Sáng sớm 10-12, anh Tánh được phát hiện đã chết trên Quốc lộ 1 đoạn qua thôn Phú Khê, xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa. Tại hiện trường vụ tai nạn, có 3 ổ gà to, sâu.
Phần đường này thuộc dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 qua tỉnh Phú Yên do Ban Quản lý dự án Thăng Long làm chủ đầu tư. Dù đại diện chủ đầu tư có đến nhà phúng viếng anh Tánh nhưng gia đình nạn nhân dẫn kết luận của Công an huyện Đông Hòa cho biết anh Tánh tử vong là do sụp ổ gà trong lúc chạy xe máy, do vậy phải làm rõ trách nhiệm của cá nhân có liên quan để công bằng với người đã mất mạng, đồng thời tránh gây đe dọa đến sự sống của người khác.
Đơn đề nghị khởi tố cũng nêu rõ hành vi của lãnh đạo chủ đầu tư có dấu hiệu tội "Vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông", theo điều 281 Bộ Luật Hình sự 2015.
Theo phản ánh của người dân địa phương và ghi nhận của phóng viên các báo, tuyến nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 qua tỉnh Phú Yên chi chít ổ gà, ổ voi, rãnh sâu. Cơ quan chức năng đã kiểm đếm được khoảng 5.200 ổ gà, ổ voi các cỡ. Công an huyện Đông Hòa cũng thông tin đã có nhiều trường hợp người dân lưu thông bằng xe máy, xe đạp qua đây bị té ngã và bị thương, nhẹ thì xây xát, nặng thì gãy xương. Người dân rất bức xúc vì không bảo đảm an toàn và cái chết của anh Trần Nguyễn Quang Tánh đã thổi bùng sự phẫn nộ của họ lên tới cao trào.
Ban Quản lý dự án Thăng Long đã nhận thức được trách nhiệm, thể hiện qua việc tạm đình chỉ công việc một số cán bộ liên quan vụ anh Tánh. Tuy nhiên, đã quá muộn màng khi một mạng người đã bị tước đoạt cùng nhiều trường hợp đã té ngã, kéo theo uy tín của chủ đầu tư xuống tận đáy. Không thể biện hộ được gì trước hậu quả đau đớn đã gây ra và hiện trạng mặt đường nát bét như ruộng cày.
Đơn đề nghị khởi tố của gia đình khổ chủ không chỉ xới lên một vấn đề đang thời sự là hiện trạng Quốc lộ 1 qua các tỉnh - thành, nhất là qua 2 tỉnh Phú Yên và Bình Định, quá nham nhở, mất an toàn giao thông nghiêm trọng dù trước đó nhà nước đã đổ xuống công trình này hàng ngàn tỉ. Không thể đổ lỗi cho đặc thù khí hậu, thổ nhưỡng, lưu lượng xe… mà chỉ có thể khẳng định do trình độ kỹ thuật thi công, chất lượng vật liệu. Nói trắng ra là thiếu trách nhiệm và thiếu lương tâm. Xây đường sá mà thiếu cả hai yếu tố này thì chẳng khác nào… giăng bẫy giết người!
Làm thế nào để chấm dứt thực trạng ấy? Đây là câu hỏi nhức nhối mà hầu như ai cũng mong có đáp án, nhất là khi nhiều nơi trên cả nước đang tồn tại lắm công trình hạ tầng giao thông đầu tư tiền "khủng" nhưng hư hỏng rất nhanh và thường xuyên.
Việc hình sự hóa và truy cứu đến cùng để xử lý trách nhiệm các cá nhân đã gián tiếp gây ra cái chết của anh Trần Nguyễn Quang Tánh cũng có thể sẽ là một phần của đáp án.
Bình luận (0)