Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay tiến độ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 ở một số địa phương không đạt yêu cầu, nhất là nhóm từ 12 đến dưới 18 tuổi và từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Nhiều địa phương có tỉ lệ tiêm rất thấp
Đến thời điểm này, chỉ còn hơn 20 ngày để hoàn thành tiến độ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ nhưng tỉ lệ tiêm mũi 2 trên cả nước mới đạt hơn 40%, mũi 1 đạt 70%.
Với mũi 1, các tỉnh, thành có tỉ lệ tiêm thấp (42%- 53%) là Hà Nội, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Nam, TP HCM. Với mũi 2, có 5 tỉnh, thành tỉ lệ tiêm dưới 25% gồm Hà Nội, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Quảng Nam và Khánh Hòa. Ngoài ra, với nhóm từ 12 đến dưới 18 tuổi liều cơ bản đạt hơn 99%, trong khi mũi 3 (tiêm nhắc lại) mới đạt 38,6%. Bộ Y tế cho biết còn nhiều địa phương có tỉ lệ tiêm mũi nhắc lại cho nhóm từ 12 đến dưới 18 tuổi thấp so với tỉ lệ chung của cả nước (10%-20%) như: Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai.
GS-TS Ðặng Ðức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương - Bộ Y tế, cho biết tiến độ tiêm nhắc lại cho nhóm từ 12 tuổi trở lên, liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trên phạm vi cả nước trong tháng 7-2022 tăng so với tháng 5 và tháng 6, cho thấy nỗ lực của các cấp chính quyền, ngành y tế tuyến cơ sở và sự tham gia của người dân. Tuy nhiên, tỉ lệ tiêm nhắc lại cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi đến nay chưa đạt yêu cầu. Trong khi đó, tiến độ triển khai tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi từ tháng 4-2022 còn chậm. Nguyên nhân là do chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 được tổ chức trong thời gian dài, thiếu sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể tại một số địa phương.
Theo GS Ðặng Đức Anh, hiện người dân có tâm lý chủ quan trong bối cảnh dịch được khống chế, nhiều người đã mắc Covid-19 không đồng ý hoặc lưỡng lự tiêm các mũi vắc-xin tiếp theo. Bên cạnh đó, nhiều bậc cha mẹ không đồng ý đưa con đi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 do lo ngại ảnh hưởng lâu dài của vắc-xin đến sức khỏe.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội, cho rằng hiện chưa có phác đồ tiêm chủng hoàn chỉnh nên người dân không sẵn sàng cho việc tiêm đủ các mũi vắc-xin ngừa Covid-19 như khuyến cáo. Thời gian qua, Sở Y tế TP Hà Nội cũng đề nghị các địa phương gắn trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị với kết quả tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trên địa bàn quản lý, đồng thời tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm vắc-xin song nhiều phụ huynh vẫn lo ngại về các phản ứng sau tiêm nên dè dặt hoặc trì hoãn tiêm mũi nhắc lại.
Tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tại TP HCMẢnh: HẢI YẾN
Không để dịch bùng phát
Mới đây, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục tiêu không để dịch bệnh bùng phát trở lại: "Các cơ quan, đơn vị, địa phương để dịch bùng phát trở lại phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Trong tháng 8-2022 phải thực hiện mục tiêu tiêm đủ mũi vắc-xin thứ 3, thứ 4 cho các đối tượng cần tiêm, mũi thứ 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi". Nhấn mạnh vắc-xin ngừa Covid-19 vẫn là vũ khí quan trọng trong phòng chống dịch, Thủ tướng cũng lưu ý Hà Nội và TP HCM là 2 địa phương cần đặc biệt chú ý việc thúc đẩy tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Trong công điện ngày 9-8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã yêu cầu triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh công tác tiêm chủng; bảo đảm không bỏ sót đối tượng - "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để lập danh sách, tuyên truyền, tổ chức tiêm chủng, tăng tỉ lệ bao phủ vắc-xin cho người dân. Đồng thời phát động chiến dịch tăng tốc tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, bảo đảm hoàn thành trong tháng 8-2022; hoàn thành sớm nhất việc tiêm mũi 3, mũi 4 cho người dân từ 18 tuổi trở lên và đẩy nhanh tiêm mũi 3 cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trước đó, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo phối hợp với ngành y tế trên địa bàn rà soát, lập danh sách trẻ mầm non và học sinh thuộc độ tuổi tiêm chủng từ 5 đến dưới 18 tuổi chưa tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ, chú ý đến trẻ mắc bệnh lý nền, béo phì... để phối hợp ngành y tế thực hiện phương án tiêm chủng, bảo đảm an toàn cho trẻ em, học sinh.
Không được thất bại
Chiều 9-8, UBND TP HCM đã có buổi họp với các ban, ngành liên quan nhằm báo cáo nhanh kết quả sau 1 tuần triển khai tháng cao điểm tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ em.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết qua khảo sát tại các điểm tiêm còn xuất hiện tình trạng ùn ứ. Nguyên nhân là do người đến tiêm đông nhưng nhân lực ít, phân khung giờ chưa hợp lý. Bên cạnh đó, Sở Y tế còn nhận được phản ánh nhiều quận, huyện công bố lịch tiêm nhưng khi người dân đến thì không tổ chức tiêm; trẻ không có tên trong danh sách cũng không được tiêm. Ngoài ra, một số địa phương không tổ chức tiêm hoặc ít điểm tiêm (chỉ 1-2 điểm). Đặc biệt, một số phụ huynh còn e ngại, sau đó trẻ mắc Covid-19 nên chưa đồng ý tiêm. Do đó, sở đã thông tin truyền thông nhằm giải tỏa thắc mắc của phụ huynh.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, lo lắng khi ông vừa mới có cuộc trao đổi với giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), số trẻ mắc Covid-19 nhập viện nặng trong 2 ngày vừa qua đã tăng 8-10 ca. "Số ca gần như bằng 0, nay nhảy lên hàng chục ca mỗi ngày. Đó là tín hiệu đáng lo" - ông Đức nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các ban, ngành, địa phương ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý số lượng người tiêm, kế hoạch tiêm đến người dân, các trường cần liên tục báo cáo tiến độ tiêm vắc-xin. Sở Y tế hỗ trợ các điểm tiêm hợp lý, tránh tình trạng đậu xe cấp cứu ở gần để khiến phụ huynh và học sinh dễ nhìn thấy, tạo tâm lý hoang mang. Khu vực chờ sau tiêm bảo đảm thiết bị y tế cấp cứu và phân luồng hợp lý. "Đợt này chúng ta chỉ được phép thành công, không được thất bại, đặt mục tiêu tối thiểu đạt 100% tỉ lệ phụ huynh đồng thuận. Tiếp tục vận động để cho số lượng phụ huynh không đồng thuận giảm, cố gắng 50% số này thì may ra đạt mục tiêu trung bình quốc gia" - ông Dương Anh Đức nói.
Vắc-xin - "lá chắn" bảo vệ trẻ
PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết phản ứng thông thường sau tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 ở trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi được ghi nhận với tỉ lệ khoảng 0,4%, thấp hơn so với khuyến cáo của nhà sản xuất, với các triệu chứng như: sưng đau tại chỗ tiêm, sốt, ớn lạnh, đau đầu, mệt mỏi... và thường tự hết sau vài ngày. Theo ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, trẻ em mắc Covid-19 thường nhẹ hơn so với người lớn, nguy cơ tử vong cũng thấp hơn. Tuy nhiên, một trong những vấn đề lo ngại với trẻ em sau mắc Covid-19 là hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C), đây là hội chứng với diễn biến bệnh cảnh rất nặng, tổn thương từ 2 cơ quan trở lên như: da niêm mạc, tiêu hóa, tim mạch, thận, hô hấp, huyết học, thần kinh... "Việt Nam đã ghi nhận hàng trăm trường hợp trẻ em mắc hội chứng MIS-C với các biểu hiện viêm đa hệ thống đồng thời ở nhiều cơ quan như tim, phổi, thận, hệ tiêu hóa, não, da, mắt... sau khi mắc Covid-19. Ngoài ra, trẻ cũng có thể gặp phải hội chứng hậu Covid-19 với các dấu hiệu bất thường kéo dài ảnh hưởng lớn đến khả năng học tập và vui chơi" - ông Dương nhấn mạnh.
Các chuyên gia dịch tễ cảnh báo các biến thể mới của SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa, mới nhất là BA.2.75, BA.2.12.1 có khả năng làm giảm miễn dịch qua thời gian và có thể làm dịch bùng phát trở lại. Các chuyên gia y tế dự phòng đề nghị cần tuyên truyền tới phụ huynh, học sinh lợi ích của vắc-xin ngừa Covid-19 nhằm tạo sự đồng thuận trong công tác tiêm chủng cho trẻ em, nhất là nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi để bảo đảm điều kiện an toàn cho học sinh đến trường trong năm học mới.
Bình luận (0)