Theo ông Trần Út, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, bán tín chỉ carbon rừng là nội dung rất mới nên trong quá trình xây dựng hồ sơ địa phương gặp một số lúng túng. Trước đây, tỉnh Quảng Nam thuê một đơn vị tư vấn để thực hiện nhưng việc xây dựng đường cơ sở không đạt yêu cầu nên vừa qua, tỉnh phải thuê đơn vị tư vấn khác. Theo thỏa thuận được ký kết, đơn vị trên phải hoàn thiện hồ sơ trong 6 tháng. Sau khi làm xong hồ sơ phải gửi ra nước ngoài để các tổ chức liên quan thẩm định. Quá trình này cũng mất một thời gian dài. "Đơn vị tư vấn cho rằng mất khoảng 15-16 tháng, tính từ thời điểm này, Quảng Nam mới có thể bán tín chỉ carbon được" - ông Út cho biết.
Theo ông Út, bán tín chỉ carbon rừng nghe thì dễ nhưng khi bắt tay vào làm có nhiều vấn đề phát sinh nên mất nhiều thời gian. "Kể cả đơn vị mua tín chỉ carbon rừng cũng đặt các điều kiện như số tiền thu được chi như thế nào, chi vào mục đích ra sao, phải chi theo yêu cầu của họ. Chính vì vậy, chúng tôi yêu cầu đơn vị tư vấn, đơn vị thẩm định phải làm kỹ" - ông Út chia sẻ.
Từ năm 2018, Dự án Trường Sơn Xanh do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ tài trợ đã giúp Quảng Nam nghiên cứu lịch sử diễn biến rừng trong 20 năm qua, đánh giá hiện trạng rừng và trình UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt Kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng carbon rừng (REDD+) tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2020-2030. Kế hoạch hành động này đã đáp ứng các yêu cầu khi xây dựng và thực hiện các dự án kinh doanh tín chỉ carbon rừng từ REDD+.
Đề án bán tín chỉ carbon rừng được triển khai sẽ mang lại cho tỉnh Quảng Nam nguồn thu 110 - 130 tỉ đồng/năm
Cụ thể, giai đoạn 2018 - 2020, mỗi năm tỉnh Quảng Nam tạo được 400.000 - 450.000 tín chỉ carbon từ REDD+; giai đoạn 2021 - 2025, mỗi năm tạo được từ 500.000 đến 1 triệu tín chỉ; giai đoạn 2026 - 2030, mỗi năm tạo được 1,1 - 1,25 triệu tín chỉ. Sau khi tổng kết thí điểm, dự kiến từ năm 2026, mỗi năm bán 1,2 triệu tấn CO2e(thước đo hiệu ứng nhà kính, viết tắt của tương đương CO2).
Với giá bán ít nhất 5 USD/tấn CO2e, khi đề án được thực hiện sẽ mang lại cho tỉnh Quảng Nam nguồn thu 110 - 130 tỉ đồng/năm, cao hơn nguồn thu dịch vụ môi trường rừng (mỗi năm Quảng Nam thu khoảng 100 tỉ đồng), bằng 2-2,5 lần đầu tư ngân sách hằng năm của trung ương và địa phương vào lâm nghiệp.
Đề án được triển khai hiệu quả cũng sẽ giúp Quảng Nam giữ nguyên diện tích rừng tự nhiên hiện có 466.113 ha, tăng 20% trong vòng 10 năm từ 2021-2030, tăng độ che phủ rừng nói chung lên 61% vào năm 2025. Ngoài ra, sẽ nâng thu nhập từ rừng cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư lên gấp 2 lần hiện nay do được chi trả tiền bán tín chỉ carbon từ rừng; tạo được việc làm ổn định thông qua quản lý, bảo vệ rừng.
Bình luận (0)