Từ đầu mùa mưa tới nay, TP Hà Nội đã trải qua không ít trận mưa gây ngập. Với người dân, mỗi khi trời mưa lại dâng lên nỗi lo lắng giao thông ùn tắc, hỗn loạn làm ảnh hưởng tới việc đi lại, sinh hoạt bị đảo lộn.
Hà Nội ngập mỗi khi mưa lớn không phải là chuyện mới, mà đã diễn ra nhiều năm nay cùng với tốc độ đô thị hóa của một thành phố gần chục triệu dân. Nguyên nhân gây ngập cũng đã được chỉ ra, trong đó có các nguyên nhân được cho là do lịch sử hoặc lưu cữu nhiều năm.
Nguyên nhân hàng đầu thường được chỉ ra là Hà Nội phát triển lên từ đô thị cũ nên hệ thống hạ tầng thoát nước lạc hậu, không thể đáp ứng yêu cầu thoát nước hiện tại. Cùng với đó, tốc độ đô thị hóa quá nhanh của Hà Nội khiến hệ thống thoát nước vốn đã quá tải càng thêm quá tải.
Một nguyên nhân khác cũng thường được nêu ra là biến đổi khí hậu dẫn tới các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn bất thường. Đơn cử như trong trận mưa các ngày 29-5 và 13-6 vừa qua gây ra hơn 100 điểm ngập khắp thành phố, có cường độ lần lượt là hơn 132 mm và 138 mm chỉ trong khoảng thời gian 2 giờ (theo số liệu đo trạm Láng), đều có lượng mưa vượt mức lịch sử năm 1986.
Tất nhiên, không ai phủ nhận hạ tầng thoát nước Hà Nội cũ kỹ hay mưa lớn cực đoan do biến đổi khí hậu, song có những nguyên nhân chủ quan khiến việc ngập úng tại TP thêm nặng nề.
Trước hết đó là khâu quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Đây là vấn đề khiến cho hậu quả thiên tai thêm trầm trọng. Việc các quận mới phát triển sau này như Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và Hà Đông là những "điểm nóng" mưa ngập ở Hà Nội, cũng là điều đáng tìm hiểu nguyên nhân, giải pháp và đúc rút kinh nghiệm về công tác quy hoạch, thực hiện quy hoạch trong phát triển đô thị.
Để chống ngập trong nội thành, Hà Nội đã đầu tư lớn cho các dự án thoát nước. Trong đó, đáng chú ý là 3 dự án đã và đang triển khai với tổng số tiền hơn 19.000 tỉ đồng. Thế nhưng, trạm bơm tiêu nước phía Tây Hà Nội (phường Yên Nghĩa, Hà Đông) được cho là lớn nhất Đông Nam Á dù đã đi vào hoạt động từ 2 năm nay nhưng chưa bao giờ phải hoạt động hết công suất do nước mưa đổ về đây không nhiều, trong khi cách đó chỉ 1 km có điểm ngập úng sâu.
Mưa ngập ở Hà Nội vì thế đâu chỉ do ông trời. Nếu không khắc phục được nguyên nhân chủ quan, e rằng điệp khúc "mưa ngập" sẽ mãi tồn tại.
Bình luận (0)