Ngày 10-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp thứ 16, diễn ra từ ngày 10 đến 12-10.
Chuẩn bị từ sớm, từ xa
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết tại phiên họp thứ 16 vào ngày 12-10, UBTVQH báo cáo tổng kết Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP HCM (Nghị quyết 54). Theo Chủ tịch Quốc hội, Nghị quyết 54 sẽ hết hiệu lực trong năm nay. Hiện Chính phủ đã có báo cáo đánh giá tổng kết và đề xuất cơ chế chính sách mới thay cho Nghị quyết 54 nhưng do nguyên nhân khách quan và chủ quan, đến nay Chính phủ chưa chuẩn bị kịp. Chính phủ đề xuất kéo dài Nghị quyết 54 đến hết năm 2023. Trong thời gian đó, Chính phủ sẽ trình Quốc hội quyết định những nội dung mới thay Nghị quyết 54 và khi đó nghị quyết này hết hiệu lực. "Nhanh chậm thế nào tùy thuộc vào sự nỗ lực, cố gắng của TP HCM và các cơ quan của Chính phủ. Đây là xử lý tình huống. Nếu chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm, từ xa thì sẽ đánh giá tổng kết và đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết mới. Nhưng do Chính phủ chuẩn bị chưa kịp nên trình ra xin UBTVQH cho ý kiến" - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10-10 Ảnh: PHẠM THẮNG
Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề nếu nội dung này được chấp nhận thì UBTVQH cho ý kiến nên xử lý theo hình thức pháp lý nào, nên ban hành nghị quyết riêng hay có một phần trong nghị quyết chung của Quốc hội đối với nội dung này. Trong đó, đánh giá tổng kết, kéo dài thời gian có hiệu lực của nghị quyết và giao cho Chính phủ tiếp tục nghiên cứu ban hành cơ chế mới cho TP HCM.
Góp phần thúc đẩy tăng trưởng của TP HCM
Thẩm tra sơ bộ việc tổng kết thực hiện Nghị quyết 54, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TC-NS) cho biết việc tổng kết Nghị quyết 54 có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với TP HCM mà còn tạo cơ sở thực tiễn và cơ sở pháp lý để xây dựng, hoàn thiện chính sách đối với nhiều địa phương trên cả nước.
Về kết quả đạt được sau khi có Nghị quyết 54, Ủy ban TC-NS cho biết TP HCM được thí điểm thực hiện 4 nhóm chính sách lớn, bao gồm: về quản lý đất đai; về quản lý đầu tư; về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước (bao gồm 9 nội dung); về cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý (bao gồm 2 nội dung). Thường trực Ủy ban TC-NS cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ, qua đối chiếu với kết quả thực hiện 4 nhóm chính sách được thí điểm tại Nghị quyết 54 cho thấy việc triển khai đã đạt được một số kết quả có ý nghĩa quan trọng, góp phần để thành phố phát triển nhanh, bền vững trong tương lai. Đáng chú ý, chính sách đặc thù về quản lý đất đai đã góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, bảo đảm việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất hằng năm đã được phê duyệt có hiệu quả, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Trong 5 năm, HĐND TP HCM đã quyết định thông qua 32 dự án có chuyển mục đích sử dụng trên 10 ha đất trồng lúa với tổng diện tích 1.843,79 ha. Qua áp dụng thí điểm, HĐND TP HCM quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách thành phố với tổng mức vốn đầu tư là 12.954,3 tỉ đồng; điều chỉnh tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp (tổng số thu tăng thêm cho ngân sách thành phố khoảng 132,6 tỉ đồng).
Đặc biệt, thành phố đã cơ bản thực hiện tốt một số cơ chế, chính sách liên quan đến tổ chức và con người: Tăng cường phân cấp, cơ chế ủy quyền; chính sách về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; tạo lập cơ chế thu hút, phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt. TP HCM chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức do thành phố quản lý theo hiệu quả công việc, năm 2018 tăng 0,6 lần, năm 2019 tăng 1,2 lần và năm 2020 tăng 1,8 lần. Thường trực Ủy ban TC-NS cho rằng mặc dù mức tăng chưa cao song đã góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, chất lượng công tác quản lý nhà nước và dịch vụ công được nâng cao, chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh được cải thiện.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, do nhiều yếu tố tác động không thuận như đại dịch COVID-19; một số quy định của pháp luật chưa đồng bộ; những hạn chế trong tổ chức thực hiện, Thường trực Ủy ban TC-NS nhận thấy còn một số hạn chế, vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết 54; đặc biệt là một số chính sách liên quan đến đất đai, tài chính, ngân sách nhà nước còn chậm triển khai; có chính sách sau 5 năm vẫn chưa được thực hiện.
Cho ý kiến về nhân sự thuộc Chính phủ
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết trong phiên họp thứ 16, UBTVQH sẽ cho ý kiến về công tác nhân sự để trình kỳ họp thứ 4 và công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của UBTVQH. "Về nhân sự để trình kỳ họp thứ 4, UBTVQH sẽ nghe và cho ý kiến, chuẩn bị các nội dung liên quan đến kiện toàn chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước và một số vị trí bộ trưởng, trưởng ngành trong bộ máy Chính phủ theo đề nghị của Thủ tướng" - Chủ tịch Quốc hội nói. Một nội dung đáng chú ý khác là UBTVQH cũng cho ý kiến về việc tháo gỡ vướng mắc cho một số dự án BOT.
Trong ngày 10-10, UBTVQH đã cho ý kiến về dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV. Trình bày báo cáo kiến nghị cử tri, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu cho biết cử tri và nhân dân còn lo lắng về áp lực lạm phát cao, chính sách tiền tệ và chống dịch của các nước có nhiều thay đổi khác nhau, gây nhiều khó khăn, bất lợi. Giá xăng dầu biến động và có giảm nhưng nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển vẫn ở mức cao.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết báo cáo ý kiến cử tri của MTTQ có đề cập đến giá xăng dầu nhưng nên bổ sung hiện nay nhân dân phản ánh điều hành chính sách, kể cả điều hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu, chiết khấu hiện nay cũng có gì đó chưa phù hợp. "Tình hình này dẫn đến một số cửa hàng xăng dầu nói đã kinh doanh là lỗ nên người ta đóng cửa các cửa hàng xăng dầu, ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân... Có chỗ chỉ bán cho người dân 50.000 đồng tiền xăng" - ông Vũ Hồng Thanh nói.
Bình luận (0)