Chiều 3-2, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã chủ trì, triệu tập cuộc họp đối với tất cả lãnh đạo các quận - huyện, sở - ngành trên địa bàn TP về việc phòng chống dịch bệnh do virus corona.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp, chỉ đạo phòng chống dịch bệnh do virus corona
Sở Du lịch TP HCM báo cáo đã triển khai công tác phòng chống dịch bệnh đến các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn; yêu cầu lễ tân, nhân viên thực hiện các biện pháp vệ sinh; khuyến khích hành khách tự bảo vệ tính mạng; các cơ sở lưu trú nắm rõ hành khách. Tuy nhiên, đại diện sở này cũng boăn khoăn việc ngưng hoạt động lễ hội sẽ ảnh hưởng rất lớn.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng trong điều kiện lúc này, doanh nghiệp phải chấp nhận thiệt hại kinh tế, không để vì chuyện này mà ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Ông Đỗ Văn Dũng, Trưởng Phòng Quản lý Nghiệp vụ Dược - Sở Y tế TP HCM, nhìn nhận hiện nhu cầu cần khẩu trang là rất lớn nhưng các đơn vị không thể sản xuất cung ứng vì nguyên liệu sản xuất sản phẩm này chủ yếu từ Trung Quốc mà giờ đã ngưng. Ông cũng thông tin Sở Y tế đang xem xét việc nên hay không sử dụng khẩu trang giấy của một nhóm các nhà khoa học nghiên cứu tẩm tinh dầu tràm có khả năng diệt khuẩn rất cao.
Theo ông Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế Công cộng TP HCM, hiện nay, hầu như 99% người dân đeo khẩu trang không đúng cách. "Nếu đeo khẩu trang không đúng cách thì nguy cơ lây bệnh loại virus này lại rất cao so với người không đeo khẩu trang" - ông Giang khuyến cáo.
Cuộc họp triệu tập tất cả các lãnh đạo quận - huyện, sở - ngành trên địa bàn TP chiều 3-2
Cập nhật mới nhất số ca mắc, GS-TS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết đến 13 giờ 30 phút ngày 3-2, trên thế giới đã có 17.385 người nhiễm virus corona (trong đó Việt Nam có 8 trường hợp), 362 trường hợp tử vong. Tốc độ lây lan của dịch bệnh rất cao, phức tạp. Tại Trung Quốc, chỉ 2 ngày qua, mỗi ngày trung bình có 50 ca mắc được ghi nhận. Ngành y tế TP cũng vừa đưa yêu cầu những trường hợp nào đi từ vùng dịch về Việt Nam thì tự cách ly 14 ngày...
GS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, đề nghị cần nâng cao giám sát từ phía trong, làm thế nào để cán bộ y tế không bị nhiễm, lòng dân an, nếu không dễ "vỡ trận".
Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP HCM Trần Lưu Quang lưu ý một số điểm như cơ sở 2 của Bệnh viện Ung Bướu TP HCM xây gần xong, trường hợp khẩn cấp có thể trưng dụng làm bệnh viện dã chiến; công bố đường dây nóng của TP.
Kết luận chỉ đạo cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Để TP không có nguy cơ lây lan dịch virus corona thì trước hết, phải ngăn những yếu tố nguy cơ, ngăn chặn trước, làm sao cách ly giám sát người chưa có biểu hiện, để dịch bùng phát thì không có bệnh viện dã chiến nào chứa nổi. Đồng thời, dự báo nguy cơ dòng người di cư vào TP; thông điệp ảnh hưởng kinh tế ít nhất nhưng đặt phòng chống dịch phải lên hàng đầu.
Bí thư Thành ủy TP HCM cũng yêu cầu xem lại nhiệm vụ tại chỗ của quận - huyện là gì, việc kiểm tra y tế phường - xã trên địa phương ra sao, có làm đúng chức năng hay không? Phường - xã hỗ trợ người dân giám sát tại nhà như thế nào?
Theo Bí thư Thành ủy TP, phải bảo đảm duy trì phòng chống lây nhiễm, kiểm tra các bệnh viện, chậm nhất ngày 15-2 phải trang bị đầy đủ dụng cụ (áo khoác, thuốc men); phân cấp giám sát duy trì rõ ràng (đưa về cơ sở quận huyện, không để quá tải)…
Ở nước ngoài về đi kiểm tra sức khỏe, không đến cơ quan làm việc ngay
Yêu cầu trên được ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, đưa ra trong buổi làm việc với Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng TP về việc phòng chống dịch bệnh virus corona tổ chức tại UBND TP HCM chiều cùng ngày.
Ông Lê Thanh Liêm yêu cầu tất cả cán bộ, công chức đi nước ngoài thời gian qua không nên đến cơ quan làm việc ngay mà phải đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Thanh Liêm chủ trì buổi làm việc phòng chống virus corona chiều 3-2
"Các đồng chí đi công tác nước ngoài về thì không nên họp trong cuộc họp này mà cử người khác đi họp. Ai đi từ vùng dịch về tự cách ly 14 ngày. Lập hết danh sách những người tham dự cuộc họp để theo dõi về sau. Dịch bệnh virus corona lan từng giờ, từng phút. Có thể không đặt chân đến vùng dịch, chỉ đi Lào, Campuchia… nhưng trên chuyến bay có hành khách đến từng vùng dịch thì cũng rất nguy hiểm, phải cảnh giác. Đề nghị cán bộ phải trên tinh thần không chủ quan, tự bảo vệ tính mạng, gia đình, đồng nghiệp, cộng đồng" - ông Liêm nhấn mạnh.
Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM, hiện mỗi ngày hệ thống vận tải TP vận chuyển tổng cộng hơn 1,6 triệu người nên khả năng lây lan dịch bệnh qua đường hô hấp rất cao. Sở đã yêu cầu các đơn vị liên quan hằng ngày sát trùng tất cả các khu vực đông người như nhà ga, bến xe hoặc bên trong các xe, liên tục trong 2 tuần.
Sắp tới, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP HCM sẽ thực hiện tầm nhiệt ở ga quốc nội, ga tàu lửa. Đối với hàng không, trước mắt sẽ kiểm soát các chuyến bay từ Nha Trang, Thanh Hóa, Quảng Ninh..., trước khi kiểm soát toàn bộ ở ga quốc nội. Đối với ga tàu lửa, sẽ kiểm soát thân nhiệt trước mắt ở tuyến Sài Gòn - Nha Trang. Hiện Sở Y tế đã huy động thêm 20 bác sĩ từ tuyến quận, huyện để tăng cường ở các điểm này.
Phó Chủ tịch TP lo ngại nguy cơ lây lan trong lĩnh vực vận tải là rất lớn, có thể nhân theo cấp số nếu có ca mắc lây lan. Hiện công tác giám sát phát hiện dịch bệnh do virus corona tại cảng hàng không quốc tế, đường bộ trên địa bàn TP đã được triển khai thực hiện nhưng cảng hàng hải thì bỏ ngõ. "Phải thực hiện kiểm dịch ngay, với tình tình trạng khẩn cấp này cần kiểm soát trước khi cho lên bờ" - ông Liêm chỉ đạo.
Ngoài ra, lãnh đạo TP cũng yêu cầu các sở, ngành Công thương, Quản lý thị trường... kiểm tra, xử lý nghiêm đối với tình trạng lợi dụng dịch bệnh đầu cơ, găm hàng, tăng giá các loại khẩu trang, vật tư y tế, trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh.
Phải có nước rửa tay, khẩu trang trên xe khách
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM vừa đề nghị các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn TP thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona, theo khuyến cáo và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Theo đó, các đơn vị phải tuyên truyền đến hành khách các biện pháp chống dịch bệnh và đảm bảo giữ vệ sinh phương tiện; chủ động liên hệ các cơ sở y tế, trung tâm y tế dự phòng tổ chức phun thuốc sát trùng ở các khu đông người khi cần thiết. Cụ thể là nơi tiếp công dân, nhà ga, bến xe, cảng, bến thủy nội địa, phương tiện…
Đặc biệt, các đơn vị bố trí dung dịch rửa tay và khẩu trang dự phòng trên phương tiện để phòng chống dịch.
Đề nghị có nước rửa tay, khẩu trang trên xe khách chống dịch cúm virus corona
Đối với các bến xe khách trên địa bàn TP, Sở GTVT đề nghị tại những nơi đông người, nhất là khu vực vệ sinh cần bố trí xà phòng rửa tay hoặc nước diệt khuẩn cho hành khách, tài xế, nhân viên phục vụ trên xe theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Riêng với hệ thống xe buýt và trên các phương tiện đường thủy, bến khách ngang sông..., Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng, Trung tâm Quản lý đường thủy phải tăng cường công tác tuyên truyền việc phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, thực hiện tốt việc bảo đảm và giữ vệ sinh tại bến xe buýt.
Sở GTVT cũng đề nghị phun thuốc sát trùng ở các khu đông người như bến xe
Trong khi đó, với một số đơn vị liên quan như ngành đường sắt, các hiệp hội vận tải, thanh niên xung phong..., lãnh đạo Sở GTVT đề nghị tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh, phòng chống dịch bệnh.
"Các đơn vị cũng phải chủ động phối hợp với các cơ sở y tế trên địa bàn TP ngăn ngừa và triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời với các tình huống xảy ra (nếu có) trước dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra" - lãnh đạo Sở GTVT nhấn mạnh.
Gia Minh
Bình luận (0)