Câu hỏi lớn được đặt ra là tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) lại vội vàng xây dựng đề án mới và có cần thiết phải có nhiều tiến sĩ (TS) như vậy không?
Đề án chồng đề án
Đề án 911 "Đào tạo giảng viên có trình độ TS cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010-2020" được Chính phủ phê duyệt vào năm 2010. Theo đó, nhà nước sẽ đào tạo khoảng 10.000 TS ở nước ngoài. Từ năm 2010-2013, mỗi năm tuyển chọn từ 800-1.200 nghiên cứu sinh (NCS); từ năm 2014 trở đi, bình quân mỗi năm tuyển chọn từ 1.300-1.500 NCS.
Ngoài ra, sẽ đào tạo khoảng 3.000 TS theo hình thức phối hợp, liên kết đào tạo giữa các trường ĐH Việt Nam và ĐH nước ngoài. Từ năm 2010 đến 2013, mỗi năm tuyển chọn 300-350 người; từ năm 2014 trở đi, bình quân mỗi năm tuyển chọn 450 người.
Đào tạo tiến sĩ cần chất lượng hơn số lượng. Trong ảnh: Nghiên cứu sinh Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
10.000 TS khác sẽ được đào tạo trong nước, kế hoạch là từ năm 2010 đến 2015, mỗi năm tuyển chọn 1.200-1.500 NCS; từ năm 2016, bình quân mỗi năm tuyển chọn 1.500 NCS.
Sau 5 năm thực hiện Đề án 911 (từ 2012-2016), thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy chỉ có 3.800 NCS đã và đang được đào tạo, trong đó có 800 NCS đã tốt nghiệp. Cụ thể, đối với đào tạo ở nước ngoài, mục tiêu là đào tạo được khoảng 10.000 giảng viên có trình độ TS nhưng mới chỉ tuyển được hơn 2.900 ứng viên, tức hơn 29% chỉ tiêu. Đó là chưa kể trong số ứng viên đã trúng tuyển mới làm thủ tục cử đi học được gần 2.000 người. Trong số 900 người trúng tuyển nhưng chưa đi học thì chỉ có khoảng 400 người sẽ làm thủ tục đi trong năm 2018, các ứng viên khác sẽ không tiếp tục tham gia đề án vì nhiều lý do như đã trúng tuyển chương trình học bổng khác, ứng viên không đáp ứng đủ điều kiện ngoại ngữ, không tìm được giáo sư hướng dẫn hoặc hết thời hạn của học bổng...
Đối với đào tạo trong nước, tính đến năm 2016, số giảng viên đăng ký đào tạo trong nước trúng tuyển và nhập học là 2.050 NCS. Riêng đào tạo theo hình thức phối hợp giữa các trường ĐH Việt Nam và ĐH nước ngoài có thể coi như đã thất bại khi số trúng tuyển NCS chỉ 27 người mà có đến 23 người bỏ học.
Mục tiêu xa vời, không khả thi
Tại sao Đề án 911 đang hoạt động nửa chừng thì Bộ GD-ĐT vội xây dựng một đề án mới có mục tiêu tương tự? Câu hỏi này được Bộ GD-ĐT trả lời ngay trong dự thảo đề án mới: Đề án 911 không thể đạt được mục tiêu theo kế hoạch đặt ra!
Nếu Đề án 911 đã không đạt mục tiêu thì việc Bộ GD-ĐT tiếp tục xây dựng một đề án tương tự có thể thành công?
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng đưa ra mục tiêu đào tạo 9.000 TS như vậy là duy ý chí. Theo GS Võ, cần phân tích nguyên nhân Đề án 911 phá sản, những điểm được và chưa được, tại sao chỉ tuyển được một lượng NCS ít ỏi như thế? "Rõ ràng là ở Đề án 911, Bộ GD-ĐT đề ra mục tiêu quá lớn so với tình hình thực tế về nguồn tuyển cũng như chất lượng của NCS, khả năng đào tạo của các trường ĐH trong nước. Vậy mà chưa có tổng kết, đánh giá đã vội vàng xây dựng đề án mới thì tôi cho đây là cách làm không khoa học" - GS Võ nhận xét.
GS Đào Trọng Thi, nguyên Giám đốc ĐHQG Hà Nội, cho rằng nếu không có giải pháp khắc phục những hạn chế của Đề án 911 thì chắc chắn đề án mới cũng sẽ đi vào vết xe đổ. Theo GS Thi, phải phân tích rõ tại sao Đề án 911 không thành công, đó là vì không có được nguồn tuyển dồi dào. "Một trong những lý do không tuyển được người là vì NCS không thích đi học bằng đề án này. Học bổng của Chính phủ Việt Nam vừa thấp vừa nhiều ràng buộc. Những người giỏi sẽ tìm cách xin học bổng của chính phủ nước ngoài và điều này với họ không khó. Nếu chỉ chọn được ứng viên hạng hai thì cũng chỉ có những TS hạng hai" - GS Thi nhận định.
Theo GS Đào Trọng Thi, Bộ GD-ĐT không nên đề ra những mục tiêu "cứng" mà có thể chuyển đổi linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế. Đầu tư cho một TS đào tạo ở nước ngoài rất nhiều tiền, trong khi đầu tư trong nước lại quá thấp, chỉ vài chục triệu đồng nên không thể yêu cầu chất lượng đào tạo như nhau. Theo GS Thi, những lĩnh vực nào Việt Nam có thế mạnh hoặc có thể liên kết đào tạo với các trường ĐH nước ngoài thì Bộ GD-ĐT nên đầu tư cho việc liên kết. Như vậy, chi phí có thể giảm đi nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu tối thiểu của chất lượng quốc tế. "Nếu đào tạo ở nước ngoài khoảng 100.000 USD thì đào tạo trong nước cũng phải 50.000 USD chứ không phải chỉ có một vài ngàn như hiện nay. Khắc phục được những bất cập này thì việc đào tạo mới có chất lượng - yếu tố quan trọng hàng đầu trong đào tạo hiện nay" - GS Thi nhấn mạnh.
Hỗ trợ nông dân thay vì đào tạo tiến sĩ rởm
Theo GS Đặng Hùng Võ, nếu không được thực hiện nghiêm túc thì đề án của Bộ GD-ĐT sẽ biến thành đề án cấp bao nhiêu bằng TS chứ không phải là đào tạo bao nhiêu TS. "Quan điểm của tôi là phải đào tạo những TS có chất lượng thay vì số lượng. Chúng ta đang có những nông dân rất sáng tạo, nhiều sáng kiến nhưng lại không quan tâm đến họ. Những người như họ có giá hơn TS rởm rất nhiều. Hãy hỗ trợ họ thay vì đào tạo ra những TS không có năng lực, không giúp được gì cho đất nước" - GS Võ đề nghị.
Bình luận (0)