Đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010-2020 theo Quyết định 911/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 của Thủ tướng (Đề án 911) có tổng kinh phí 14.000 tỉ đồng với mục tiêu đào tạo 23.000 tiến sĩ.
Phá sản vì thiếu thực tế
Mục tiêu chung của đề án là "tăng tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trong các trường ĐH, CĐ của cả nước, phấn đấu đến năm 2020 bổ sung được ít nhất 20.000 tiến sĩ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam". Cụ thể, sẽ đào tạo khoảng 10.000 tiến sĩ ở các trường ĐH có uy tín trên thế giới; 3.000 tiến sĩ theo hình thức phối hợp, liên kết đào tạo giữa các trường ĐH Việt Nam và trường ĐH nước ngoài và khoảng 10.000 tiến sĩ ở trong nước.
Thế nhưng, đề án triển khai đến hết năm 2016 đã bộc lộ hàng loạt hạn chế, không đạt mục tiêu đề ra, Bộ GD-ĐT phải dừng tuyển sinh từ năm 2017. Giai đoạn 2012-2016 mới tuyển được 2.062 nghiên cứu sinh (NCS) đào tạo trong nước, đạt 36% chỉ tiêu. Trong đó, có 703 NCS đến thời hạn kết thúc thời gian nghiên cứu nhưng mới chỉ có 165 NCS hoàn thành khóa học, bảo vệ thành công luận án đúng thời hạn (đạt tỉ lệ hơn 23%). Đối với đào tạo phối hợp, chỉ có 1 NCS đang học tập nghiên cứu tại Pháp, trong số 1.300 chỉ tiêu của giai đoạn 2012-2016. Trong khi đó, từ năm 2012 đến hết năm 2016, có 2.926 người trúng tuyển đào tạo ở nước ngoài nhưng chỉ có 1.961 người (gần 34% chỉ tiêu) được làm thủ tục đi học…
Giáo dục đại học luôn cần được nâng chất lượng dạy và học. (Ảnh chỉ có tính minh họa)Ảnh: TẤN THẠNH
Cũng theo kết quả kiểm toán, điều kiện đầu ra theo Đề án 911 của Bộ GD-ĐT yêu cầu cao hơn so với đào tạo tiến sĩ nói chung. Thế nhưng, chương trình đào tạo không khác biệt nhiều so với đào tạo tiến sĩ đại trà. Các trung tâm đào tạo tiến sĩ được thành lập và đầu tư kinh phí 9 tỉ đồng để trang bị phòng học ngoại ngữ, xây dựng giáo trình đào tạo ngoại ngữ và kỹ năng trước khi đi NCS nhưng qua kiểm toán một số trung tâm thì các trung tâm này hoạt động không hiệu quả, không đúng chức năng đồng nghĩa với việc giáo trình không sử dụng gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Nguồn tuyển thiếu nghiêm trọng
Đánh giá về đề án này, Kiểm toán Nhà nước cho rằng một trong những bất cập là Bộ GD-ĐT xây dựng đề án quá cao, thiếu cơ sở khảo sát, đánh giá không sát thực tế, dẫn đến mục tiêu không thực hiện được cả về số lượng đào tạo tiến sĩ, kinh phí và nguồn hình thành. Mức kinh phí hỗ trợ của đề án thấp, trong khi yêu cầu ràng buộc trách nhiệm của NCS cao hơn chương trình đại trà, không phù hợp về trách nhiệm và quyền lợi nên chưa thu hút được các ứng viên tham gia.
Trước quan điểm này của Kiểm toán Nhà nước, ông Nguyễn Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế - Bộ GD-ĐT, thừa nhận mục tiêu của đề án tại thời điểm xây dựng là chưa phù hợp với tình hình thực tế về khả năng nguồn tuyển sinh cũng như khả năng đào tạo, thực hiện đề án của các cơ sở giáo dục ĐH trong nước. Vì vậy, tỉ lệ tuyển sinh hằng năm thấp hơn kế hoạch. Ngoài ra, bên cạnh những yêu cầu chặt chẽ về điều kiện tuyển sinh, ứng viên phải thực hiện nhiều cam kết về trách nhiệm trong khi kinh phí hỗ trợ NCS thấp nên hạn chế việc thu hút các ứng viên và cơ sở đào tạo trong nước tham gia đề án. Do tỉ lệ tuyển sinh hằng năm thấp nên dẫn đến thừa dự toán.
Tiếp tục xây dựng đề án 12.000 tỉ đồng
Thế nhưng, điều đáng nói, sự thất bại của đề án 14.000 tỉ đồng chưa được nghiêm túc mổ xẻ, rút kinh nghiệm thì Bộ GD-ĐT đã lại vội xây dựng đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ĐH đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025" với mục tiêu đào tạo 9.000 tiến sĩ.
Nguồn kinh phí 12.000 tỉ đồng của đề án này được lấy chủ yếu từ Đề án 911 (10.200 tỉ đồng từ kinh phí còn lại của Đề án 911) và 1.800 tỉ đồng từ các cơ sở giáo dục ĐH và đối tượng thụ hưởng đề án. Theo đề án này, sẽ đào tạo khoảng 5.000 tiến sĩ ở nước ngoài tại các trường ĐH có uy tín trên thế giới. Từ năm 2018 đến 2025, mỗi năm tuyển chọn khoảng từ 600 - 700 NCS đi đào tạo ở nước ngoài. Ngoài ra, sẽ đào tạo khoảng 2.000 tiến sĩ tại các cơ sở giáo dục ĐH ở Việt Nam và thu hút khoảng 1.500 tiến sĩ đang công tác ở nước ngoài đến làm việc tại các trường ĐH tại Việt Nam...
GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng phải phân tích rõ tại sao Đề án 911 không thành công, đó là vì không có được nguồn tuyển dồi dào do NCS không thích đi học bằng đề án này. Học bổng của Chính phủ Việt Nam vừa thấp vừa nhiều ràng buộc. Những người giỏi sẽ tìm cách xin học bổng của chính phủ nước ngoài và điều này với họ không khó.
Bà Hoàng Mai Phương, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đánh giá cách thức tổ chức và sử dụng kinh phí của Đề án 911 có quá nhiều hạn chế. Việc xây dựng đề án quá cao, thiếu cơ sở khảo sát, đánh giá về khảo sát thực tế, dự kiến nguồn tuyển sinh không đúng... Bộ GD-ĐT cần thẳng thắn rút kinh nghiệm cho những đề án tiếp theo chứ không phải lại vội vàng xây dựng một đề án mới thiếu tính khả thi tương tự.
Bộ GD-ĐT đã nộp lại hơn 50 tỉ đồng
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị về xử lý tài chính đối với Bộ GD-ĐT, thu hồi nộp ngân sách nhà nước gồm hơn 50 tỉ đồng là học phí của NCS tại Cục Hợp tác quốc tế (từ năm 2012 đến ngày 30-7-2017); các khoản chi sai chế độ, không đúng quy định hơn 424 triệu đồng; thu hồi kinh phí do NCS bỏ học hơn 207 triệu đồng. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT phải hủy dự toán nguồn kinh phí đề án hơn 2,8 tỉ đồng và giảm kinh phí quyết toán năm 2016 hơn 48 triệu đồng…
Giải thích về con số hơn 50 tỉ đồng phải nộp lại này, ông Nguyễn Quang Hưng cho hay theo quy định, các NCS được cử đi học tại nước ngoài theo Đề án 911 sẽ phải nộp học phí 13 triệu đồng/năm (52 triệu đồng/4 năm) kể từ năm 2014. Tổng số học phí các NCS đã nộp từ ngày 1-1-2014 đến 27-7-2017 là hơn 50 tỉ đồng. Số tiền này Bộ GD-ĐT đã nộp lại theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước.
Bộ GD-ĐT muốn giải ngân 12.000 tỉ đồng?
Giảng viên một trường ĐH lớn của Hà Nội nhận xét dù Đề án 911 thất bại nhưng dường như Bộ GD-ĐT không tìm cách cải tiến cho đề án sau mà chỉ nghĩ cách làm sao giải ngân được tiền.
Theo giảng viên này, khó khăn lớn nhất khiến đề án đào tạo 9.000 tiến sĩ của Bộ GD-ĐT đứng trước nguy cơ thất bại chính là tìm đâu ra nguồn tuyển. "Để có được 9.000 tiến sĩ chất lượng thì phải cần ít nhất 9.000 NCS có năng lực, say mê nghiên cứu và có khả năng ngoại ngữ tốt. Ngoài ra, cần phải có thêm được 9.000 giáo sư để hướng dẫn các NCS này" - giảng viên này đặt vấn đề.
Vị giảng viên này phân tích nếu máy móc đưa ra những con số mà không tính đến hoàn cảnh thực tế thì đề án này cũng sẽ sớm thất bại. "Ồ ạt đào tạo theo số lượng 9.000 người thì sẽ tạo ra một lò ấp tiến sĩ "giấy" với những đề tài vớ vẩn chẳng đâu vào đâu. Theo tôi, Bộ GD-ĐT cần cải tiến lại đề án, tính toán phù hợp thực tế và nghiên cứu làm sao để đào tạo có chất lượng hơn là tìm cách để giải ngân con số 12.000 tỉ đồng này" - giảng viên này nói.
TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và Phát triển, cũng tỏ ra thất vọng trước đề án 9.000 tiến sĩ của Bộ GD-ĐT. "Đề án 23.000 tiến sĩ đã thất bại thảm hại nhưng hình như Bộ D-ĐT không nghiêm túc rút kinh nghiệm mà chỉ muốn làm sao để giải ngân được 12.000 tỉ đồng. Trong điều kiện ngân sách quốc gia đang rất khó khăn mà chỉ mong muốn giải ngân hơn chục ngàn tỉ đồng, không tính toán đến thực tế và hiệu quả thì tôi cho là không hợp lý" - TS Vịnh nhìn nhận.
Bình luận (0)