện nay là phải phát hiện sớm nguồn lây nhiễm bằng cách đẩy mạnh xét nghiệm tầm soát, sàng lọc nguồn bệnh. Phải coi xét nghiệm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, khẩn trương thực hiện. Với sự điều chỉnh này, đến nay làn sóng thứ 4 đã tạm thời được kiểm soát. Hiện số ca mắc trong ngày dù vẫn cao nhưng 3 ngày qua (từ ngày 10 đến 12-5), các ca Covid-19 mới đều trong khu cách ly, khu phong tỏa, trong bệnh viện được cách ly nên không có khả năng lây lan ra cộng đồng mà không kiểm soát được.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh ngay từ khi xuất hiện dịch đến nay, Bộ Y tế luôn đặt trong tình trạng báo động rất cao. "Lần này, Bộ Y tế nâng cao hơn một mức, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện tiến hành xét nghiệm sàng lọc định kỳ đối với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế, tăng cường xét nghiệm tại một số khu vực có nguy cơ cao như khu hồi sức cấp cứu, khu chạy thận nhân tạo… Các bệnh viện chỉ cho bệnh nhân chuyển tuyến khi có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2" - ông Long nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng khuyến cáo các tỉnh, thành phố dù chưa có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng cũng phải nâng mức báo động lên một mức cao, coi như địa phương đó đã có dịch để triển khai tất cả biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Thần tốc truy vết, xét nghiệm
Để chủ động phòng chống dịch Covid-19, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các tỉnh, thành tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch, như truy vết thần tốc, cách ly, lấy mẫu đối với trường hợp liên quan đến các ổ dịch, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm mới.
Tại Hà Nội, tính từ 23 giờ 30 phút ngày 11-5 đến 18 giờ 30 phút ngày 12-5, phát hiện thêm 8 trường hợp mắc Covid-19. Trong đó, đáng chú ý có cặp vợ chồng ở Hà Nội đi du lịch ở Đà Nẵng nhưng khi về không khai báo y tế, đã di chuyển rất nhiều nơi. Ngay sau khi phát hiện 2 ca này, Bệnh viện Hữu Nghị đã phong tỏa Khoa Cấp cứu. TP Hà Nội cũng phong tỏa, cách ly các khu vực liên quan đến các ca dương tính mới phát hiện, đồng thời gấp rút truy vết, cách ly, xét nghiệm những trường hợp liên quan.
Còn theo Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, từ ngày 29-4 đến sáng 12-5, tỉnh Bắc Ninh ghi nhận 123 ca mắc Covid-19 tại 6/8 huyện, thị xã, thành phố. Liên quan đến các trường hợp dương tính với SAR-CoV-2 tại Công ty TNHH Canon Việt Nam, ngày 12-5, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định thiết lập vùng cách ly y tế để phòng chống dịch Covid-19 đối với một số địa bàn thuộc TP Bắc Ninh. Trong ngày, lực lượng chức năng đã thiết lập cách ly y tế vùng có dịch đối với toàn bộ khu ký túc xá của Công ty TNHH Canon Việt Nam và khu chung cư nhà ở xã hội Quế Võ Hillview, với 396 phòng, 1.300 nhân khẩu. Tỉnh cũng thiết lập cách ly y tế vùng có dịch đối với toàn bộ xóm Chùa, khu Thái Bảo, phường Nam Sơn, TP Bắc Ninh với 22 hộ, 300 nhân khẩu.
UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành văn bản về việc xét nghiệm diện rộng cho trường hợp F2 trên địa bàn huyện Thuận Thành và xét nghiệm lần 2 cho người dân tại ổ dịch xã Mão Điền của huyện này. Theo đó, tỉnh Bắc Ninh sẽ xét nghiệm cho trên 15.000 dân ở xã Mão Điền và trên 5.400 trường hợp F2 tại huyện Thuận Thành nhằm sớm phát hiện, có hướng ứng phó tốt nhất đối với tình hình dịch bệnh.
Tại tỉnh Bắc Giang, đến trưa 12-5 ghi nhận 79 ca mắc Covid-19, trong đó 75 ca liên quan đến ổ dịch tại Công ty TNHH Shin Young Việt Nam (KCN Vân Trung). Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, phải triển khai lấy mẫu xét nghiệm cho 100% lao động tại những doanh nghiệp có ca F0 và trường hợp F; doanh nghiệp có nguy cơ lây nhiễm trong KCN Vân Trung. Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết qua rà soát bước đầu, có khoảng 90.000 công nhân ở KCN Vân Trung có nguy cơ cao lây nhiễm sẽ được tổ chức lấy mẫu xét nghiệm.
Ngày 12-5, tại các tỉnh Lạng Sơn, Phú Thọ cũng liên tục ghi nhận thêm các trường hợp dương tính SARS-CoV-2. Các địa phương đang nỗ lực truy vết, cách ly, xét nghiệm các trường hợp liên quan.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày 12-5, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, yêu cầu các cấp ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng chống dịch. Tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ thực hiện xét nghiệm, tầm soát diện rộng để kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ghi nhận 4 trường hợp mắc Covid-19. Tổng số F1, F2, F3 toàn tỉnh được truy vết là 10.525 người, trong đó có 399 F1 và tất cả đều đã xét nghiệm âm tính từ 1 đến 2 lần.
Thêm 86 ca mắc Covid-19 mới
Ngày 12-5, Việt Nam ghi nhận 86 ca mắc Covid-19, trong đó có 4 ca nhập cảnh và 82 ca mắc trong nước. Trong ngày, TP Đà Nẵng là địa phương có số ca mắc cao nhất với 27 ca. Kế đến Bắc Giang 17 ca, Vĩnh Phúc 13 ca, Hà Nội 8 ca, Bắc Ninh 5 ca; ổ dịch Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 có 23 ca và một số ca bệnh nhận rải rác ở Hà Nội, Nam Định, Lạng Sơn, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam. Đến nay Việt Nam đã ghi nhận 3.622 ca mắc Covid-19, trong đó 2.150 ca ghi nhận trong nước và 1.443 ca nhập cảnh. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 70.693.
N.Dung
TP HCM tái lập các chốt phòng dịch Covid-19
75/80 người tiếp xúc bệnh nhân ở Đà Nẵng có kết quả âm tính
UBND TP HCM vừa có văn bản khẩn gửi thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND TP Thủ Đức và quận, huyện về tăng cường các công tác phòng chống dịch Covid-19.
Trước nguy cơ cao dịch bệnh xâm nhập TP, UBND TP HCM giao Công an TP chủ trì, phối hợp khẩn trương thiết lập các chốt kiểm soát phòng chống dịch trên các tuyến đường bộ, đường thủy, cửa ngõ vào TP từ 0 giờ ngày 15-5. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kiểm tra cư trú, kịp thời phát hiện trường hợp nhập cảnh trái phép, xử lý nghiêm người nhập cảnh trái phép và người tổ chức, tiếp tay cho các đổi tượng nhập cảnh trái phép.
UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ, các địa điểm tụ tập đông người, bảo đảm đúng chỉ đạo phòng chống dịch.
Sở Y tế có trách nhiệm chỉ đạo tất cả bệnh viện trên địa bàn TP HCM định kỳ xét nghiệm tầm soát cho nhân viên y tế và người bệnh, nâng mức kiểm soát, sàng lọc lên cao nhất, tuyệt đối không để xảy ra lây nhiễm trong bệnh viện. Chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo đảm năng lực ứng phó cho tình huống dịch lan rộng, triển khai thêm các khu cách ly tập trung, nâng tổng công suất toàn TP lên trên 10.000 giường. Ngoài ra, sẵn sàng triển khai ngay phương án tổ chức điều trị cho 50-100 người nhiễm Covid-19; dự trù sẵn kế hoạch bảo đảm điều trị cho 100-200 người bệnh và 200-500 người bệnh; có kế hoạch tiếp tục xây dựng thêm bệnh viện dã chiến với quy mô 5.000 giường để chuẩn bị cho tình huống có 30.000 ca bệnh.
l Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), đến ngày 12-5 đã truy vết được 82 người liên quan bệnh nhân 3298 (nam, 25 tuổi, ngụ quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Trong số 80 người tiếp xúc đã lấy mẫu xét nghiệm, kết quả 75 người âm tính với SARS-CoV-2; 5 trường hợp còn lại đợi kết quả.
Bệnh nhân 3298 từng lưu trú ở TP HCM từ ngày 30-4 đến 4-5. Bệnh nhân này đến TP HCM trên chuyến bay VN113 (ngày 30-4) và trở về Đà Nẵng trên chuyến bay VN136 (ngày 4-5). Trong thời gian ở tại TP HCM, bệnh nhân đi cùng 6 người bạn, làm việc tại một số đơn vị y tế. Tối 9-5, nam thanh niên có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Ngay lập tức, TP HCM truy vết và xét nghiệm khẩn các trường hợp tiếp xúc gần.
BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc HCDC, cho biết từ ngày 30-4, HCDC mở rộng lấy mẫu xét nghiệm giám sát ngẫu nhiên các khu vực nguy cơ như bệnh viện, khu du lịch, chợ, sân bay, cảng hàng hải, trung tâm thương mại, nhà hàng, quán ăn, dịch vụ vận chuyển, khu chế xuất. Kết quả 15.774 mẫu đều cho kết quả âm tính. 3.062 mẫu giám sát người đến từ các tỉnh, thành khác cũng cho kết quả tương tự.
Ph.Anh - N.Thạnh
Bình luận (0)