Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, ngày 5-8, Đại diện cấp cao của Liên minh Châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Federica Mogherini đã có cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hà Nội.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Federica Mogherini - Ảnh: VGP/Hải Minh
Trong họp báo sau hội đàm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết hai bên hài lòng trước những bước phát triển tích cực của quan hệ Việt Nam-EU nói chung và quan hệ giữa Việt Nam với các nước thành viên EU nói riêng trên các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại và đầu tư.
Đề nghị EU sớm phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư với EU (EVIPA), sớm mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân hai bên, Phó Thủ tướng tin tưởng sau khi hai Hiệp định trên được phê chuẩn, hợp tác kinh tế sẽ được mở rộng và đi vào chiều sâu, quan hệ Việt Nam-EU sẽ phát triển sang một giai đoạn mới, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của cả hai bên, đồng thời tạo xung lực mới thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế và đẩy nhanh lộ trình tiến tới Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-EU.
Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ của EU và các nước thành viên cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế, mong muốn EU tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực thể chế, quản trị công, triển khai hiệp định thương mại vừa ký kết, ứng phó với biển đổi khí hậu, phát triển năng lượng bền vững, y tế… đã được hai bên thống nhất tại phiên họp đầu tiên của Ủy ban hỗn hợp triển khai Hiệp định Hợp tác Đối tác toàn diện Việt Nam-EU (PCA).
Phó Thủ tướng đề nghị phía EU sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" đối với thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang EU và cùng triển khai tốt Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT).
Việt Nam đánh giá cao vai trò và vị thế của EU trên thế giới cũng như tại khu vực. Hai bên sẽ tăng cường phối hợp khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Việt Nam sẽ cùng EU tích cực đóng góp nhằm thúc đẩy quan hệ ASEAN-EU.
Việt Nam hoan nghênh lập trường của EU ủng hộ tự do, an ninh, an toàn hàng hải tại Biển Đông. Việc quân sự hóa và các hoạt động đơn phương đã và đang gia tăng căng thẳng, làm xói mòn lòng tin và làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.
Phó Thủ tướng đề nghị phía EU tiếp tục tham gia đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, thượng tôn pháp luật và tôn trọng Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các nước ở Biển Đông.
Phát biểu tại buổi họp báo, Đại diện cấp cao của EU về Chính sách đối ngoại và an ninh cho biết đây là chuyến thăm song phương đầu tiên của bà đến Việt Nam; nhắc lại những kỷ niệm trong rất nhiều các cuộc gặp gỡ với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong những năm qua, từ Brussels (Bỉ) đến Bangkok (Thái Lan) vừa qua.
Bà Federica Mogherini đánh giá qua hệ đối tác Việt Nam-EU đang ở trong giai đoạn phát triển tốt đẹp, đặc biệt việc ký kết, phê chuẩn và thực thi hiệu quả EVFTA và EVIPA sẽ không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho hai bên mà còn là thông điệp mạnh mẽ khẳng định cam kết của cả hai bên ủng hộ hệ thống thương mại toàn cầu công bằng, tự do.
Bên cạnh lĩnh vực thương mại và đầu tư, EU cho rằng hợp tác năng lượng bền vững và giao lưu nhân dân giữa hai bên cũng là những lĩnh vực hợp tác quan trọng trong quan hệ đối tác Việt Nam-EU.
Về hợp tác an ninh, quốc phòng, bà Federica Mogherini cho hay Việt Nam và EU đã hoàn tất đàm phán hiệp định qua đó tạo điều kiện để Việt Nam tham gia các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU, thể hiện vai trò, đóng góp của Việt Nam cùng với EU trong việc ngăn ngừa xung đột trên thế giới mà còn thúc đẩy hơn nữa an ninh toàn cầu.
Về vấn đề Biển Đông, Đại diện cấp cao của EU chia sẻ quan ngại của Việt Nam liên quan đến những căng thẳng gia tăng gần đây trên Biển Đông, cho rằng đó không phải là những yếu tố thuận lợi cho môi trường hòa bình, ổn định tại khu vực.
EU ủng hộ tự do hàng hải, hàng không trên biển cũng như tiến trình đi đến kết thúc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc pháp lý; ủng hộ lập trường theo hướng tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là những quy định của UNCLOS.
Nhân dịp này, bà Federica Mogherini chúc mừng Việt Nam sẽ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 và thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, coi đây là cơ hội để thúc đẩy hơn nữa quan hệ ASEAN-EU cũng như tăng cường phối hợp giữa Việt Nam với các thành viên EU trong việc thực hiện những trọng trách trong khuôn khổ Liên Hiệp Quốc.
Cùng ngày, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã hội kiến với Phó Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Federica Mogherini.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, và Phó Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Federica Mogherini - Ảnh: Phái đoàn EU tại Việt Nam
Hai bên trao đổi về việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng an ninh dựa trên luật pháp quốc tế và cam kết chung; việc này sẽ được thực hiện thông qua tiếp tục thúc đẩy các cơ chế và khuôn khổ hợp tác, qua đó đóng góp cho hoà bình toàn cầu, ổn định và phát triển khu vực, hỗ trợ triển khai hiệu quả Chiến lược Hội nhập quốc tế của Việt Nam và Chiến lược Toàn cầu của EU.
Bộ Quốc phòng Việt Nam ủng hộ mong muốn của EU về việc tham gia vào các cấu trúc quốc phòng an ninh khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. EU mong đợi Việt Nam tiếp tục có những đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực khi đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN năm 2020.
Trong khuôn khổ Hiệp định khung về Quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn diện, hai bên sẽ thiết lập các cuộc tham vấn thường kỳ về quốc phòng an ninh để đảm bảo việc thực thi hiệu quả quan hệ đối tác hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng an ninh.
EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 55,8 tỉ USD năm 2018, đứng thứ 5 trong số các nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, đồng thời là đối tác cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam với 400 triệu euro giai đoạn 2014-2020.
Cuối tháng 6-2019, hai bên đã ký Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) nhằm nâng tầm hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên; khẳng định cam kết của hai bên ủng hộ thương mại tự do, bình đẳng và minh bạch cũng như nỗ lực thúc đẩy hợp tác liên khu vực Á-Âu.
Bình luận (0)