Ngày 7-11, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có văn bản gửi Thủ tướng đề nghị đồng ý chủ trương cho phép xã hội hóa để hồi hương ấn Hoàng đế chi bảo.
Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đề nghị huy động mọi nguồn lực xã hội hóa cho Quỹ Bảo tồn di sản Huế và sử dụng nguồn lực từ quỹ này để thương lượng với nhà đấu giá Millon (Pháp) nhằm kịp thời mua lại, hồi hương chiếc ấn nói trên. Bên cạnh đó vận động mạnh thường quân là tổ chức cá nhân yêu quý di sản thương lượng, mua lại ấn Hoàng đế chi bảo để đưa về nước, góp phần bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản quốc gia.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị Thủ tướng giao Bộ VH-TT&DL, Bộ Ngoại giao phối hợp tỉnh này và các tổ chức, cá nhân thương lượng với nhà đấu giá Millon mua lại ấn.
Ấn Hoàng đế chi bảo
Trước đó một ngày, Sở Văn hóa và Thể thao đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế có văn bản báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cho phép tỉnh này được huy động tối đa các nguồn lực xã hội hóa cho Quỹ bảo tồn di sản Huế, và trước mắt cho phép sử dụng nguồn lực này trong việc thương lượng với Nhà đấu giá Millon nhằm kịp thời thương lượng, mua lại và hồi hương chiếc ấn Hoàng đế chi bảo.
Trong công văn, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế, khẳng định Ấn Hoàng đế chi bảo do vua Minh Mạng đúc năm 1823 bằng vàng mười tuổi, nặng 282 lạng 9 tiền 2 phân (10,78kg) với chức năng đặc biệt quan trọng gắn liền với các hoạt động công quyền, chính sự của triều Nguyễn (vào các dịp khánh tiết, ban ân, xá tội, đi tuần thú các địa phương, ban sắc thư cho nước ngoài...). Đây không chỉ là chiếc ấn vàng lớn nhất, đẹp nhất của triều Nguyễn mà còn là một cổ vật mang những giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử của Việt Nam trong giai đoạn cận - hiện đại.
Đặc biệt là với Thừa Thiên - Huế, kinh đô của triều Nguyễn, cũng là nơi đã xảy ra sự kiện ngày 30-8-1945, vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn là vua Bảo Đại trao lại ấn kiếm cho đại diện của Chính quyền cách mạng Việt Nam, chấm dứt sự tồn tại của chế độ quân chủ phong kiến Việt Nam.
Do những sự cố không mong muốn, bộ ấn kiếm trên đã rơi vào tay thực dân Pháp. Và ngày 8-3-1952, phía Pháp đã trao lại cho "Quốc trưởng" Bảo Đại và sau đó được đưa qua Paris. Vì vậy, rất cần thiết phải huy động mọi nguồn lực có thể để thương lượng, mua lại và hồi hương chiếc ấn vàng đặc biệt này.
Trong điều kiện hiện nay, việc bố trí ngân sách Nhà nước để mua lại ấn Hoàng đế chi bảo là khó khả thi, trong khi Quỹ Bảo tồn di sản Huế vừa được Chính phủ cho phép thành lập có cơ chế hoạt động linh hoạt, có hiệu quả rất cao trong việc huy động các nguồn lực xã hội hóa cho công cuộc bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản cố đô Huế.
Trước đó, nhà đấu giá Millon dự kiến đấu giá Hoàng đế chi bảo vào ngày 31-10. Tuy nhiên, ngày 28-10, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đã có thư gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa Cộng hòa Pháp; và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cũng có thư gửi Tổng Giám đốc UNESCO đưa ra khỏi danh mục đấu giá cổ vật và tạo điều kiện để phía Việt Nam thương lượng và hồi hương.
Nhà đấu giá Millon sau đó đã có thông báo đưa Hoàng đế chi bảo ra khỏi danh mục đấu giá cổ vật ngày 31-10 và dời sang ngày 10-11.
Bình luận (0)