Là người trực tiếp kiểm tra hiện trường vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội), ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về thực trạng sai phạm trong công tác xây dựng và PCCC của công trình này nói riêng và trên cả nước nói chung.
Phóng viên: Sau khi vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội) xảy ra, ông đã trực tiếp xuống hiện trường. Vậy ông đánh giá như thế nào về thiết kế của chung cư này?
- Ông VŨ NGỌC ANH: Trước tiên phải khẳng định cụm từ "chung cư mini" không có trong các văn bản quy phạm pháp luật, không được thừa nhận và thẩm định hồ sơ công trình dưới tên gọi này. Thực tế, việc xin giấy phép xây dựng, bán hay cho thuê, chủ cơ sở của mô hình này đều để tên là công trình nhà ở riêng lẻ. Tuy nhiên, nhà riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ, thì bản chất kỹ thuật là nhà chung cư - dù tên gọi khác nhau.
Theo giấy phép xây dựng được UBND quận Thanh Xuân cấp thì đây là nhà ở riêng lẻ, diện tích xây dựng tầng 1 (có tầng lửng) hơn 167 m2, mật độ xây dựng 70%. Công trình được cấp phép có chiều cao 6 tầng, tầng lửng và tum thang có không gian kỹ thuật. Tổng diện tích sàn xây dựng là hơn 1.165 m2 với tổng chiều cao công trình hơn 20 m (không tính tum thang).
Qua khảo sát thực tế và hồ sơ tôi nắm được thì trong căn nhà ở riêng lẻ này không nói rõ là được ngăn ra bao nhiêu căn phòng. Còn trên thực tế thì đây là một chung cư (người dân vẫn gọi là chung cư mini) cao 9 tầng, 1 tum. Đã là chung cư thì phải thiết kế tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan, trong đó có tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC.
Cầu thang bộ kiêm cầu thang thoát hiểm của chung cư này lại đặt ở giữa nhà. Theo yêu cầu tại QCVN 06:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình do Bộ Xây dựng ban hành, để người dân thoát hiểm khi có hỏa hoạn, cầu thang bộ thoát hiểm phải là buồng thang kín (tức là khi mở cửa ra thì cửa tự co lại để lúc nào cũng ở trạng thái đóng, giả sử có hỏa hoạn xảy ra thì khói và lửa không vào được và người dân vào đây để thoát ra ngoài).
Tiếp đó, xuống đến tầng 1, đáng lẽ phải có hành lang an toàn để thoát ra ngoài nhưng chung cư này không có. Không gian đáng lẽ phải để làm hành lang an toàn ở tầng 1 thì lại dùng làm chỗ để xe máy, cho nên khi cháy, ví dụ người dân có xuống đến tầng 1 cũng không thể thoát ra ngoài được.
Chung cư này vì diện tích nhỏ hơn 500 m2/sàn nên không cần bố trí thang thứ 2 bên ngoài nhưng phải bố trí các lối thoát hiểm khẩn cấp ở từng căn phòng có người ở ra bên ngoài (qua ban công, lô gia), để khi có hỏa hoạn, từ đây người dân có thể thoát sang nhà hàng xóm hoặc đu dây xuống chỗ an toàn. Tuy nhiên, ở chung cư này, đa phần các phòng đều hàn chuồng cọp kín, có một số chuồng cọp có cửa thoát hiểm; có nhà trang bị thang dây, có nhà không, nên khó thoát sang nhà hàng xóm khi có hỏa hoạn.
Chung cư ở phố Khương Hạ có một giếng thông gió (hay còn gọi là giếng trời) nhưng làm không đúng kỹ thuật. Khi cháy chung cư, khói lửa từ tầng 1 bốc lên các tầng khác bên trên thông qua giếng thông gió. Quanh các giếng thông gió, các căn hộ đều mở cửa sổ nên khi có cháy, khói, lửa từ dưới bốc lên và cháy lan vào thông qua rèm cửa.
Có thể khẳng định chung cư này không tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC; yêu cầu về thiết kế thoát nạn cho công trình.
Quy định pháp luật về xây dựng cũng như PCCC hiện hành đối với những chung cư mini như ở phố Khương Hạ đã đầy đủ chưa?
- Pháp luật về nhà ở đã có quy định nhà ở riêng lẻ được thiết kế, xây dựng có từ 2 căn hộ trở lên theo kiểu khép kín (có phòng ở riêng, khu bếp riêng, nhà vệ sinh, nhà tắm riêng), có diện tích sàn tối thiểu mỗi căn hộ từ 30 m2 trở lên và việc xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà ở này phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng.
Các quy định về xây dựng, PCCC đối với các chung cư mini đã có, việc các chủ đầu tư có tuân thủ hay không phụ thuộc nhiều vào sự giám sát, kiểm tra của ngành chức năng. Trong ảnh: Những chung cư mini ở Hà Nội. Ảnh: HỮU HƯNG
Luật Xây dựng 2014 đã quy định công trình xây dựng trong đó có nhà ở riêng lẻ tại khu vực đô thị phải được các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng ở trung ương, địa phương quản lý, kiểm soát chặt chẽ thông qua hoạt động cấp giấy phép xây dựng, quản lý chất lượng xây dựng tùy theo quy mô, cấp công trình.
Công trình nhà ở riêng lẻ được cấp giấy phép xây dựng khi đáp ứng các điều kiện như: phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất; bảo đảm an toàn cho công trình; đáp ứng yêu cầu về môi trường, phòng chống cháy nổ, bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật; có thiết kế tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, đáp ứng yêu cầu về công năng sử dụng, bảo đảm an toàn chịu lực, an toàn trong quá trình sử dụng...
Hiện nay, theo quy định tại điều 9 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP của Chính phủ, việc xây dựng nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân phải tuân thủ các quy định như: Nếu xây dựng nhà ở từ 7 tầng trở lên hoặc có từ 2 tầng hầm trở lên, hồ sơ thiết kế phải được thẩm tra thiết kế xây dựng về nội dung an toàn công trình trước khi xin cấp giấy phép xây dựng. Việc thiết kế và thẩm tra thiết kế phải được tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật thực hiện.
Theo quy định tại mục 1.1.13 của quy chuẩn 06:2021/BXD của Bộ Xây dựng, nhà ở riêng lẻ cho hộ gia đình có chiều cao từ 6 tầng trở xuống hoặc có không quá 1 tầng hầm, không bắt buộc áp dụng quy chuẩn này mà thực hiện theo hướng dẫn riêng, phù hợp cho từng đối tượng nhà và khu dân cư. Trường hợp chuyển đổi công năng sang các mục đích khác phải tuân thủ theo quy định của quy chuẩn này và phải được cơ quan Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ có thẩm quyền thẩm duyệt như đối với các công trình thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 121/2013/NĐ-CP; Nghị định số 139/2017/NĐ-CP và nay là Nghị định số 16/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động xây dựng, trong đó có quy định cụ thể các hành vi vi phạm và các chế tài.
Như vậy, pháp luật về xây dựng, nhà ở đã tạo hành lang pháp lý để điều chỉnh đầy đủ các hoạt động có liên quan trong lĩnh vực xây dựng công trình nói chung, xây dựng nhà ở riêng lẻ nói riêng, trong đó có loại hình nhà ở riêng lẻ thiết kế nhiều tầng, nhiều hộ ở tại khu vực đô thị.
Tuy nhiên, thời gian qua, ở một số địa phương, tại khu vực đô thị hoặc các khu dân cư gần các KCN, KCX, khu kinh tế... xuất hiện tình trạng lợi dụng sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng nên các cá nhân đã xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ để ở hoặc xây dựng nhà ngăn phòng cho thuê để ở, không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng, PCCC. Việc này dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao, điển hình là vụ cháy chung cư tại phố Khương Hạ vừa qua gây thiệt hại rất nghiêm trọng về người và tài sản.
Hiện nay ở Hà Nội, TP HCM và các KCN, KCX ở các đô thị lớn, có hàng ngàn chung cư mini được xây dựng để bán và cho thuê. Ông có khuyến cáo gì với chính quyền các địa phương cũng như người dân trong tuân thủ quy định về xây dựng cũng như PCCC?
- Tháng 6-2020, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi UBND các địa phương về việc tăng cường thực hiện quy định pháp luật về xây dựng, kiểm soát trật tự xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ để ở. Mới đây nhất, sau vụ cháy ở phố Khương Hạ, ngày 15-9, bộ tiếp tục có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về nội dung này.
Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp các cơ quan chức năng của địa phương tiếp tục thực hiện các nội dung nêu trong Văn bản số 2937/BXD-QLN ngày 18-6-2020 của Bộ Xây dựng.
Đối với các công trình đã hoàn thành, phải khẩn trương rà soát toàn bộ để kịp thời phát hiện các vi phạm về trật tự xây dựng, đặc biệt là vi phạm về PCCC. Theo đó, các công trình phải có giải pháp ngăn cách khu vực để xe với khu vực ở và có lối thoát nạn riêng; đầu tư trang thiết bị về PCCC phù hợp; bố trí người có sức khỏe, kinh nghiệm để quản lý vận hành tòa nhà; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.
Đối với các công trình nêu trên khi xây dựng mới, các cơ quan có thẩm quyền của địa phương phải kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng, PCCC; quản lý việc cấp giấy phép xây dựng theo quy định.
Bên cạnh đó, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự xây dựng, PCCC của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA):
Ngăn chặn biến tướng "chung cư mini" từ gốc
Hơn 10 năm qua, HoREA có rất nhiều văn bản kiến nghị về "chung cư mini", trong đó có báo cáo nghiên cứu và rà soát một số quy định "bất cập" của Luật Nhà ở 2014.
Cụ thể, khoản 2 điều 46 Luật Nhà ở 2014 quy định: Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được phép xây dựng nhà ở có từ hai tầng trở lên mà tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng từ hai căn hộ trở lên theo kiểu khép kín, có đủ tiêu chuẩn diện tích sàn xây dựng tối thiểu mỗi căn hộ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và có phần diện tích thuộc sở hữu riêng, phần diện tích thuộc sở chung của nhà chung cư theo quy định của luật này thì được Nhà nước công nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà ở đó.
Quy định này đã làm phát sinh nhiều chung cư mini biến tướng tại các đô thị với 100% căn hộ mini, phòng ở. Ngoài ra, tình trạng "khoét lõm", xây dựng tràn lan chung cư mini dễ tạo ra những khu ổ chuột, không bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người mua nhà.
Chung cư mini làm phá vỡ quy hoạch phát triển đô thị, tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng của khu vực, gây mất mỹ quan, không bảo đảm an toàn PCCC cũng như thiếu các tiện ích, dịch vụ phục vụ cư dân. Lẽ ra loại công trình này chỉ nên cho phép kinh doanh cho thuê nhà ở.
Quy định trên cũng dẫn đến các chung cư mini có 100% căn hộ mini không phù hợp với "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư" quy định căn hộ nhà chung cư có diện tích sử dụng tối thiểu 25 m2 và số lượng căn hộ nhỏ có diện tích dưới 45 m2 không được vượt quá 25% tổng số căn hộ của dự án.
HoREA kiến nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét sửa đổi khoản 2 điều 46 Luật Nhà ở 2014 để ngăn ngừa và kiểm soát tình trạng xây dựng chung cư mini biến tướng để bán, chuyển nhượng các phòng ở mini tại các đô thị.
Cụ thể, có thể sửa đổi khoản 2 điều 46 Luật Nhà ở 2014 theo hướng: Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được phép xây dựng nhà ở có từ 2 tầng trở lên mà tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng từ 2 căn hộ trở lên theo kiểu khép kín theo quy chuẩn kỹ thuật xây dựng quốc gia về nhà chung cư và có phần diện tích thuộc sở hữu riêng, phần diện tích thuộc sở chung của nhà chung cư theo quy định của luật này thì được nhà nước công nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà ở đó.
Trường hợp nhà chung cư mà tất cả các căn hộ có diện tích sử dụng tối thiểu và phòng ở theo quy định của Bộ Xây dựng thì chỉ được cho thuê, không được bán, chuyển nhượng từng căn hộ hoặc từng phòng ở".
Q.Anh ghi
Tình hình các nạn nhân: Còn 1 trường hợp nặng phải thở máy
8 giờ sáng hôm nay (18-9), các cơ quan, đơn vị của Hà Nội sẽ dành 1 phút mặc niệm các nạn nhân đã tử vong trong vụ cháy chung cư mini ở số 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân).
Tính đến chiều 17-9, nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã hỗ trợ các nạn nhân vụ cháy bằng tiền mặt là gần 55 tỉ 500 triệu đồng.
PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết trong số 27 bệnh nhân mà bệnh viện tiếp nhận điều trị liên quan vụ (TP Hà Nội) đến nay chỉ còn 1 trường hợp nặng phải thở máy. Riêng nữ bệnh nhân V.T.N (39 tuổi, công tác tại Bệnh viện Bạch Mai) đã qua giai đoạn nguy hiểm.
Trong vụ cháy chung cư mini, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận tổng cộng 27 bệnh nhân; có 8 trẻ em, bé nhất là 8 tháng tuổi. Lãnh đạo bệnh viện cho biết ngoài 2 bệnh nhân kể trên, các trường hợp còn lại đã tỉnh táo, có thể ra viện. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục được theo dõi ở bệnh viện để điều trị ôxy cao áp, giải ngộ độc CO, tránh biến chứng thần kinh về sau.
Các bệnh viện khác đang điều trị nạn nhân của vụ cháy cũng thông tin sức khỏe các bệnh nhân tiến triển tốt, ổn định. Tuy nhiên, một số trường hợp còn bất ổn tâm lý do người thân tử vong.
N.Dung - B.H.Thanh
Bình luận (0)