Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng vừa ký văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh một số quy định về cơ chế tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, cơ chế đặt hàng, định giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) để tháo gỡ khó khăn về thuế, tài chính cho cơ quan báo chí.
Doanh thu giảm mạnh
Theo Bộ TT-TT, việc tổ chức lấy ý kiến, tổng hợp kiến nghị của các cơ quan báo chí được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam ngày 13-6-2023. Cùng với thực tiễn công tác quản lý, Bộ TT-TT đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong các quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định số 60/2021/NĐ-CP), cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất, cung cấp dịch vụ công sử dụng NSNN (Nghị định số 32/2019/NĐ-CP), quy định về chi tiết thi hành Luật Giá và chính sách về thuế đối với các cơ quan báo chí.
Các kiến nghị tháo gỡ khó khăn càng cấp thiết trong bối cảnh các cơ quan báo chí đối mặt với nhiều khó khăn, thể hiện qua kết quả khảo sát của Cục Báo chí (Bộ TT-TT) đầu năm 2023 với 158 cơ quan báo chí in và điện tử. Qua khảo sát cho thấy trong 2 năm đại dịch, tổng doanh thu khối báo trong năm 2021 giảm 30,6% so với năm 2020, từ 2.855 tỉ đồng xuống 1.952 tỉ đồng. Tổng doanh thu khối tạp chí từ 307 tỉ đồng năm 2019 giảm còn 259 tỉ đồng trong năm 2020 và năm 2021 giảm còn 170 tỉ đồng.
Trong văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ TT-TT cho rằng Nghị định 60 có các quy định chưa thống nhất hoặc chưa cụ thể về thực hiện lộ trình tính đủ giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN. Do đó, cần thiết phải nghiên cứu, có quy định thống nhất về lộ trình tính đủ giá sản phẩm, dịch vụ công. Trong đó, đề nghị cho tính chi phí khấu hao tài sản cố định khi đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ lĩnh vực báo chí, truyền thông để hỗ trợ các cơ quan báo chí, xuất bản chủ động về nguồn tái đầu tư tài sản, phương tiện hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.
Bộ TT-TT cũng đề nghị điều chỉnh quy định về quản lý nguồn tài chính thực hiện cải cách tiền lương theo hướng giảm mức trích lập nguồn cải cách tiền lương; cho cơ quan báo chí được chủ động sử dụng nguồn kinh phí cải cách tiền lương khi chưa sử dụng, không sử dụng hết để chi bảo đảm ổn định thu nhập cho người lao động và cho hoạt động nghiệp vụ trên cơ sở đơn vị tự bảo đảm nguồn chi thực hiện cải cách tiền lương.
Các cơ quan báo chí cần được hỗ trợ cơ chế, chính sách tài chính để vượt qua khó khăn Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp
Đối với nhóm vấn đề liên quan đến pháp luật về giá, Bộ TT-TT nhấn mạnh trong lĩnh vực báo chí cần bảo đảm tính kịp thời, hiệu quả trong hoạt động thông tin, tuyên truyền. Việc thẩm định phương án giá gắn liền với trách nhiệm quản lý thông tin, số liệu tài chính, kế toán của cơ quan chủ quản đối với đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc.
Trong điều kiện hiện nay, nguồn lực của các bộ quản lý lĩnh vực không thể đáp ứng yêu cầu thẩm định phương án giá của các đơn vị sử dụng ngân sách trung ương, nhất là lĩnh vực có nhiều đơn vị sự nghiệp do trung ương quản lý như TT-TT. Do đó, Bộ TT-TT đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Giá, trong đó không quy định bộ quản lý ngành, lĩnh vực trách nhiệm thẩm định phương án giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách trung ương lĩnh vực TT-TT. Thay vào đó, các cơ quan chủ quản được giao thẩm định, báo cáo Bộ Tài chính ban hành giá tối đa để phù hợp với thực tế quản lý tài chính, tài sản đơn vị sự nghiệp công lập.
Bộ TT-TT cũng cho rằng cần rút ngắn quy trình, giảm khâu trung gian trong đặt hàng, nhất là lĩnh vực báo chí, bảo đảm tính kịp thời, hiệu quả trong hoạt động thông tin, tuyên truyền. "Đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, có cơ chế quản lý giá phù hợp để các cơ quan báo chí thuận lợi trong việc nhận đặt hàng thông tin, tuyên truyền từ các cơ quan, đơn vị khác không phải là cơ quan chủ quản" - Bộ TT-TT nêu.
Nhóm kiến nghị về chính sách thuế, Bộ TT-TT cho rằng các cơ quan báo chí in đã được nhà nước ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất là 10%. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều cơ quan báo chí có 2 loại hình báo chí trở lên (báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử). Trong khi đó, hoạt động báo chí đều phục vụ nhiệm vụ chính trị, cung cấp thông tin thiết yếu. Từ thực tế đó, Bộ TT-TT đề xuất nhà nước thống nhất áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho tất cả loại hình báo chí, tạo điều kiện hỗ trợ báo chí và thuận lợi cho công tác hạch toán, quản lý thuế.
Ngoài ra, Bộ TT-TT đề nghị Bộ Tài chính bố trí kinh phí cho các cơ quan chủ quản báo chí để giao nhiệm vụ, đặt hàng cơ quan báo chí thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, truyền thông chính sách, cung cấp thông tin thiết yếu. Bộ Tài chính cần bố trí kinh phí mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao năng lực hoạt động của cơ quan báo chí theo quy định hiện hành. Cơ quan tạp chí khoa học đề nghị nhà nước có hướng dẫn các chế độ chi trong hoạt động của tạp chí khoa học, như: biên tập, đọc duyệt, phản biện, hiệu đính, hội đồng biên tập, thuê chuyên gia tư vấn/cộng tác viên khai thác thông tin.
Ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam:
Giảm gánh nặng cho báo chí
Đề nghị của Bộ TT-TT khá cụ thể với 5 nhóm vấn đề lớn. Những vấn đề này, khi thời điểm đại dịch COVID-19 diễn ra vào năm 2020, 2021, Hội Nhà báo Việt Nam đã nhận được nhiều phản ánh của cơ quan báo chí vì họ đang gặp rất nhiều khó khăn. Lúc đó, Hội Nhà báo Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ xem xét những giải pháp tháo gỡ về giảm thuế, thu nhập doanh nghiệp, cho phép các báo được trích quỹ phát triển sự nghiệp để bổ sung vào việc mua sắm trang thiết bị phục vụ làm việc trực tuyến đối với những đơn vị tự chủ tài chính, bổ sung thu nhập do ảnh hưởng COVID-19...
Cốt lõi bây giờ là Bộ Tài chính quan tâm, sớm có phản hồi và có ý kiến đề xuất với Chính phủ những vấn đề mà Bộ TT-TT đã nêu để tháo gỡ ngay những khó khăn cho báo chí. Ngoài ra, Bộ Tài chính xem xét sớm có quy định dành riêng cho cơ quan báo chí, trong đó quy định rõ "Chi phí tiền lương tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp của báo là số tiền lương báo thực trả cho người lao động, có chứng từ hợp lệ, hợp pháp", để giảm bớt gánh nặng cho cơ quan báo chí về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Một số tờ báo tự chủ về tài chính, thực hiện nộp thuế như doanh nghiệp, nhưng vẫn nằm chung trong nhóm các đơn vị hành chính sự nghiệp công lập và bị chi phối bởi các quy định thuộc nhóm này. Nếu áp dụng chi phí tiền lương của báo chí theo Nghị định 60/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, dẫn đến thu nhập trước thuế của các đơn vị báo chí tăng và phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều hơn so với các doanh nghiệp khác có doanh thu tương đương, trong khi các doanh nghiệp vẫn được khấu trừ hết toàn bộ tiền lương thực trả vào chi phí hằng năm trước khi nộp thuế. Đây là một bất cập lớn đối với cơ quan báo chí trên cả nước, đặc biệt trong tình hình kinh tế báo chí đang đối mặt với quá nhiều khó khăn.
P.Anh
Bình luận (0)