xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đề nghị kiểm toán giá điện

Văn Duẩn - Ngọc Dung

Phát biểu tại thảo luận tổ về kinh tế - xã hội sáng 22-5, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ băn khoăn về giá điện và đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc kiểm toán giá điện

Đại biểu (ĐB), PGS-TS Trần Hoàng Ngân (TP HCM) - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - cho biết nhiều ngày qua, cử tri hỏi ông "liệu giá điện có giảm hay không?". Qua đọc báo cáo của Bộ Công Thương gửi tới Quốc hội (QH) ngày 21-5, giải trình về việc tăng giá điện vừa qua, ĐB Ngân cho biết ông hiểu và chia sẻ những nội dung được trình bày trong đó. Tuy nhiên, ông không đồng tình với cách chia bậc thang tính giá điện như hiện nay.

Mỗi bậc chỉ 50 KWh là quá thấp

ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho rằng ở Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ có 3 bậc tính giá điện; Indonesia, Malaysia có 5 bậc nhưng Việt Nam quy định 6 bậc, trong đó bậc 1 từ 0-50 KWh và bậc 2 từ 51-100 KWh là quá thấp. Ông đề xuất chỉ nên áp dụng 3 bậc thang giá điện. Cụ thể, bậc 1 áp dụng từ 0-100 KWh; bậc 2 từ 101-300 KWh và bậc 3 từ 301 KWh trở lên. "Nhu cầu sử dụng điện của người dân ngày càng tăng lên do thu nhập, điều kiện sinh hoạt cũng được cải thiện hơn, do đó định mức thang bậc phải thay đổi. Có như vậy, việc tăng giá điện mới không làm ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân" - ĐB Ngân đề xuất.

ĐB Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, cho rằng Chính phủ đã có giải trình về cơ chế tính giá điện nhưng vẫn cần làm rõ hơn để người dân yên tâm. "Cử tri không biết cách tính giá nhưng biết tăng giá sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống và so sánh với giá cả khác thì việc tăng của mặt hàng này chưa phù hợp" - ĐB Cầu nói và đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc kiểm toán lại giá điện xem có đúng như đề xuất của các cơ quan hay không.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, cũng không đồng tình với lý giải của Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành trong thảo luận tại tổ, khi ông Thành cho biết việc tăng giá điện theo lộ trình đã được EVN làm công khai, minh bạch và tất cả kiến nghị, thắc mắc của người dân đã được giải thích thấu đáo, nhận được sự đồng tình từ người dùng điện. Theo ĐB Mai, gia đình bà vẫn sử dụng điện như cũ, không tăng thêm thiết bị nào mà hóa đơn tháng qua tăng gần gấp đôi.

Đề nghị kiểm toán giá điện - Ảnh 1.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội sáng 22-5, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng một số nước quy định chỉ có 3-5 bậc tính giá điện, Việt Nam đến 6 bậcẢnh: Văn Duẩn

Lo cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tác động đến Việt Nam

Theo ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội), Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, qua cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, dự báo dòng dịch chuyển của các nhà đầu tư Trung Quốc sang các nước khu vực Đông Nam Á sẽ diễn ra rất mạnh. Trong đó, Việt Nam là một trong những địa bàn thu hút luồng đầu tư này. ĐB Nguyễn Văn Chương (TP HCM) cũng chỉ ra thực trạng dòng vốn đầu tư FDI nói chung và từ Trung Quốc nói riêng đang đổ vào Việt Nam ngày càng nhiều do cuộc chiến thương mại; đề nghị Chính phủ cần phải lựa chọn nguồn đầu tư có chất lượng và phải có chính sách xem lại ưu đãi quá nhiều với doanh nghiệp FDI, khiến các doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh, không thể vươn lên.

ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng độ mở của nền kinh tế Việt Nam đứng hàng đầu thế giới. "Khi thương mại thế giới suy giảm thì chắc chắn kinh tế Việt Nam sẽ bị tác động. Chính phủ cần phải xây dựng các kịch bản ứng phó biến động thế giới" - ĐB Ngân nói.

Tranh luận gay gắt về việc cho phạm nhân ra ngoài lao động

Chiều 22-5, QH thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Một trong những nội dung được quan tâm nhiều nhất, tranh luận nhiều nhất đó là quy định tổ chức cho phạm nhân lao động bên ngoài trại giam (điều 33).

Bên cạnh nhiều ý kiến ủng hộ, vẫn có nhiều ĐB không đồng tình hoặc băn khoăn về quy định cho phép phạm nhân ra ngoài lao động. ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nói ông không đồng tình với những ý kiến ủng hộ cho điều 33. "Việc phạm nhân phải lao động cải tạo, học nghề là hoàn toàn xứng đáng nhưng bắt buộc họ đi lao động để kiếm tiền là không chính đáng".

ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cũng nhấn mạnh không phản đối điều 33 song vấn đề là phải giải quyết được hàng loạt cơ sở pháp lý để có thể thực thi được. "Dự án luật trao quyền cho trại giam được đưa phạm nhân ra ngoài lao động dựa trên quy định nào? Việc giải quyết mối quan hệ lao động ra sao?". ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang), Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH, đề nghị QH cho bỏ phiếu về điều 33.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết do vẫn còn ý kiến khác nhau, QH sẽ gửi phiếu xin ý kiến ĐBQH bằng hình thức bấm nút điện tử làm cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật..

Chủ tịch EVN: "ĐB Lê Thu Hà tính chưa đúng"

Chiều 22-5, ĐBQH Dương Quang Thành đã được nhiều phóng viên tìm gặp bên hành lang QH để đề nghị ông đánh giá về phát biểu của ĐB Lê Thu Hà (Lào Cai) trong buổi sáng cùng ngày khi ĐB Hà cho rằng trên thực tế giá điện không tăng 8,36% như EVN đã công bố.

Ông Dương Quang Thành khẳng định EVN đã tính toán chính xác, từng bậc thang một, có so sánh giữa trước và sau khi tăng giá điện, đều tăng từ 8,3%-8,4%. "Cách tính giá theo thang bậc mà ĐB Lê Thu Hà đưa ra, các số liệu đó không nằm trong biểu giá mà Chính phủ quy định. Giá điện thì chỉ có giá bình quân mà Chính phủ quy định chứ không có giá cơ sở nào khác" - ông Thành khẳng định và lý giải thêm: "Bởi vì khi so sánh các bậc, nếu lấy bậc cơ sở là bậc 1 thì bậc 2, bậc 3 đến bậc 6 chúng ta đều có thể chia tỉ lệ và biết tăng lên bao nhiêu so với bậc 1. Khi so sánh các bậc với nhau thì phải so sánh cùng một bậc trước và sau khi tăng giá điện".

Chủ tịch EVN cho biết ĐB Lê Thu Hà có dẫn số liệu giá điện bậc 6 là 2.927 đồng / KWh nhưng con số này không đúng, bởi giá điện bậc 6 đang được áp dụng chỉ có hơn 2.700 đồng/ KWh. Ông Thành bảo: "EVN đã có bảng tính rất cụ thể, chúng tôi sẵn sàng cung cấp cho các bạn".

anh chan dung ba thúy

ĐB Trần Thị Diệu Thúy,

ĐB Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM:

Giáo viên mất việc, lỗi của ai?

Về gian lận thi cử, cử tri ý kiến rất nhiều và hỏi bao giờ thì có trả lời chính thức về kết quả xử lý? Những trường hợp là con cán bộ, công chức mà có trong danh sách gian lận thi cử thì xử lý đến mức độ nào? Thời gian qua, báo chí nêu rất nhiều về tình trạng nhiều giáo viên ở các tỉnh, thành đột ngột mất việc. Có nghĩa là họ đang làm việc nhưng nhận được thông báo hết tháng, hết quý, hết năm... là không được làm việc nữa. Đây là lỗi của ai? Lỗi là của đội ngũ người làm công tác tổ chức trong ngành giáo dục hay do lỗi hệ thống của lãnh đạo bộ, ngành đó cho phép hay như thế nào cũng phải trả lời. Ngành giáo dục và Chính phủ có ý kiến chỉ đạo như thế nào về việc này?


đb lê thu hà - tỉnh lào cai

ĐB Lê Thu Hà

ĐB Lê Thu Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội:

Giải trình của EVN đã ẩn đi 1 lần tăng giá

Trên thực tế, giá điện không tăng 8,36% như EVN công bố. Người tiêu dùng ở bậc 6 (từ 401 KWh/tháng trở lên) phải chi trả đến 2.927 đồng/KWh, tăng đến 15% so với bậc 6 của mức giá cũ chứ không phải là 8,37% như EVN đệ trình để Chính phủ thông qua cho bậc 6.

Đối với bậc 3 (101-200 KWh), theo EVN là mức phổ biến, thì mức giá mới 2.014 đồng/KWh, tăng hơn 10% so với giá cũ 1.858 đồng chứ không phải 8,4% như EVN thông báo. Tương tự, sự gia tăng giá điện ở bậc 4 (201-300 KWh) là 12,7% và ở bậc 5 (301-400 KWh) là 14,2%.

Như vậy, thực chất mức tăng mới là 10%, 12,7%, 14,2%, 15%, khác với 8,33%-8,4% trong đề xuất trình Chính phủ phê duyệt. Cách giải trình của EVN đã ẩn đi 1 lần tăng giá, làm cho phần trăm tăng giá thấp hơn.

Vấn đề đặt ra ở đây là chúng tôi cần sự minh bạch của điện lực về mức giá đúng của 1 KWh điện. Nếu có mức giá đúng mới biết mức tăng giá từ mức cơ sở lên mức lũy tiến là như thế nào. Tôi cho rằng nên đề xuất kiểm toán cách tính toán đầu vào giá điện cũng như cách kinh doanh điện trong thời gian qua. Báo cáo Bộ Công Thương gửi thấy nêu rất nhiều lý do nhưng cá nhân tôi cảm thấy báo cáo chưa đáp ứng được yêu cầu của cử tri cũng như thông tin đến ĐBQH.

Bộ Công Thương lý giải giá điện 6 bậc thang là căn cứ tham khảo các quốc gia trên thế giới nhưng lại chỉ tham khảo một nửa. Ví dụ, tại Mỹ có giá bậc thang nhưng cũng có rất nhiều doanh nghiệp cung cấp điện với giá cạnh tranh. Hay Hàn Quốc, khi thời tiết quá nóng thì Chính phủ quyết định tạm thời giảm giá điện trong tháng 7 và tháng 8 để giúp người dân vượt qua giai đoạn này, vì họ coi nắng nóng như thiên tai.

V.Duẩn ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo