Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản (BĐS) TP HCM, cho rằng việc đẩy mạnh triển khai nhà ở xã hội (NƠXH), nhà lưu trú cho công nhân là điều rất cần thiết, nhất là trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện tại. Thế nhưng, qua theo dõi tình hình triển khai trên địa bàn TP HCM thời gian vừa qua, ông nhận thấy có nhiều việc cần phải thay đổi cách làm để kế hoạch của thành phố đi đến thành công.
Tạo và công khai quỹ đất
Theo ông Bảo, trước mắt điều cần thay đổi là nhà nước không nên áp giá bán cố định cụ thể mà nên kiểm soát tỉ suất lợi nhuận thì mới thu hút được nhà đầu tư tham gia làm NƠXH. Bởi vì giá vật liệu xây dựng và các loại chi phí đều tăng cao nên nếu áp giá bán thì sẽ khó cho nhà đầu tư. Ngoài ra, nhà ở cho công nhân thì phải để công nhân được mua và như thế cần phải có chính sách hỗ trợ tích cực, tạo điều kiện cho người mua ở thực là công nhân. Đặc biệt, thành phố cần phải đột phá trong việc tạo và công khai quỹ đất để xây dựng NƠXH, nhà lưu trú cho công nhân. "Quỹ đất là mũi đột phá đầu tiên mà thành phố cần phải thực hiện ngay" - Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS TP HCM nhấn mạnh.
Để các dự án nhà ở xã hội như thế này hình thành ngày càng nhiều, đòi hỏi TP HCM phải đột phá trong triển khai thực hiện.Ảnh: TẤN THẠNH
Đồng quan điểm, dẫn câu chuyện ở Hợp tác xã (HTX) Mây tre lá Ba Nhất (quận Bình Thạnh, TP HCM), ông Phạm Như Huỳnh, Chủ tịch Công đoàn HTX này, khẳng định chính lý do mang tên "quỹ đất" đã níu chân nhiều doanh nghiệp (DN) có được khu nhà lưu trú cho công nhân dù rất muốn.
Ông kể HTX Mây tre lá Ba Nhất có 2 nhà máy và văn phòng đặt tại TP HCM và tỉnh Bình Dương. Trong đó, hầu hết công nhân của HTX đều ở các tỉnh miền Trung nên khi vào làm không có nơi ở ổn định. Do đó, từ khi xây dựng nhà máy tại tỉnh Bình Dương, HTX đã dành một phần đất trong khuôn viên nhà máy để xây dựng khu lưu trú miễn phí cho công nhân nhằm giải quyết vấn đề nơi ở cho họ. Khu lưu trú này gồm 84 phòng, đáp ứng chỗ ở cho hơn 200 công nhân. Bên cạnh những phòng ở tập thể dành cho công nhân độc thân, khu lưu trú có những phòng riêng biệt dành cho công nhân đã có gia đình. HTX cũng dành những khoảng đất trống để công nhân có thể trồng rau, trồng cây cảnh, cây ăn quả trước nhà và nuôi gia cầm để cải thiện cuộc sống. Chính vì vậy mà công nhân làm việc ở Bình Dương đều xem khu lưu trú như chính ngôi nhà mình. Đặc biệt, một số cặp vợ chồng là công nhân lâu năm và có nhiều đóng góp còn được HTX tặng nhà ở.
Còn đối với công nhân làm việc tại TP HCM không có nhà ở, HTX dù rất cố gắng nhưng không thể có được khu lưu trú như ở Bình Dương, mà chỉ tạo điều kiện cho một số ít công nhân lưu trú tại khu nhà ở của ban giám đốc. Ông Huỳnh cho biết hầu hết công nhân đến TP HCM làm việc đều với hai bàn tay trắng, việc DN chăm lo nơi ở cho họ rất quan trọng, giúp họ gắn bó hơn với đơn vị. Vì vậy, không riêng ban giám đốc HTX mà nhiều DN khác cũng mong muốn xây nhà ở, khu lưu trú cho công nhân. Tuy nhiên, với tình hình khan hiếm quỹ đất sạch ở thành phố hiện nay, để có thể xây nhà ở cho công nhân là vô cùng khó khăn, cần có sự chung tay của nhiều cấp, ngành. "Cụ thể, để có thể hiện thực hóa ước mơ an cư của công nhân, DN rất cần chính sách thuê đất ưu đãi với thời hạn lâu dài để họ đầu tư xây nhà ở cho công nhân. Trong trường hợp DN không đủ tài chính thì rất cần có sự liên kết, đồng hành của chính quyền và Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong đó DN sẽ phải cam kết xây dựng và sử dụng công trình nhà ở đúng mục đích cũng như có trách nhiệm tu bổ, bảo trì công trình"- ông Huỳnh phân tích và đề nghị có bước đi đột phá ở khâu này.
Thêm gói hỗ trợ, ưu đãi lãi suất tối đa
Đứng ở góc độ người mua, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA), nhấn mạnh câu chuyện NƠXH hay nhà lưu trú cho công nhân, HoREA đã kiến nghị nhiều lần cách thức để đẩy nhanh triển khai thực hiện, trong đó đặc biệt lưu ý đến vấn đề lãi suất ưu đãi cho người mua. Bằng chứng là trong một văn bản gần nhất, HoREA cho rằng việc "loại trừ đối tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi để mua, thuê mua NƠXH" của Ngân hàng Nhà nước không phù hợp với chính sách về NƠXH của Luật Nhà ở 2014. Bởi hiệp hội đã nghiên cứu rất kỹ các chính sách về NƠXH của Luật Nhà ở 2014, qua đó nhận thấy rất rõ là Luật Nhà ở 2014 không hề cấm. Ngoài ra, có thể thấy chính sách cốt lõi nhất về NƠXH của các nước đặt trên 2 trụ cột, một là hỗ trợ tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp, hai là thời gian cho vay dài hạn. Trong tổng thể các chính sách về NƠXH của nhà nước ta thì chính sách cho vay tín dụng dài hạn với lãi suất ưu đãi là quan trọng bậc nhất. Đây là chính sách mà người thu nhập thấp cần nhất khi quyết định sở hữu NƠXH.
Do vậy, HoREA nhận thấy với đề xuất của Ngân hàng Nhà nước thì sẽ "tước bỏ" chính sách cốt lõi của nhà nước là hỗ trợ cho vay vốn tín dụng ưu đãi dài hạn với lãi suất thấp để mua, thuê mua NƠXH và các đối tượng được hưởng chính sách NƠXH là những người bị thiệt nhất, có tác động tiêu cực đến thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội về nhà ở. "Vì thế, chúng tôi kiến nghị không nên áp dụng đề xuất trên" - ông Châu nhấn mạnh và mong muốn TP HCM có tiếng nói đột phá trong vấn đề này. Ngoài ra, theo ông, để đột phá trong việc tạo điều kiện cho người thu nhập thấp mua NƠXH, HoREA kiến nghị đối với khách hàng vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua HoREA thì mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà vì phù hợp với chính sách về NƠXH của Luật Nhà ở 2014.
Ở khía cạnh nhà đầu tư, nhiều DN kinh doanh BĐS nêu câu chuyện giai đoạn năm 2013-2016, Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng về cho vay hỗ trợ nhà ở đã đạt những hiệu quả nhất định. Theo đó, gói tín dụng ưu đãi này đã phát huy tác dụng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ giúp thị trường BĐS hồi phục, giảm hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho DN, đóng góp vào sự khởi sắc của nền kinh tế trong giai đoạn này. Đặc biệt, tạo điều kiện cho trên 50.000 cá nhân, hộ gia đình khó khăn về nhà ở cải thiện về chỗ ở…
Thế nhưng, theo các DN, kể từ khi gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng kết thúc, cộng với việc thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước chủ trương kiểm soát chặt dòng vốn tín dụng vào BĐS nên các DN có dự án đầu tư xây dựng, phát triển NƠXH gặp khó về vốn. Do đó, các DN khẳng định để đột phá trong xây dựng NƠXH, thành phố cũng cần đột phá trong kiến nghị chính sách về vốn cho DN tham gia.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 11-10
Kỳ tới: Đồng loạt triển khai nhiều đầu việc
Thêm cách tiếp cận
Ngoài những bước cần đột phá trên, theo ông Nguyễn Quốc Bảo đã đến lúc TP HCM nên thành lập hẳn một ban chuyên trách về NƠXH và nhà lưu trú cho công nhân. Theo đó, vai trò và trách nhiệm của ban này là thúc đẩy, quyết định các vấn đề liên quan đến NƠXH, nhà lưu trú cho công nhân, nhất là mặt thủ tục. Kế đến là toàn quyền tổ chức đấu giá, đấu thầu các vấn đề liên quan đến NƠXH cho công nhân để đem lại lợi ích cho nhà nước và có sản phẩm đáp ứng nhu cầu của công nhân, người có thu nhập thấp. "Nếu không thay đổi cách tiếp cận thì mọi thứ vẫn chỉ là "bình mới rượu cũ", nói mãi để người thu nhập thấp hy vọng mà vẫn chưa có được nhà ở" - ông Nguyễn Quốc Bảo hiến kế.
Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển nhấn mạnh thành phố cần có thêm cách làm NƠXH. Theo ông, NƠXH không nhất thiết phải là chung cư giá rẻ, căn hộ có chất lượng trung bình thấp mà có thể nghiên cứu phát triển những dự án NƠXH là nhà cấp 4 ở vùng ven thành phố được quy hoạch với đường kết nối, công viên, xây dựng, hạ tầng đầy đủ... "Nếu triển khai bài bản, những dự án có diện tích vài chục ha, thậm chí cả trăm ha, xây dựng thành những dãy nhà cấp 4 bảo đảm chất lượng, có đường kết nối với khu vực trung tâm, sẽ thu hút người dân bởi mô hình nhà đất này sẽ tăng giá trị lên gấp nhiều lần trong nhiều năm tới, thay vì chất lượng chung cư NƠXH có thể ngày càng xuống cấp" - TS Đinh Thế Hiển phân tích và cho rằng thành phố cần lưu ý về hướng đi mới này.
Bình luận (0)