Sáng 3-11, Quốc hội (QH) bắt đầu thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020; kế hoạch năm 2021; mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. QH dành 3 ngày trong chương trình kỳ họp thứ 10 cho nội dung này. Việc phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác hay làm thủy điện, được nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm, lo lắng.
ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) phát biểu
Mở đầu phát biểu của mình, ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) và ĐB Hoàng Đức Thắng, Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, đều bày tỏ lời cảm ơn Bộ Chính trị, Ban Bí thư, QH, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ ngành Trung ương, các địa phương, nhân dân cả nước, các tổ chức quốc tế, kiều bào ở nước ngoài, đã chia sẻ với những khó khăn, mất mát của của đồng bào miền Trung, trong đó có tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị phải gánh chịu trong đợt bão, lũ lịch sử vừa qua.
ĐB Phan Thái Bình đề nghị Chính phủ phải rà soát, đánh giá lại toàn bộ tác động, mức độ an toàn của hệ thống hồ chứa, hồ thủy điện, thông tin rộng rãi để người dân hiểu rõ. Đồng thời xem lại việc trồng rừng thay thế ở các dự án thủy điện, thủy lợi, nhất là vị trí trồng, loại cây trồng, cách trồng. Có như thế mới tránh được tình trạng thay thế cây lớn, lâu năm có chức năng phòng hộ bằng các loại cây không có chức năng phòng hộ hoặc ở vị trí không có khả năng phòng hộ.
“Tôi đề nghị rà soát lại toàn bộ thủy điện vừa và nhỏ xem tác động thế nào đến môi trường. Chứ như vừa qua, nhân dân ở vùng hạ du rất bất an mỗi khi thủy điện xả lũ”- ĐB Bình nêu rõ.
ĐBQH Hoàng Đức Thắng, Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị
Còn ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng khi lý giải về những ảnh hưởng thiên tai vừa qua, có ý kiến giải thích là do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, đất khô bị mưa lớn kéo dài dẫn đến sạt lở...
Tuy nhiên, theo ĐB Thắng, lý giải đó chưa đủ, khi trong thời gian qua chúng ta đã mất diện tích rừng tự nhiên quá nhiều, khiến cho hậu quả thiên tai dữ dội hơn, nặng nề hơn. "Nhìn vào mưa lũ và hậu quả miền Trung vừa qua càng thấm thía và thấy cái giá phải trả cho việc mất rừng lớn như thế nào"- ĐB Thắng phản ánh.
Theo ĐB Thắng, trong 20 năm qua, các dự án thủy điện nhỏ được xây dựng nhiều, cùng với việc phát triển phục vụ sinh kế khiến cho diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp. Đặc biệt, theo ĐBQH tỉnh Quảng Trị, độ che phủ rừng hàng năm tuy tăng song không nói lên được nhiều điều về độ che phủ, sức chống chọi thiên tai.
"Lũ lụt, sạt lở đất xảy ra ngoài lý do địa chất còn có do nằm ở khu vực đồi núi trọc. Mất rừng, mất khả năng điều tiết nước thì đương nhiên khiến lũ lụt đi nhanh hơn, mạnh hơn, tai họa lớn hơn", ĐB Thắng nói.
Loại bỏ các dự án thủy điện không đảm bảo an toàn
ĐB Hoàng Đức Thắng cho rằng thủy điện có thể không làm tăng lũ nhưng có thể làm tăng mất rừng, khiến lũ lớn hơn và sạt lở nặng hơn. Từ đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần có chỉ đạo rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng rừng, nhất là xây dựng thủy điện vừa và nhỏ để có giải pháp căn cơ, lâu dài. Ông cũng đề nghị Quốc hội tiến hành giám sát tối cao để có giải pháp mạnh mẽ, loại bỏ các dự án không bảo đảm an toàn, ảnh hưởng mạnh mẽ đến rừng đầu nguồn, rừng tự nhiên, rừng có chức năng phòng hộ.
Trong phát biểu trước Quốc hội, khi nói về vấn đề rừng tự nhiên mà các đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết đến nay tổng diện tích rừng của chúng ta là 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, còn rừng trồng là 4,3 triệu ha. "Đây là sự cố gắng vượt bậc của cả hệ thống chính trị và toàn dân.
Theo Bộ trưởng NN-PTNT, năm 1990 Việt Nam chỉ có 9 triệu ha rừng, lúc đó hệ số che phủ chỉ 27%. Trong vòng 30 năm qua, mặc dù đất nước GDP còn thấp nhưng chúng ta quyết tâm xây dựng một nền kinh tế bền vững, trong đó phát triển rừng trọng yếu để phát triển môi trường.
Cho đến nay, ta đã có 14,6 triệu ha rừng, hệ số che phủ gần 42%, thế giới bình quân chỉ 29%. Đây là sự cố gắng vượt bậc của nhân dân và hệ thống. Trong 4,3 triệu ha rừng, chúng ta đã sản xuất ra nguyên liệu 30 triệu m3 gỗ để xây dựng ngành kinh tế lâm nghiệp với 4.600 doanh nghiệp chế biến. Năm nay chúng ta có thể xuất khẩu tới 13 tỉ USD lâm sản.
Về rừng tự nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn luôn có chính sách để bà con gắn bó với việc giữ rừng, chế độ ngày càng tăng lên. Trước đây, khoán 50 ngàn đồng/ha, hiện đã nâng lên 250 ngàn đồng/ha. Tuy nhiên, Quốc hội yêu cầu thời gian tới phải nâng lên 1 triệu đồng/ha, như vậy mới đảm bảo đời sống cho người dân giữ rừng.
Cùng với đó là chính sách chi trả môi trường rừng, mỗi năm xã hội hóa được 3.000 tỉ đồng. Ngày 20-10-2020, Việt Nam chính thức ký với đối tác về CO2 của thế giới, chúng ta bán được 10 triệu m3 CO2. Mỗi m3 là 5 USD, tổng số được hơn 1.000 tỉ đồng (của 6 tỉnh miền Trung).
Từ việc này cũng thể hiện cam kết của Việt Nam và chứng tỏ Việt Nam quyết tâm tăng cường phát triển bền vững được thế giới thừa nhận.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong 30 năm qua, rừng tự nhiên không thể phục hồi như ngày xưa. Bởi trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân đội Mỹ đã rải 77 triệu lít thuốc hóa học, hủy hoại 2 triệu ha rừng miền Trung. Bây giờ phục hồi rừng tự nhiên cũng phải có thời gian, từng bước.
Bình luận (0)