UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về việc triển khai công tác lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Cần đồng bộ để tránh điều chỉnh
Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011, đến nay đã gần 10 năm.
Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết sự cần thiết ban hành kế hoạch vì trong 10 năm qua, một số quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực quy hoạch đô thị đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới; ngoài ra, có sự điều chỉnh về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia, cấp vùng ảnh hưởng tới tính chất, chức năng, định hướng phát triển thủ đô.
Hà Nội đang nỗ lực để khép kín các đường vành đai, tạo động lực phát triển mới
Cùng với đó, định hướng phát triển tại các khu vực Đông Anh, Gia Lâm, Yên Viên, Long Biên theo chỉ đạo của Thủ tướng; định hướng phát triển đô thị tại các huyện Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng lên thành quận; việc quy hoạch xây dựng không gian ngầm gắn kết với công trình theo mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng) tại khu vực đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh; các dự án trọng điểm như đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị... và các yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị và nông thôn trên địa bàn thủ đô.
UBND TP Hà Nội đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức triển khai lập Quy hoạch TP thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quy hoạch có tầm bao quát lớn, tích hợp đồng bộ các quy hoạch chuyên ngành, lĩnh vực, các luật có liên quan đến quy hoạch toàn TP. Do đó, cần thiết phải ban hành kế hoạch triển khai công tác lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 để bảo đảm việc nghiên cứu triển khai. "Mục tiêu việc điều chỉnh lần này là nhằm triển khai, bảo đảm lồng ghép thống nhất các nội dung với quy hoạch TP Hà Nội đang triển khai, tránh trường hợp thiếu sự đồng bộ thống nhất, phải điều chỉnh sau này" - lãnh đạo UBND TP Hà Nội nêu rõ.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết đã ký quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo TP để tổ chức lập quy hoạch nêu trên do Chủ tịch UBND TP Hà Nội làm trưởng ban.
Cần có lộ trình để thực hiện
Sau khi Quy hoạch chung 1259 được duyệt, Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành triển khai thực hiện đồng bộ khối lượng lớn các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, hạ tầng kỹ thuật, sử dụng đất, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội…, đến nay đã đạt được nhiều thành tựu và kế hoạch đề ra.
Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội, bên cạnh các kết quả đạt được, sau 10 năm triển khai thực hiện, Quy hoạch chung 1259 đã bộc lộ một số tồn tại như: đồ án quy hoạch ngành, mạng lưới, lĩnh vực… còn chưa đồng bộ với quy hoạch xây dựng; quản lý trật tự xây dựng còn hạn chế; việc triển khai thực hiện quy hoạch sau khi phê duyệt còn chậm; thiếu nguồn lực và sức hút trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật khung, xây dựng, cải tạo chung cư cũ… khiến bộ mặt đô thị chưa được đồng bộ, khang trang.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng những tồn tại, bất cập gây bức xúc trong thời gian qua như: ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, chậm di dời các cơ sở ô nhiễm, trường đại học, bệnh viện, trụ sở bộ ngành… cho thấy việc tổ chức thực hiện theo định hướng của Quy hoạch chung 1259 còn nhiều hạn chế. Ngoài việc hạn chế trong tổ chức thực hiện các quy hoạch đã được lập thì điều đáng bàn là đến nay các quy hoạch vẫn chưa hoàn thành, vẫn còn những quy hoạch phân khu chưa được duyệt như quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống… các quy hoạch chậm triển khai ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thủ đô.
Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, cho rằng để thực hiện tốt được nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch tổng thể, trước hết cần phải có đợt nghiên cứu, tổng kết lại những định hướng đã được duyệt và vấn đề chậm triển khai theo Quy hoạch chung 1259 để có được đề xuất hợp lý. Việc điều chỉnh quy hoạch lần này chính là bệ đỡ để đẩy nhanh thực hiện các quy hoạch huyện lên quận, nâng tỉ lệ đô thị hóa của Hà Nội.
"Trong điều chỉnh quy hoạch lần này cần đề cập đến mục tiêu mà TP Hà Nội đang hướng tới là xanh - văn hiến - văn minh - thông minh. Hà Nội đang là một trong 3 TP thuộc 3 vùng trọng điểm của cả nước xây dựng TP thông minh. Xây dựng TP thông minh là một chặng đường dài nhưng trong giai đoạn tới thực hiện theo lộ trình như thế nào thì trong nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch lần này cần phải đặt ra để hướng tới. Việc điều chỉnh quy hoạch lần này phải gỡ những nút thắt về các vấn đề gắn với đời sống dân sinh bức xúc cũng như tái thiết bộ mặt đô thị Hà Nội, như cải tạo chung cư cũ, di dời các cơ sở công nghiệp ô nhiễm..." - kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm lưu ý.
Khẳng định vai trò trong vùng thủ đô
Lãnh đạo TP Hà Nội cho biết thủ đô Hà Nội là hạt nhân, đầu tàu kinh tế trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng. Điều chỉnh quy hoạch chung Hà Nội lần này ngoài việc định hướng để giải quyết những vấn đề tồn tại thì cũng là cơ hội để định hình lại vai trò của TP Hà Nội trong mối quan hệ vùng thủ đô. Nhất là thời gian gần đây, vùng thủ đô đã có những đổi mới như việc chuẩn bị xây dựng đường Vành đai 4, Vành đai 5, một số tỉnh lân cận đã phê duyệt quy hoạch tích hợp.
Bình luận (0)