Sở Nội vụ TP HCM vừa trình chủ tịch UBND TP đề án về ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TP, Chủ tịch UBND TP cho các sở - ngành, thủ trưởng các sở - ngành, UBND quận - huyện, chủ tịch UBND quận - huyện.
Rút ngắn khâu trung gian
Mục tiêu của đề án là vừa tăng cường quyền hạn, trách nhiệm và tính tích cực, chủ động cho cơ sở; vừa tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn. Đồng thời giảm khâu trung gian trong quá trình tham mưu thực hiện nhiệm vụ của sở - ngành, UBND quận - huyện. Nguyên tắc ủy quyền phải có điều kiện cụ thể và trong khoảng thời gian xác định. Thời gian ủy quyền đến hết ngày 31-12-2020.
Sắp tới, UBND quận - huyện được quyết định các nội dung liên quan đến thủ tục đầu tư, cải tạo, sửa chữa chung cư cũ Trong ảnh: Chung cư Vĩnh Hội, phường 6, quận 4 đang xuống cấp trầm trọng Ảnh: Hoàng Triều
Theo Sở Nội vụ, khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực ngày 1-1-2016, UBND TP đã tiến hành phân cấp, ủy quyền cho sở - ngành, UBND quận - huyện. "Phân cấp, ủy quyền đã giúp nâng cao trách nhiệm, quyền hạn của sở - ngành, UBND quận - huyện; tạo điều kiện thuận lợi, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình; rút ngắn thời gian giải quyết, giảm khâu trung gian vì không phải trình UBND TP" - Sở Nội vụ đánh giá. Việc này cũng giúp giảm chi phí hành chính cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp khi làm thủ tục.
Bên cạnh đó, qua công tác phân cấp, ủy quyền, UBND TP đã xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm giữa cơ quan phân quyền, ủy quyền với cơ quan nhận phân cấp, ủy quyền, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện nhiệm vụ, tránh sự chồng chéo trong trách nhiệm; tạo bước đột phá trong thực hiện nhiệm vụ; bảo đảm quyền tự quyết, tự chịu trách nhiệm của cơ sở.
Tuy nhiên, Sở Nội vụ cho rằng việc phân cấp, ủy quyền còn có những mặt hạn chế về pháp lý. Khi có Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP cho phép Chủ tịch UBND TP được ủy quyền cho chủ tịch UBND quận - huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn đã mở rộng thẩm quyền của Chủ tịch UBND TP trong thực hiện cơ chế ủy quyền so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Do đó, việc xây dựng đề án là hết sức cần thiết, cấp bách trong tình hình hiện nay.
Giải quyết nhiều điểm nghẽn
Theo nội dung đề án, UBND TP tiến hành ủy quyền 67 nội dung thuộc thẩm quyền, nhiều nhất là ở lãnh vực đô thị, môi trường với 26 nội dung. Tiếp theo là lãnh vực kinh tế, ngân sách, dự án 20 nội dung; văn hóa, xã hội, khoa học 20 nội dung; nội chính 1 nội dung. Đáng chú ý, UBND quận - huyện được quyết định các nội dung liên quan đến thủ tục đầu tư, cải tạo, sửa chữa chung cư cũ, xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975 trên địa bàn TP.
Cụ thể, UBND quận - huyện được quyền công nhận chủ đầu tư khi trước đây các nhà đầu tư phải "dài cổ" chờ quyết định được phép đầu tư; được đàm phán hợp đồng BT và ký thỏa thuận đầu tư với nhà đầu tư, thực hiện hợp đồng (đối với dự án nhóm B và C). Trong khi đó, Sở Xây dựng được ủy quyền phê duyệt đối tượng thuê nhà ở cũ; duyệt giá bán nhà ở cũ và phê duyệt người được thuê, thuê mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước. Sở Giao thông Vận tải (GTVT) được tổ chức điểm đỗ taxi công cộng phù hợp với quy hoạch; phê duyệt điểm đón - trả khách phục vụ vận tải hành khách tuyến cố định.
Đối với thẩm quyền của Chủ tịch UBND TP có 26 nội dung được ủy quyền, trong đó lãnh vực đô thị, môi trường 4 nội dung; kinh tế, ngân sách, dự án 5 nội dung; văn hóa, xã hội, khoa học 7 nội dung; nội chính 10 nội dung. Giám đốc Sở GTVT được ủy quyền phê duyệt tiêu chuẩn kỹ thuật dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên và tuyến Bến Thành - Tham Lương. Giám đốc Sở Tài chính được thẩm định, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung đối với các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn TP. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường được thẩm định, phê duyệt dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc nhóm C và thẩm định, trình duyệt dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc nhóm A sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Về phía chủ tịch UBND quận - huyện được ủy quyền làm bên mời thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư thuộc thẩm quyền UBND quận - huyện quản lý.
Chủ động nâng lương cho cán bộ, công chức
Một nội dung khác đáng chú ý trong đề án là Chủ tịch UBND TP ủy quyền cho thủ trưởng các sở - ngành TP, chủ tịch UBND quận - huyện quyết định nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ, nâng bậc lương trước hạn để nghỉ hưu và mức hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ, công chức đang hưởng lương ngạch chuyên viên chính và tương đương trở xuống; viên chức đang hưởng lương chức danh nghề nghiệp hạng II và tương đương trở xuống, kể cả các chức danh nghề nghiệp có hạng cao hơn nhưng có hệ số lương tương đương ngạch chuyên viên chính (trừ các chức danh thuộc thẩm quyền phê chuẩn, bổ nhiệm của Chủ tịch UBND TP). Thủ trưởng các sở - ngành TP, chủ tịch UBND quận - huyện cũng được quyền quyết định thành lập hội đồng kiểm tra, sát hạch khi xem xét tiếp nhận công chức không qua thi tuyển; quyết định công nhận kết quả xét tuyển đặc cách viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự.
Bình luận (0)