Liên quan vụ việc 3.750 con heo sống bị phát hiện tiêm thuốc an thần tại cơ sở giết mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP HCM) vào ngày 28-9, Chi cục Thú y TP HCM yêu cầu 17 nhân viên công tác tại cơ sở giết mổ này làm bản giải trình. Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM, đã thông tin như trên tại cuộc họp báo vào sáng 30-9.
Phần lớn heo nhiễm thuốc
Nhấn mạnh đây là vụ việc rất nghiêm trọng, ông Phát nói Chi cục Thú y TP HCM cũng đã đề nghị công an vào cuộc. "Song song với việc xử lý thương lái, toàn bộ cán bộ thú y có liên quan tại lò mổ đã phải viết giải trình. Nếu phát hiện nhân viên thú y nào thông đồng với đối tượng tiêm thuốc an thần cho heo thì sẽ bị xử lý đúng pháp luật" - ông Phát nhấn mạnh.
Cũng tại họp báo, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng Phòng Thanh tra chuyên ngành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trưởng đoàn kiểm tra, đã công bố kết quả giám định mẫu heo nghi nhiễm thuốc an thần. Theo đó, có 21 chủ hàng đưa heo về giết mổ tại cơ sở Xuyên Á vào đêm 28 và rạng sáng 29-9. Kết quả xét nghiệm các mẫu nước tiểu heo xác định 13/21 mẫu dương tính với hoạt chất thuốc an thần acepromazine. Đặc biệt, trong hơn 4.000 con heo bị tạm giữ có 3.750 con heo được xác nhận bị nhiễm thuốc an thần. Ngoài ra, 4/4 mẫu thuốc thu tại lò mổ có kết quả hàm lượng acepromazine đậm đặc (0,47-0,51mg/ml).
Heo bị tiêm thuốc ngủ li bì tại lò mổ Xuyên ÁẢnh: HOÀNG TRIỀU
Cũng theo ông Dũng, từ việc kiểm tra bắt quả tang tiêm thuốc an thần, kết quả kiểm nghiệm và sự thừa nhận hành vi vi phạm của các chủ hàng, đoàn kiểm tra đã lập biên bản xử phạt hành chính 11 trường hợp với mức phạt 32,5 triệu đồng, 2 trường hợp chịu mức phạt 35 triệu đồng do có tình tiết tăng nặng. Tổng số tiền phạt đối với vụ việc trên là 427,5 triệu đồng.
Đối với tang vật, ông Dũng cho biết đang lưu giữ tại lò mổ Xuyên Á để chờ lấy mẫu xét nghiệm lần 2, nếu âm tính sẽ cho giết mổ còn dương tính sẽ giữ lại. Trong quá trình lưu giữ, nếu heo chết sẽ buộc phải xử lý tiêu hủy.
"Đây là quy định hiện hành của Chính phủ, sắp tới Thanh tra bộ sẽ tham mưu cho bộ trưởng đề xuất tiêu hủy heo những trường hợp trên để tăng sức răn đe" - ông Dũng nói.
Lo rớt giá
Ông Dũng cũng cho rằng việc sử dụng thuốc an thần tiêm cho heo trước khi giết mổ là hành vi đáng lên án. Vụ việc vừa phát hiện có tác động tiêu cực đến thị trường và nông dân nuôi heo.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cũng bày tỏ lo lắng: "Đây không phải lỗi của người nuôi heo nhưng họ sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề vì sức mua sẽ giảm sút, giá heo tiếp tục xuống".
Theo ông Đoán, cơ sở giết mổ Xuyên Á là nơi cung cấp hơn 50% sản lượng heo cho thị trường TP HCM. Trước khi cơ quan chức năng phát hiện vụ việc, giá heo hơi ở mức 30.000 đồng/kg (dưới giá thành) nhưng còn bán được. Nay có nông dân phải bán dưới 30.000 đồng/kg nhưng thương lái không mua. "Chuyện heo tiêm thuốc an thần không mới nhưng trước đây chỉ nhỏ lẻ, xảy ra ở lò mổ lậu, quy mô vài chục con. Nay việc tiêm thuốc ở ngay lò mổ hợp pháp với số lượng hàng ngàn con, có giám sát của thú y quả là kinh khủng. Trách nhiệm này là của cơ quan quản lý nhà nước, không thể đổ cho ai" - ông Đoán thẳng thắn.
Trong khi đó, theo ghi nhận của phóng viên, trong khi thương lái e dè mua heo của nông dân thì giá heo mảnh bán tại các chợ ở TP HCM có dấu hiệu giảm so với ngày 29-9. Tại chợ đầu mối Bình Điền (quận 8), giá heo mảnh giao động từ 46.000 - 48.000 đồng/kg, thấp hơn mức 52.000 đồng/kg so với ngày 29-9.
Theo một số đơn vị kinh doanh thực phẩm chế biến, thông tin heo nhiễm thuốc an thần có thể dẫn đến sức mua giảm sút trong thời gian tới vì người tiêu dùng "nhạy cảm" với các thông tin liên quan đến an toàn thực phẩm.
Vướng mắc xử lý heo nhiễm thuốc
Theo ông Huỳnh Tấn Phát, trước đây, hành vi tiêm thuốc an thần vào heo này được xếp chung vào nhóm "tiêm chất khác vào động vật trước giết mổ" với mức phạt từ 5-6 triệu đồng/trường hợp. Sau khi TP HCM kiến nghị bổ sung hành vi vi phạm vào luật thì mức phạt cũng được tăng lên, từ 30-35 triệu đồng/trường hợp. Từ năm 2016 đến nay, TP HCM đã xử phạt nhiều vụ tiêm thuốc an thần nhưng số lượng không nhiều.
Ông Phạm Tiến Dũng nhìn nhận việc xử lý vi phạm liên quan đến tiêm thuốc an thần hiện nay còn vướng mắc về pháp lý là chỉ xử lý được vi phạm trong trường hợp bắt quả tang. Một cán bộ thú y tại TP HCM cũng cho rằng việc kiểm soát giết mổ, vận chuyển và xử lý vi phạm hiện nay gặp nhiều khó khăn do cơ chế phân quyền chưa rõ.
Bình luận (0)