Ngày 27-5, phát biểu tại phiên thảo luận về chương trình giám sát của Quốc hội (QH) năm 2024, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu QH TP HCM) nêu vấn đề tình hình kinh tế có dấu hiệu suy giảm, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường gia tăng, số doanh nghiệp đăng ký mới giảm.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH TP HCM. Ảnh: Phạm Thắng
Vì vậy, đại biểu mong muốn QH chọn chuyên đề giám sát về "Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan". Đại biểu mong muốn sau giám sát phải có sự chuyển biến, có sự thay đổi, đem lại hiệu quả cho nền kinh tế.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng việc giải ngân đầu tư công hiện nay còn chậm, trong khi thời hạn thực hiện Nghị quyết số 43 không còn nhiều.
"Nếu kinh tế chúng ta tăng trưởng dưới 3% thì thất nghiệp sẽ gia tăng, kéo theo vấn đề an sinh xã hội sẽ rất lớn. Theo báo cáo của các bộ ngành, số lao động mất việc làm và bị cắt giảm giờ làm gần đây rất lớn, ước lượng lên đến trên 500 ngàn lao động bị ảnh hưởng" - đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân mong Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu để Chính phủ trình QH gói hỗ trợ khẩn cấp để hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, hỗ trợ các gia đình có người thân mất trong đại dịch COVID-19 vừa qua... Đồng thời, cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư để phục hồi, phát triển một cách toàn diện nền kinh tế.
Đại biểu cũng đề nghị các bộ, ngành nỗ lực nhiều hơn, triển khai quyết liệt Công điện số 470/CĐ-TTg ngày 26-5-2023 của Thủ tướng để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác này.
Về đề xuất gói hỗ trợ khẩn cấp về an sinh xã hội của đại biểu Trần Hoàng Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Thủ tướng, các thành viên Chính phủ nghiên cứu để báo cáo tiếp thu giải trình trong phiên thảo luận kinh tế-xã hội.
Mỗi cuộc giám sát, ĐBQH được trả 100.000 đồng
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho hay qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu thống nhất tờ trình, dự kiến chương trình giám sát năm 2024, cơ bản nhất trí đánh giá triển khai chương trình giám sát 2022, thống nhất chương trình dự kiến 2024.
Về giám sát chuyên đề, ngoài 4 chuyên đề mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất, một số đại biểu đề xuất tổ chức các chuyên đề khác như: kinh tế biển, việc ban hành văn bản pháp luật ở địa phương...
Theo ông Phương, các đại biểu cũng kiến nghị nhiều nội dung cụ thể khác về nội dung chương trình, hình thức, thành phần thời gian nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giám sát như tăng kinh phí, chế độ báo cáo... Nhiều đại biểu chuyên trách cũng có ý kiến, kể cả việc tiền hỗ trợ cho hoạt động giám sát này, trong đó tiêu chuẩn tham gia hoạt động giám sát, một đại biểu QH chỉ có 100.000 đồng/cuộc giám sát...
Ủy ban Thường vụ QH sẽ phân công các cơ quan nghiên cứu tham mưu. Cùng với đó, tăng cường công tác bảo đảm cho hoạt động giám sát, điều hòa hoạt động bằng hình thức phù hợp và có giải trình cụ thể với QH.
Bình luận (0)